Chiều 28/12, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Khoa học và Công nghệ lần thứ hai và tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự hội nghị có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và các tác giả, nhóm tác giả có công trình đạt Giải thưởng Khoa học và Công nghệ lần thứ hai.
Nhóm tác giả công trình Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật lấy huyết khối cơ học Solitare ở bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc mạch máu lớn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nhận giải thưởng
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Lê Đức Giang đã trao 6 Giải thưởng KH&CN tỉnh Thanh Hóa năm 2023 cho 6 công trình và cụm công trình của các tác giả và nhóm tác giả. Bao gồm: 02 giả bạc và 04 Giải đồng, không có Giải vàng.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vinh dự có 01 công trình nhận Giải bạc: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật lấy huyết khối cơ học Solitare ở bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc mạch máu lớn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa của nhóm các tác giả: BSCKII Hoàng Hữu Trường – Phó Giám đốc Bệnh viện, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Phước Sung – Trưởng phòng ĐT-CĐT, BSCKII Nguyễn Hoành Sâm – Trưởng khoa Thần kinh –Đột quỵ, Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Thị Bích – Phó trưởng khoa Thần kinh – Đột quỵ, BSCKI Nguyễn Thị The, Thạc sĩ, bác sĩ Lường Hữu Dương, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Ninh, Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Thạc sĩ Mai Văn Hà khoa Thần kinh Đột quỵ và Thạc sĩ Hoàng Thị Định – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Lê Đức Giang đã trao giải bạc cho công trình của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật lấy huyết khối cơ học Solitare ở bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc mạch máu lớn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa” được nhóm các tác giả nghiên cứu từ năm 2020, đến năm 2021, ứng dụng kỹ thuật “Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học vào điều trị cho nhân nhồi máu não cấp” đã được đưa vào điều trị thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Đây là một phương pháp có thể tái thông được các mạch máu lớn, bổ sung rất tốt cho những hạn chế của tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm các tác giả, với tắc mạch máu não lớn, trước đây nếu chưa có tiêu sợi huyết thì tỉ lệ sau 3 tháng mà bệnh nhân có thể tự phục vụ được chỉ khoảng 20%. Khi triển khai tiêu sợi huyết lên một bậc nữa thì tỉ lệ này cải thiện lên một chút, khoảng 30% sau 3 tháng. Chỉ đến khi triển khai kỹ thuật lấy huyết khối màng trụ bằng dụng cụ cơ học thì thì tỉ lệ này được nâng lên tới hơn 50%. Việc này mở ra cơ hội cứu chữa kịp thời cho các bệnh nhân bị nhồi máu não cấp ngay tại Bệnh viện tuyến tỉnh, hạn chế nguy cơ tàn phế suốt đời và thậm chí tử vong.
Bài và ảnh: Phòng CTXH