Ung thư gan là một trong những loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam. Trong điều trị ung thư gan hiện nay, có thể kể đến các phương pháp như cắt gan, đốt sóng cao tần, nút mạch khối u hoặc ghép gan. Mỗi phương pháp có một chỉ định riêng, tuy nhiên phẫu thuật cắt gan vẫn là phương pháp lựa chọn ưu tiên vì đem lại hiệu quả cao trong điều trị.
Thời gian qua, với sự đào tạo và chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã làm chủ kỹ thuật cắt gan kiểm soát cuống Glisson theo Takasaki, nhờ đó nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư gan được phẫu thuật thành công ngay tại tỉnh nhà.
Các bác sĩ của BVĐK tỉnh Thanh Hoá làm chủ kĩ thuật cắt u gan ngay tại tuyến tỉnh, mở ra bước ngoặt lớn trong điều trị ung thư gan tại Thanh Hoá
Hai trường hợp bệnh nhân được phẫu thuật gần đây nhất là bệnh nhân Nguyễn Văn N. (53 tuổi, Tùng Lâm, Nghi Sơn, Thanh Hóa) có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào khá nhiều kèm theo viêm gan B. Gần đây, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, ăn uống kém, đau tức hạ sườn phải nên đã đến khám và được các bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị nội trú tại Khoa Ngoại tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. Qua thăm khám, làm xét nghiệm cận lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy bệnh nhân có khối u ở hạ phân thùy VI, kích thước 43 x 68 mm.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Nguyễn Văn N. sau phẫu thuật
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Lưu Ngọc T. (63 tuổi, thành phố Thanh Hóa), có tiền sử viêm gan B. Thời gian gần đây, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, khó tiêu. Qua thăm khám, làm xét nghiệm và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, các bác sĩ kết luận bệnh nhân có khối ở vị trí hạ phân thuỳ V,VI và một phần phân thuỳ VII, khối u sát tĩnh mạch chủ dưới, kích thước 50 x 45 mm.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Lưu Ngọc T. sau phẫu thuật
Theo các bác sĩ, cả 2 trường hợp trên đều có khối u khá lớn, cần được phẫu thuật sớm để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tiến triển xấu. Trên cơ sở các kết quả thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhân được hội chẩn đánh giá toàn diện tình trạng bệnh, mức độ, giai đoạn tiến triển của bệnh, phối hợp ý kiến các chuyên gia đầu ngành, các bác sĩ quyết định lựa chọn cắt gan bằng phương pháp kiểm soát cuống Takasaki để điều trị cho 2 bệnh nhân nói trên.
Hình ảnh khối u gan của bệnh nhân Nguyễn Văn N. sau khi được cắt bỏ
Cả hai ca phẫu thuật kéo dài trong hơn 3 giờ đồng hồ và thành công ngoài mong đợi. Bệnh nhân được kiểm soát cuống gan trong mổ, diện cắt an toàn không còn khối u, phần gan còn lại đảm bảo chức năng bình thường. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định. Sau 48 giờ bệnh nhân có thể ăn cháo, uống sữa. Những ngày tiếp theo sau mổ bệnh nhân không sốt, vết mổ khô, huyết áp ổn định, các xét nghiệm đánh giá chức năng gan hoàn toàn bình thường. Kết quả giải phẫu bệnh khối u gan của cả 2 bệnh nhân là ung thư biểu mô tế bào gan.
Kĩ thuật cắt gan theo phương pháp kiểm soát cuống Takasaki là kĩ thuật cắt gan theo đúng giải phẫu với ưu điểm giúp loại bỏ hoàn toàn các di căn nhỏ trong phân thùy và hạ phân thuỳ gan, giảm tỉ lệ tái phát, đồng thời hạn chế việc thiếu máu phần gan để lại, giảm mất máu trong quá trình cắt gan, không gây ứ máu ruột, rút ngắn thời gian phẫu thuật và giảm tỉ lệ biến chứng…Kĩ thuật này là một trong những biện pháp điều trị hiệu quả đối với một số bệnh lý gan, đặc biệt là u gan, ung thư gan.
Tuy nhiên, đây là một kĩ thuật khó, phức tạp đòi hỏi năng lực phẫu thuật viên rất cao vì vậy hiện nay kĩ thuật này mới chỉ được thực hiện chủ yếu tại các Trung tâm y khoa lớn trong cả nước và tại một số bệnh viện tuyến tỉnh. Việc triển khai thành công kĩ thuật cắt u gan theo phương pháp kiểm soát cuống Takasaki tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đánh dấu bước ngoặt lớn trong điều trị ung thư gan, mở ra cơ hội lớn cho người bệnh được điều trị ngay tại tỉnh nhà. Đồng thời, đây cũng là dấu mốc quan trọng khẳng định trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.
Hình ảnh giải phẫu khối u gan của một bệnh nhân sau khi cắt bỏ (ảnh sưu tầm)
Theo các bác sĩ, ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát chiếm hơn 90% bệnh lý ung thư gan. Tại Việt Nam, ung thư biểu mô tế bào gan liên quan nhiều đến tình trạng viêm gan B và viêm gan C. Vì vậy, khuyến cáo ngay khi trẻ mới sinh ra, cần được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh viêm gan B; với người lớn, cần kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C; nếu không mắc có thể tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh đối với viêm gan B, còn nếu đã xác định dương tính với virus viêm gan B, C thì cần tuân thủ điều trị tốt. Bên cạnh đó, người dân cũng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc để phát hiện ung thư gan sớm; đặc biệt đối với những người bị viêm gan B, viêm gan C, xơ gan.
Bài và ảnh: Phòng CTXH