Cặp vợ chồng nơi tuyến đầu chống dịch

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, “cặp đôi đặc biệt” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn luôn kề vai sát cánh, hỗ trợ, động viên nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên tuyến đầu chống dịch, họ như người truyền cảm hứng, giúp mỗi đồng nghiệp, bệnh nhân có thêm sức khỏe, niềm tin, tinh thần, nghị lực để chiến đấu và chiến thắng.

 

“Chung một chiến hào” trên tuyến đầu chống dịch, vợ chồng bác sĩ Lê Ngọc Tâm, Khoa Xương khớp – Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

 

Xa gia đình nhỏ, vì sự đoàn tụ lớn


Những ngày dịch bệnh căng thẳng, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh không có khái niệm nghỉ, không biết ngày cuối tuần. Một vài nhân viên phơi nhiễm trong quá trình làm việc nhưng tải lượng vi-rút thấp, nên vẫn phải đi làm bởi không còn ai thay thế. Đổi lại sự vất vả đó, anh em thấy mình ngày càng trưởng thành, dày dặn kinh nghiệm trong việc hoàn thiện quy trình tiếp nhận, điều trị F0 nhanh chóng, hiệu quả. Trở về phòng nghỉ sau ca trực, bác sĩ Lê Ngọc Tâm, Khoa Xương khớp – Nội tiết lộ rõ sự mệt mỏi, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Anh bảo: “Những ngày cao điểm chống dịch, nhiều đêm gần như thức trắng vì công việc. Tuy áp lực, nhưng được làm đúng nghề, thì vất vả mấy mình cũng sẽ vượt qua”.

 

Mang trong mình sức trẻ và khát khao cống hiến, bác sĩ Tâm luôn năng nổ trong mọi hoạt động của bệnh viện. Còn nhớ, sau mệnh lệnh “chi viện” cho miền Nam của Bộ Y tế, một làn sóng tình nguyện “vào Nam” sôi sục. Chỉ vài chục phút sau khi thông báo của bệnh viện về việc lập danh sách nhân lực hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19, điện thoại của BSCKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh tới tấp nhận được tin nhắn xin được “vào Nam”: “Em đăng ký ạ”, “Cho em đi trước sếp ơi”, “Cho em đi trước đi ạ”…, từ các bạn trẻ còn “chưa vướng bận” cho tới nhân viên sắp nghỉ hưu, người có con nhỏ, cha mẹ bệnh nặng. Ban lãnh đạo bệnh viện phải vất vả sàng lọc danh sách bởi lượng đăng ký đông quá. Là người đứng đầu một tổ chức với tinh thần thép và thường rất tiết chế cảm xúc, ông cảm động khi thấy những “bé” điều dưỡng thường ngày ông chỉ chấn chỉnh về chuyên môn chút thôi đã trốn vào một góc thút thít khóc, thì nay lại là những người đăng ký sớm nhất. Có những trường hợp, ông buộc phải từ chối cho đi vì nhiều lý do, nhưng trong lòng vô cùng xúc động về tinh thần dấn thân của “đồng đội”.

 

Tinh thần xung phong ngùn ngụt như vậy nhưng các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chỉ cho đó là “chuyện bình thường cần làm, không có gì đáng kể”. “Là lực lượng tuyến đầu, chúng tôi luôn sẵn sàng đến những nơi mà Nhân dân cần”, bác sĩ Tâm khẳng định chắc nịch.

 

Khi nhận nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến số 1, TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Tâm luôn tâm niệm sẽ cố hết sức để cứu người. Đó là điều mà anh và đồng nghiệp đã mang theo để vững vàng bước vào tâm dịch. Nhưng mỗi ngày phải chứng kiến sự thảm khốc của dịch bệnh khiến anh không khỏi ám ảnh. “COVID-19 tấn công phổi, khiến bệnh nhân khó thở, nhưng não thì vẫn ý thức được, họ muốn sống nên luôn nhắn nhủ: “Bác sĩ ơi, ráng giúp tôi”. Có bệnh nhân khi tỉnh dậy chịu đau không nổi đã yêu cầu lấy giấy, viết nguệch ngoạc với nội dung “xin rút ống thở cho tôi… chết”… Những lúc như vậy nước mắt bỗng chực trào ra, nhưng dù có muốn khóc cũng trốn một góc không ai thấy, vì sợ rằng mình mất bình tĩnh sẽ khiến tinh thần của đồng nghiệp nặng nề hơn” – bác sĩ Tâm nhớ lại – “Lúc đó, cảm giác lo lắng, thương nhớ người thân, gia đình đến tột cùng. Nhưng không ai bảo ai, khi gọi điện thoại về cho gia đình đều không dám kể tình hình đang diễn ra tại đây. Bởi, chúng tôi biết mình cần phải gạt đi tất cả những cảm xúc đó, cần cứng rắn để động viên, trấn an những người bệnh và tiếp tục làm việc”.

 

Nghe bác sĩ Tâm kể, chúng tôi thấy cả những nhọc nhằn, hiểm nguy mà anh và đồng nghiệp đối diện, cả những cái vỗ vai động viên của lãnh đạo. Rồi, những nụ cười trong khóe mắt anh, tuy lộ rõ vẻ mệt mỏi, nhưng sâu thẳm trong đôi mắt đó vẫn ánh lên niềm hy vọng: “Mình tin, nhất định dịch sẽ được đẩy lùi trong thời gian sớm nhất”.

 

Hậu phương vững chắc

“Chung một chiến hào” trên tuyến đầu chống dịch, tại Khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, vợ anh, điều dưỡng Đỗ Thị Kiều Anh cũng hết lòng chăm sóc bệnh nhân. Cả ngày vất vả với công việc, tối về, một tay chị lo quán xuyến gia đình, là hậu phương lớn để chồng yên tâm công tác. Suốt thời gian dài, gia đình 4 người chỉ có thể “đoàn viên” qua màn hình điện thoại. Nhìn nhau, nước mắt cứ chực trào ra: chồng thương vợ ở nhà lo toan vất vả, các con thiếu bố kèm cặp bảo ban; vợ lo chồng sẽ nhiễm bệnh, sẽ kiệt sức vì khối lượng công việc quá lớn.

 

Đợt dịch thứ 4 bùng phát, thành phố kích hoạt các biện pháp chống dịch. Trường học đóng cửa, 2 con phải học online và tự chăm sóc nhau. Chị Kiều Anh nói rằng, vì hai anh chị đều công tác trong ngành y nên các con thiệt thòi nhiều. Từ bé, các con đã quen với việc bố mẹ thường xuyên đi trực đêm. Nhiều đêm chị đi trực, yên tâm có anh Tâm ở nhà trông con. Sáng hôm sau, hết ca trực, chị mới biết đêm qua hai con tự ngủ ở nhà vì anh có việc đột xuất phải lên khoa. Bố đi chống dịch, hai con nhắc bố suốt. Tối đến, khi mẹ bận trông em, chị cả có bài khó thì gọi zalo hỏi bố. Nhưng không phải lúc nào bố cũng giảng bài được. “Có hôm sau ca trực, mở điện thoại ra thấy cuộc gọi nhỡ của con, biết là con cần bố giảng bài nhưng lúc đó đã khuya quá rồi, thấy thương con vô cùng. Sau ca trực mệt nhoài, khi trút bỏ bộ bảo hộ, cơ thể sũng mồ hôi, hình ảnh những bệnh nhân ra đi vì COVID-19 cứ ám ảnh trong đầu. Những lúc ấy, chỉ mong được gặp vợ con, được trò chuyện để đầu óc bớt nặng nề và có thêm động lực”, giọng anh Tâm chùng xuống.

 

Vì chồng đi chống dịch nên chị Kiều Anh được bệnh viện sắp xếp sang Lão khoa làm việc, các đồng nghiệp cũng thay phiên nhau trực đêm để chị có thời gian chăm sóc con nhỏ. Hỏi chị Kiều Anh có sốt ruột không, chị cười: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có nhiều đợt y, bác sĩ lên đường chống dịch. Đâu phải chỉ riêng nhà tôi, các y, bác sĩ lên đường, để lại phía sau mỗi người mỗi hoàn cảnh, những tâm tư không nói được thành lời. Dù là hậu phương hay tiền tuyến thì chúng tôi đều xác định mỗi người góp một chút sức lực để hoàn thành nhiệm vụ chung”.

 

Có lẽ việc cùng sát cánh làm nhiệm vụ cùng người bạn đời cũng là một cách để giữ lửa yêu thương. Hạnh phúc tưởng như ở đâu xa nhưng dưới thời COVID-19 lại thấy bắt nguồn từ những điều hết sức giản đơn. Trận chiến chống COVID-19 sẽ còn dài và gian khổ chỉ mong các “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch sẽ luôn “chân cứng, đá mềm”, vượt qua gian khó để cùng cộng đồng vượt qua đại dịch.

 

Bài và ảnh: Tăng Thúy

(Baothanhhoa.vn)

 

Liên hệ nhanh