Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Vào mùa mưa bão, số bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên nhiều ca bệnh xuất hiện với biểu hiện chưa rõ ràng làm nhiều người nhầm lẫn với các bệnh khác, khiến mất cảnh giác trong phòng và điều trị bệnh.
Tại Bệnh viện Nhi, số bệnh nhân nhập viện có biểu hiện sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong hai tháng 6, 7  đã có trên 10 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, bằng nửa số ca từ đầu năm đến nay. Thời gian cao điểm vào tuần cuối tháng 7, tại khoa truyền nhiễm có 4 bệnh nhân điều trị bệnh sốt xuất huyết. Theo đánh giá, các ca sốt xuất huyết ở trẻ em năm nay có biểu hiện không rõ ràng thường gây nhầm lẫn với các bệnh thông thường, dẫn đến khó điều trị. Bác sĩ Trần Văn Lực, Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi khuyến cáo các phụ huynh khi thấy trẻ sốt cao, không hạ hoặc chảy máu lợi, chảy máu chân răng bất thường, người nổi nốt, phát ban cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị, không tự ý chữa trị tại nhà.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị sốt xuất huyết cũng có chiều hướng gia tăng rõ rệt trong 2 tuần trở lại đây. Cao điểm, có ngày 7 bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết với biểu hiện nặng. Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho gần 60 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Đáng chú ý, chỉ trong tháng 7, đã có hơn 40 bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Hầu hết bệnh nhân đang học tập và lao động tại Hà Nội – nơi dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh và nhập viện trong tình trạng nặng. Hiện, còn 13 bệnh nhân đang điều trị tại khoa.



Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến cuối tháng 7 toàn tỉnh có 269 ca mặc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 60 ca bệnh xuất hiện ở địa phương, còn lại là ca bệnh ngoại lai, trong đó chỉ riêng tháng 7, có 140 ca nghi mắc sốt xuất huyết… Để phòng chống dịch, thời gian qua ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và  địa phương theo dõi, giám sát thường xuyên, phát hiện sớm diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết để có biện pháp xử lý  kịp thời, đồng thời chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị cho các địa phương để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, ngành y tế đã phát động chiến dịch làm vệ sinh môi trường đợt 2, thủy vực diệt muỗi, loăng quăng bọ gậy.


Khuyến cáo người dân cần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn, vệ sinh môi trường sạch sẽ; tích cực phối hợp với ngành y tế thực hiện các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.


Liên hệ nhanh