Đột quỵ xuất huyết não

TS.BS Phạm Phước Sung,

Trưởng phòng Đào tạo – CĐT,

Phó khoa Thần kinh – Đột quỵ,

BVĐK tỉnh Thanh Hóa

 

 

Đột quỵ xuất huyết não là gì?

 Đột quỵ xuất huyết não là một loại bệnh cấp cứu gây ra bởi tình trạng mạch máu não đột ngột vỡ ra, chảy máu vào bên trong nhu mô não, làm tổn thương não. (Trong bài này chúng tôi không đề cập đến xuất huyết não do chấn thương).

Xuất huyết não có tỷ lệ tử vong rất cao, khoảng 40%.  Nếu may mắn qua khỏi, tỷ lệ tàn tật cũng không hề nhỏ, khoảng 35%. Vì vậy, cách tốt nhất là phòng ngừa loại đột quỵ nguy hiểm này.

                                      

       

 

     Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột bao gồm: đau đầu, thường yếu chân tay một bên cơ thể, lú lẫn… Sự tích tụ máu trong não gây tăng áp lực và cản trở việc cung cấp oxy cho não. Điều này có thể nhanh chóng gây tổn thương não và các chức năng thần kinh trong cơ thể.

Đây là một bệnh cấp cứu cần điều trị ngay lập tức. Xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não (tắc mạch) nhưng nó thường nghiêm trọng hơn.

     Điều trị cấp cứu phụ thuộc vào lượng máu và mức độ tổn thương não. Vì nguyên nhân phổ biến nhất của xuất huyết não liên quan đến tăng huyết áp, nên kiểm soát và làm hạ huyết áp xuống một mức hợp lí là bước quan trọng đầu tiên. Trong một số trường hợp, phẫu thuật lấy máu tụ ra ngoài là cần thiết để giảm áp lực trong hộp sọ và bớt chèn ép não. Ngoài ra, các biện pháp hồi sức cấp cứu, chăm sóc tích cực, phòng chống biến chứng cũng rất quan trọng.

Điều trị lâu dài và phục hồi chức năng còn phụ thuộc vào vị trí, số lượng, kích thước khối máu tụ. Có thể bao gồm: Uống thuốc hàng ngày để kiểm soát huyết áp, phục hồi chức năng vận động, phát âm và cách thích nghi với cuộc sống hàng ngày cho người bệnh. Nếu bệnh nặng, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại những di chứng và cần người hỗ trợ chăm sóc.


     Các nguyên nhân gây xuất huyết não là gì? Huyết áp cao là nguyên nhân gây xuất huyết não phổ biến nhất. Ở người trẻ tuổi, nguyên nhân hay gặp khác là do các mạch máu hình thành bất thường trong não. 

     Các nguyên nhân khác bao gồm: Vỡ túi phình động mạch não, dị dạng động – tĩnh mạch não, sử dụng chất làm giảm đông máu, khối u não vỡ gây chảy máu, sử dụng các chất ma túy (có thể gây tăng huyết áp và dẫn đến xuất huyết), các bệnh làm máu khó đông…Bất cứ ai cũng có thể bị xuất huyết não, nhưng nguy cơ xuất huyết não tăng theo tuổi. Nam giới có nguy cơ cao hơn một chút so với nữ.

     Triệu chứng của xuất huyết não bao gồm: Yếu hoặc liệt đột ngột, tê hoặc liệt ở mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là nếu nó chỉ xảy ra ở một bên của cơ thể; đau đầu đột ngột, khó nuốt, mắt khó nhìn, mất thăng bằng và khả năng phối hợp động tác, chóng mặt, nói khó, giảm tỉnh táo, giảm nhận biết xung quanh, lú lẫn, thậm chí mất ý thức hoặc hôn mê…Ngoài ra, bệnh nhân có thể đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. Khi gặp tình trạng này, người thân nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay. 

     Chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não thế nào? Nếu bệnh nhân có một số triệu chứng của đột quỵ não, bác sĩ sẽ thực hiện khám chuyên khoa thần kinh, làm các xét nghiệm và chụp hình ảnh não để xác định chắc chắn xuất huyết não, vì nhồi máu não cũng có triệu chứng tương tự. Chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não là phương pháp rất tin cậy, chẩn đoán chính xác xuất huyết não, thời gian thực hiện nhanh (khoảng 5-10 phút). Ngoài ra, trên phim còn có thể phát hiện các tổn thương, bệnh lí khác trong não. 

     Chụp công hưởng từ (MRI) cũng phát hiện rất chính xác xuất huyết não và các tổn thương khác. Tuy nhiên, phương pháp này chụp lâu hơn, chi phí cao hơn và chỉ nên thực hiện ở một số trường hợp cụ thể. Chụp mạch chỉ cần thiết khi bác sĩ nghi ngờ có dị dạng mạch máu hoặc do nguyên nhân đặc biệt khác.

     Các xét nghiệm máu giúp xác định rối loạn hệ thống miễn dịch, viêm và các vấn đề đông máu có thể gây xuất huyết não.


     Xuất huyết não được điều trị như thế nào? Điều trị trong vòng 3 giờ đầu tiên(tối đa 6 giờ) kể từ khi xuất hiện triệu chứng thường mang lại kết quả tốt hơn. Quan trọng nhất, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp để đưa huyết áp xuống mức hợp lí nhất để làm giảm chảy máu thêm, giúp cho khối máu tụ trong não bớt lan rộng ra. Nếu huyết áp quá cao, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc dạng tiêm bằng bơm tiêm điện để chỉnh liều lượng thuốc huyết áp nhanh và dễ dàng hơn so với thuốc dạng viên. Một số loại thuốc khác có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, chẳng hạn như thuốc giảm đau để giảm đau đầu hoặc thuốc chống nôn nếu có nôn… Nếu có nguy cơ bị co giật, bác sĩ có thể cần dùng thuốc chống cơn co giật….Trong trường hợp bệnh nặng, điều trị, chăm sóc tích cực bằng nhiều biện pháp chuyên môn như thở oxy, thở máy…là bắt buộc để cứu sống bệnh nhân. 

Phẫu thuật não chỉ thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt, khi xem xét thấy phẫu thuật có lợi cho bệnh nhân hơn là chỉ điều trị bằng thuốc và chăm sóc tích cực.


     Làm thế nào để có thể ngăn ngừa xuất huyết não? Có thể giảm nguy cơ xuất huyết não bằng cách: Không hút thuốc lá, điều trị bệnh tim mạch, điều trị bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, duy trì lối sống lành mạnh.


     Phục hồi sau xuất huyết não: Qúa trình phục hồi tốt hay không phụ thuộc vào mức độ bệnh, mức độ chữa trị và cơ thể của từng người và nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm độ tuổi, tình trạng sức khỏe, xuất huyết nặng hay nhẹ. Phần lớn bệnh nhân cần thời gian phục hồi trên một tháng, thậm chí cả năm. Trên một nửa số bệnh nhân ít nhiều vẫn còn di chứng, một số bệnh nhân cần chăm sóc tại giường kéo dài. Có khoảng một phần ba số bệnh nhân không may mắn, không thể qua khỏi do bệnh quá nặng, dù đã điều trị đúng đắn và tích cực.


     Cần cấp cứu và điều trị ở đâu? Phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện có đủ năng lực chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt, không nên để quá 6 giờ tính từ khi phát bệnh. Các bệnh viện đều có thể điều trị căn bệnh này nếu được chẩn đoán chính xác bằng thăm khám chuyên khoa và chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT).


     Không nên cấp cứu tại nhà bằng các biện pháp truyền miệng, các thuốc không có nguồn gốc và không có cơ sở khoa học

Liên hệ nhanh