Phình động mạch não

                                                                                 TS.BS Phạm Phước Sung

                                                                              Trưởng phòng Đào tạo – CĐT

                                                            Phó khoa Thần kinh – Đột quỵ, BVĐK tỉnh Thanh Hóa

 

 

Phình động mạch não là gì?

     Phình động mạch não là một túi phình hình thành trên thành động mạch não, thường có dạng hình túi, đôi khi có hình thoi (hình dưới), có thể vỡ ra gây chảy máu màng não hoặc não.                                             

 

      


     Túi phình động mạch não hình thành thế nào? Có phải từ khi sinh ra đã có chứng phình này?

     Con người khi sinh ra thường chưa có túi phình động mạch. Phần lớn các túi phình phát triển sau tuổi 40. Chứng phình động mạch thường phát triển tại các điểm phân nhánh của động mạch và lớn dần ra bởi áp lực từ lưu lượng máu não. Chúng thường phình to từ từ và trở nên yếu hơn khi chúng lớn lên, giống như một quả bóng bay trở nên yếu hơn khi nó căng ra. Chứng phình động mạch có thể liên quan đến các loại rối loạn mạch máu khác, chẳng hạn như loạn sản sợi cơ, viêm động mạch não hoặc bóc tách động mạch. Một số chứng phình động mạch là do nhiễm trùng, các loại thuốc như thuốc gây nghiện mạnh, hoặc chấn thương não trực tiếp từ một tai nạn.


     Làm thế nào để chẩn đoán phình động mạch?

     Các xét nghiệm hình ảnh đặc biệt có thể phát hiện túi phình động mạch não khá dễ dàng, như chụp cắt lớp vi tính não (CT) có dựng hình động mạch. Phương pháp thứ hai, được gọi là chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có thể phát hiện được bệnh. Kỹ thuật tin cậy nhất được gọi là chụp động mạch não chẩn đoán (DSA).

    Trước khi bất kì can thiệp nào được xem xét, chụp động mạch não chẩn đoán thường được thực hiện để lập bản đồ đầy đủ cho một kế hoạch điều trị.

     Nếu có một túi phình động mạch não, liệu có còn nhiều túi phình khác trên cơ thể không? Câu trả lời là: Nếu có một túi phình động mạch có nghĩa là có khoảng 20% ​​khả năng có một hoặc nhiều túi phình động mạch khác cùng tồn tại trong cơ thể.


     Các triệu chứng của túi phình động mạch không vỡ là gì?

     Các túi phình động mạch nhỏ thường không có triệu chứng. Nhưng khi túi phình động mạch to ra, nó có thể gây đau đầu hoặc đau tại chỗ túi phình. Nếu phình động mạch trở nên rất lớn, nó có thể tạo ra áp lực ép lên các mô não bình thường hoặc các dây thần kinh lân cận. Áp lực này có thể gây rối loạn thị lực, tê, yếu tay hoặc chân, khó nói, giảm trí nhớ hoặc co giật.


     Điều gì gây ra vỡ phình động mạch chảy máu?

     Khoa học hiện nay chưa hoàn toàn cắt nghĩa được tại sao túi phình động mạch vỡ ra gây chảy máu hoặc chính xác khi nào nó sẽ vỡ. Tuy nhiên, chúng ta đã biết rõ những gì làm tăng nguy cơ chảy máu, trong đó: Huyết áp tăng là nguyên nhân hàng đầu gây vỡ túi phình, làm chảy máu ra màng não. Gắng sức cũng có thể gây ra tăng áp lực trong não và có thể dẫn đến vỡ túi phình động mạch não. Ngoài ra, những thay đổi cảm xúc quá mạnh, chẳng hạn như tức giận, có thể làm tăng huyết áp và sau đó có thể gây vỡ túi phình.

     Các chất làm giảm đông máu, một số loại thuốc gây nghiện mạnh như ephedrine và amphetamine (thuốc lắc), cocaine có thể làm tăng nguy cơ vỡ.


     Các nguy cơ khác gây vỡ phình động mạch và chảy máu là gì?

     Nhiều yếu tố quyết định liệu túi phình động mạch có khả năng vỡ và chảy máu hay không. Chúng bao gồm kích thước, hình dạng và vị trí của túi phình. Các phình động mạch nhỏ, bờ đồng đều có thể ít chảy máu hơn các phình lớn, hình dạng không đều. Một khi phình động mạch đã vỡ gây chảy máu, khả năng chảy máu tái phát rất cao.


     Điều gì xảy ra nếu túi phình động mạch vỡ gây chảy máu?

     Nếu một túi phình động mạch vỡ, nó sẽ rò rỉ máu vào khu vực xung quanh não. Đây được gọi là xuất huyết dưới nhện hay xuất huyết màng não. Tùy thuộc vào lượng máu, nó có thể tạo ra: đau đầu dữ dội, đột ngột, có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày hoặc lâu hơn. Có thể kèm theo: buồn nôn và nôn, giảm nhận biết hoặc hôn mê.

     Xuất huyết cũng có thể làm tổn thương não trực tiếp, thường là do chảy máu vào cả bên trong não. Điều này có thể dẫn đến: yếu hoặc liệt một tay hoặc chân, khó nói hoặc khó hiểu lời nói, giảm thị lực, co giật…


     Hậu quả sau khi phình động mạch vỡ là gì?

     Khi túi phình động mạch vỡ ra gây chảy máu, khả năng tử vong là khoảng 40% và khả năng não bị tổn thương trầm trọng là khoảng 66%, ngay cả khi túi phình động mạch được điều trị. Nếu túi phình động mạch được điều trị đủ nhanh, các biến chứng do máu thoát ra ngoài màng não cũng còn rất nặng nề.

     Co thắt mạch máu não là một biến chứng phổ biến sau khi phình động mạch vỡ. Điều này có thể dẫn đến tổn thương não gia tăng. Các vấn đề khác có thể bao gồm tràn dịch não (ứ nước), khó thở cần phải thở máy và nhiễm trùng…


     Tại sao thiệt hại rất lớn sau khi chảy máu?

     Sau khi máu tràn vào não và không gian xung quanh nó, gây tổn hại trực tiếp đến mô não và chức năng não. Lượng máu càng nhiều tổn thương não càng nặng do tăng áp lực và phù nề do chảy máu trực tiếp vào mô não, hoặc do tổn thương tế bào não do lượng máu trong không gian giữa não và hộp sọ.

     Máu cũng có thể kích thích và làm hỏng các mạch máu bình thường và gây co thắt mạch máu. Điều này có thể làm gián đoạn lưu lượng máu bình thường đến các mô não khỏe mạnh và gây tổn thương não nhiều hơn.


     Có điều trị được túi phình động mạch vỡ hoặc cải thiện tổn thương não được không?

     Một khi túi phình động mạch vỡ, chảy máu và tổn thương não xảy ra, điều trị túi phình động mạch sẽ không đảo ngược được hoàn toàn tổn hại não. Điều trị giúp ngăn ngừa chảy máu nhiều thêm, kết hợp với các biện pháp điều trị khác, nhờ đó não có điều kiện để phục hồi.


     Chọn phương pháp điều trị?

     Các bác sĩ phải đánh giá và quyết định kỹ thuật nào là tốt nhất. Cần phải tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia về đột quỵ và phẫu thuật thần kinh mạch máu não. Đó là các chuyên gia phẫu thuật kẹp túi phình, chuyên gia can thiệp thần kinh làm nút mạch…


     Phình mạch nên được điều trị như thế nào?

     Việc điều trị tốt nhất phụ thuộc vào nhiều thứ, bao gồm cả việc túi phình động mạch có bị vỡ hay không. Túi phình động mạch vỡ thường cần điều trị ngay. Tuy nhiên, thời gian điều trị và các lựa chọn phụ thuộc vào kích thước, vị trí và hình dạng của phình động mạch, cũng như tình trạng sức khỏe nói chung của bệnh nhân.


     Hiện có những phương pháp điều trị nào?

     Điều trị nội khoa: Túi phình động mạch nhỏ, không bị vỡ và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào có thể không cần điều trị ngay trừ khi chúng phát triển, gây ra các triệu chứng hoặc vỡ. Điều rất quan trọng là cần kiểm tra hàng năm để theo dõi diễn biến của túi phình, tình trạng huyết áp và nhiều yếu tố khác.


     Phẫu thuật thần kinh: Tùy thuộc vào mức độ, tình trạng bệnh và các rủi ro, một phẫu thuật mở sọ để kẹp cổ túi phình có thể được xem xét. Bệnh nhân được gây mê toàn thân và bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ mổ mở não và kẹp cổ túi phình bằng một kẹp kim loại.


     Bác sĩ can thiệp thần kinh: Tùy thuộc vào kích thước, vị trí và hình dạng túi phình, nó có thể được điều trị từ bên trong lòng mạch máu. Kỹ thuật xâm lấn tối thiểu này tương tự như chụp động mạch não. Tuy nhiên, ngoài việc chụp hình ảnh động mạch, một ống thông được dẫn qua các mạch máu vào tận nơi túi phình. Sau đó, bằng cách sử dụng hướng dẫn của máy chiếu đặc biệt, bác sĩ can thiệp nội mạch đặt các cuộn sợi bạch kim mềm vào trong túi phình cho đến khi lấp đầy túi. Các cuộn dây nằm trong túi phình động mạch và hoạt động như một rào cản đối với dòng máu, nhờ đó nêm chặt và bảo vệ an toàn cho túi phình.


     Các biến chứng tiềm ẩn của điều trị túi phình động mạch não là gì?

     Cho đến khi túi phình động mạch được điều trị an toàn, luôn có nguy cơ chảy máu trở lại và gây tổn thương não nhiều hơn.


     Những gì cần làm sau khi điều trị túi phình động mạch não?

     Tùy thuộc vào loại điều trị, hai việc cần theo dõi là:

     Đối với phẫu thuật kẹp cổ túi phình: Sau phẫu thuật, cần chụp động mạch trong thời gian nằm viện để đảm bảo kẹp túi phình đã bịt kín và an toàn.

     Đối với can thiệp nút túi phình: Sau khi nút cần chụp động mạch theo dõi định kỳ, thường được thực hiện sau 6 đến 12 tháng sau khi làm thủ thuật để đảm bảo túi phình vẫn trong tình trạng an toàn.


     Ở đâu có thể thực hiện được các kỹ thuật và phẫu thật này?

     Đây là một bệnh khá phức tạp và điều trị tốn kém. Hiện nay, các bệnh viện tuyến trung ương và chỉ một số bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh thực hiện được, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

     Để chẩn đoán sớm, người bệnh cần đến khám ở các cơ sở y tế uy tín, có các bác sĩ chuyên khoa về Thần kinh – Đột quỵ để được tư vấn và chụp mạch não nếu có nghi ngờ mắc bệnh.

                                                                                

Liên hệ nhanh