Sau hơn 10 năm chung sống với khối u lạ hình chiếc đĩa ở vùng vòm miệng, gần đây, khối u ngày càng to khiến việc ăn uống và sinh hoạt trở nên khó khăn, bác Phạm Thị V. (75 tuổi, Quảng Cát, Quảng Xương) mới đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và phát hiện bị u xơ vòm miệng hiếm gặp.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây khoảng 10 năm, bệnh nhân xuất hiện khối u trong vòm miệng. Ban đầu khối u có kích thước nhỏ nên bệnh nhân chủ quan không đi khám. Cho đến khi khối u phát triển chiếm đến gần 2/3 vòm miệng gây nuốt vướng, có chảy máu và đau khi ăn nhai thì bệnh nhân mới đi khám.
Bệnh nhân nhập viện tại khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng vùng vòm miệng có khối u hình chiếc đĩa chiếm toàn bộ thể tích vòm miệng gây nuốt vướng, có chảy máu và đau khi ăn nhai, khối u di động, cứng chắc, có cuống từ vùng R25, 26, niêm mạc u nhẵn, không sùi loét, có thấm máu từ khối u. Sau khi làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán khối u của bệnh nhân là u mỡ và có chỉ định phẫu thuật.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân
Ngay sau đó, các bác sĩ khoa Răng hàm mặt đã tiến hành phẫu thuật lấy bỏ khối u kích thước khoảng 8cm, cứng chắc trong vòm miệng cho bệnh nhân. Kết quả phẫu tích khối u cho thấy bên trong khối u có bè xương, tổ chức mỡ. Đồng thời, khối u cũng được gửi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, kết quả là khối u mỡ xương xơ hóa lành tính (Ostiolipoma).
Hình ảnh vòm miệng của bệnh nhân sau phẫu thuật
Ca mổ rất thành công và khi tỉnh dậy, bác Phạm Thị V. vui mừng chia sẻ “Chưa bao giờ tôi cảm thấy miệng mình thông thoáng và thoải mái như vậy, như là được giải phóng vậy! Suốt 10 năm chịu đựng, ăn không có cảm giác ngon thì bây giờ tôi có thể ăn uống ngon lành được rồi”.
Bệnh nhân được xuất viện sau 1 tuần theo dõi và điều trị
BSCKII. Lương Xuân Tuấn – Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Bệnh nhân Phạm Thị V. là một trong số rất ít những ca bệnh có u xơ vòm miệng hiếm gặp, có tỷ lệ mắc khoảng 1% trong số u vùng hàm mặt. Khi thăm khám cho bệnh nhân, các y bác sĩ trong khoa đều ngỡ ngàng khi biết bệnh nhân đã chịu đựng khối u kích thước lớn, di động như thế này suốt 10 năm qua. Có lẽ do đã “quen” với sự xuất hiện của khối u lồi và không ảnh hưởng nhiều đến chức năng nhai nuốt nên bệnh nhân đã không đến Bệnh viện để kiểm tra.”
Qua trường hợp này bác sĩ Tuấn khuyến cáo: Nếu phát hiện khối u vùng vòm miệng, người dân nên đến khám để điều trị sớm, tránh các nguy cơ ung thư hóa gây xâm lấn phá hủy xương, khối u càng to, việc phẫu thuật càng khó khăn. Nếu không được chẩn đoán điều trị kịp thời, khối u ở vùng vòm miệng xâm lấn thường gây chảy máu ồ ạt, xâm lấn mũi miệng rộng, bệnh nhân bị ảnh hưởng đến giọng nói, ăn uống. Điều trị sớm bệnh nhân sẽ có khả năng khỏi bệnh cao, không bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc tính mạng. Vì vậy, nếu người dân phát hiện khối u bất thường vùng đầu cổ nhất là khoang miệng hãy đi khám chuyên khoa ung bướu sớm để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất.
Bài và ảnh: Phòng CTXH