Sử dụng Hệ thống C-arm cao cấp trong phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Định vị chính xác vị trí tổn thương, kiểm soát các tai biến trong quá trình mổ, đảm bảo ca phẫu thuật diễn ra an toàn, ít xâm lấn, rút ngắn thời gian và đạt hiệu quả cao nhất. Đó là những ưu điểm nổi trội của Hệ thống C-arm cao cấp đầu thu phẳng đang được ứng dụng chuyên sâu trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Sử dụng Hệ thống C-arm cao cấp đầu thu phẳng trong phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa

Hệ thống C-arm là một thiết bị phát tia X tiên tiến được sử dụng trong phẫu thuật. Máy được thiết kế để hỗ trợ tối đa cho các bác sĩ trong việc định vị vị trí phẫu thuật. Với khả năng tăng cường hình ảnh chất lượng cao, máy C-arm giúp tối ưu hóa và cải thiện chính xác các thao tác. Từ đó, giúp hạn chế xâm lấn cho người bệnh, tiết kiệm thời gian và giảm rủi ro phẫu thuật, giúp đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Hệ thống C-arm được đưa vào sử dụng thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa từ nhiều năm trước. Đến tháng 9 năm 2023, Bệnh viện đã nâng cấp sang Hệ thống C-arm cao cấp thế hệ mới thay thế dòng máy cũ. Đội ngũ nhân viên y tế được tập huấn sử dụng, nhanh chóng đưa vào phục vụ bệnh nhân ở các chuyên khoa như: Phẫu thuật chấn thương, chỉnh hình, cột sống, sọ não, chụp mạch, nút mạch điều trị cho bệnh nhân ung thư…

Hai ca bệnh gần đây nhất được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao sử dụng hệ thống C-arm hiện đại này là bệnh nhân Mai Thị T. (41 tuổi, Hoằng Cát, Hoằng Hóa) nhập viện trong tình trạng bị gãy xương cẳng chân trái do tai nạn giao thông. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán gãy kín 2 xương cẳng chân trái có chỉ định phẫu thuật.

Các bác sĩ chuẩn bị tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân T.

Sau khi cân nhắc ưu nhược điểm của các phương pháp phẫu thuật, các bác sĩ khoa Chỉnh hình – Bỏng quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh nội tuỷ có chốt đóng kín dưới hướng dẫn của hệ thống C-arm cao cấp đầu thu phẳng.

Hình ảnh chụp X-quang xương cẳng chân của bệnh nhân trước và sau phẫu thuật

Sau 1 giờ phẫu thuật dưới hướng dẫn của hệ thống C-arm, kết quả kiểm tra phim chụp X-quang 2 xương cẳng chân của bệnh nhân cho thấy xương nắn chỉnh tốt. Sau mổ 1 ngày bệnh nhân đã giảm đau rõ rệt và đã có thể tập vận động. Sau phẫu thuật 7 ngày, tình hình sức khỏe của bệnh nhân hồi phục tốt và đã được ra viện vào ngày 02/10/2023.

Chân trái của bệnh nhân T. sau khi phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít sử dụng hệ thống C-arm

BSCKI. Đào Văn Quang, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình – Bỏng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đối với những trường hợp chấn thương như bệnh nhân T., việc sử dụng phương pháp phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh nội tuỷ có chốt đóng kín dưới hướng dẫn của hệ thống C-arm là phương pháp tối ưu nhất. So với phương pháp mổ mở thông thường thì phương pháp nắn kín kết hợp xương trên C-arm này có nhiều ưu điểm hơn như: Hệ thống C-arm giúp cho các phẫu thuật viên định hướng đặt các đinh ốc vít vào xương được chính xác hơn và không cần phải mổ rộng chỗ cần can thiệp ra, hạn chế nhiễm trùng vì vẫn giữ được ổ gãy kín, hoặc chỉ mở tối thiểu. Bảo toàn được cấu trúc giải phẫu, nhất là mạch máu thần kinh và gân cơ, đảm bảo được hoàn hảo về chức năng chi thể và tính thẩm mỹ. Bệnh nhân ít đau đớn hơn. Chi phí điều trị thấp hơn, bởi thời gian nằm viện chăm sóc ngắn hơn, thuốc dùng ít hơn…”.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Nguyễn Thị S. (73 tuổi, Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc) nhập viện với tình trạng đau lưng nhiều năm, đợt này đau nặng , đau lan xuống hai chân, đi lại rất khó khăn. Bệnh nhân được chẩn đoán bị xẹp lún đốt sống thắt lưng L1 có chỉ định can thiệp tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng sinh học có bóng dưới hướng dẫn của máy C-arm.

Hình ảnh bơm xi măng sinh học có bóng dưới hướng dẫn của máy C-arm của bệnh nhân S.

Sau gần 30 phút can thiệp, bệnh nhân đỡ đau cột sống thắt lưng, xoay trở tư thế cột sống tốt hơn, có thể đi lại được sau 8 tiếng can thiệp và xuất viện sau đó 3 ngày.

Bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và có thể đi lại sau can thiệp tạo hình đốt sống bằng xi măng xinh học dưới hướng dẫn của C-arm

BSCKII. Trần Kim Hà – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực cho biết: “Trước đây, phương pháp phẫu thuật điều trị xẹp đốt sống chỉ áp dụng cho các trường hợp bị xẹp đốt sống do chấn thương và chỉ mổ mở, dùng dụng cụ chuyên dụng để làm cho đốt sống chắc chắn trở lại. Nhưng, mổ mở mất nhiều thời gian và dễ gây nhiều tai biến.

Đối với những trường hợp cao tuổi như bệnh nhân S., phương pháp tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng sinh học có bóng dưới hướng dẫn của máy C-arm là phương pháp điều trị tối ưu với nhiều ưu điểm như: Can thiệp tối thiểu (<1cm), thực hiện qua da, phục hồi chiều cao thân đốt sống bị xẹp, giảm đau tức thì, ít biến chứng hơn các phương pháp tạo hình thân đốt sống thông thường. Nhờ đó, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, giảm đau, giảm mất máu, giảm biến chứng hậu phẫu, có thể đi lại, sinh hoạt nhẹ 1 – 2 ngày sau phẫu thuật.”

Với những hiệu quả tích cực của máy C-arm mang lại trong phẫu thuật chấn thương, chỉnh hình, cột sống, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao trong việc khám và điều trị bệnh, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

Bài và ảnh: Phòng CTXH

Liên hệ nhanh