Hội thảo khoa học chuyên đề :Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản và Tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh lý sa sút trí tuệ

Nằm trong chương trình đào tạo cập nhật và nâng cao kiến thức cho đội ngũ y bác sĩ trong Bệnh viện, chiều ngày 14/3/2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản” và “Tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh lý sa sút trí tuệ”. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các Bác sĩ, Dược sĩ Bệnh viện Đa tỉnh Thanh Hóa và các Bệnh viện trong tỉnh.

 

 


Tại báo cáo chuyên đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản”, các thành viên tham dự đã được nghe PGS.TS Nguyễn Cảnh Bình – Phó Chủ nhiệm khoa Tiêu hóa, Bệnh viện TW Quân đội 108 cập nhật những nội dung về khái niệm, chẩn đoán, điều trị trào ngược dạ dày thực quản GERD. Theo đó, trào ngược dạ dày thực quản là một trong những bệnh thường gặp và ngày càng gia tăng ở Châu Á và Việt Nam. Việc điều trị bệnh này thường liên quan đến nhiều chuyên ngành và có nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh. Nguyên tắc cơ bản của điều trị GERD là can thiệp lối sống và giảm acid lòng thực quản bằng cách trung hòa acid tại chỗ hoặc ức chế tiết acid dạ dày, tăng tống xuất dạ dày; hoặc nội soi/ phẫu thuật chống trào ngược. Đặc biệt, việc lựa chọn các loại thuốc PPIs kết hợp prokinetic là một phương pháp có tác dụng tốt, góp phần vào hiệu quả giảm triệu chứng nhanh, có tác dụng kéo dài, dùng ít lần, ít tác dụng phụ, giá thành thấp, sẵn có trên thị trường.

 

 


Cũng trong khuôn khổ nội dung Hội thảo, BSCKII Nguyễn Hoành Sâm đã trình bày báo cáo về “Chẩn đoán và điều trị sa sút trí tuệ”. Theo đó, số lượng các ca bệnh sa sút trí tuệ (SSTT) ngày một gia tăng và phần lớn ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới WHO, ước tính, đến năm 2030, con số người SSTT ở các quốc gia này sẽ tăng lên 63%, và Châu Á có số người SSTT cao nhất trong các khu vực trên thế giới. Để chẩn đoán bệnh SSTT, Bác sĩ có thể dựa trên triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng (trắc nghiệm đánh giá gồm có test tầm soát (Mini memtal status examination MMSE và Mini-cog test). SSTT có thể phân chia làm nhiều giai đoạn: giai đoạn sớm, giai đoạn muộn, giai đoạn dự phòng và điều trị các chứng loạn thần rối loạn cảm xúc đi kèm. Đối với SSTT, phòng ngừa là then chốt, tập thể dục và dinh dưỡng cho não bộ cũng đóng vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ SSTT.

 

Tại phần thảo luận, các thành viên tham dự được các báo cáo viên giải đáp nhiều câu hỏi và hướng dẫn xử trí một số ca bệnh thực tế. Từ đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.

 


Vui lòng xem chi tiết nội dung bài báo cáo tại file đính kèm.

                                                

(Bài và ảnh: Phòng Kế hoạch – Tổng hợp)

 

Tài liệu đi kèm:Bài giảng trong hội nghị

Liên hệ nhanh