Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 1.000 bệnh nhân bị bệnh Thalassemiahay còn gọi là tan máu bẩm sinh. Bệnh nhân tan máu bẩm sinh tập trung nhiều tại các khu cực có xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết.
Hiểu đơn giản, Thalassemia là bệnh rối loạn máu, thiếu máu do tan máu di truyền và có thể dẫn đến những vấn đề khác về sức khỏe. Đa phần, người bị bệnh Thalassemia thường chậm phát triển thể chất và có nhiều biến chứng do tình trạng thiếu máu, quá tải sắt gây ra. Khi cả vợ và chồng cùng mang gen bệnh Thalassemia thì mỗi lần sinh có 25% nguy cơ con bị bệnh, 50% khả năng con mang một gen bệnh và 25% khả năng con bình thường. Bệnh Thalassemia nếu không được phát hiện, điều trị sớm thì sẽ dẫn đến rất nhiều biến chứng.
Tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 1.000 bệnh nhân bị bệnh Thalassemiahay còn gọi là tan máu bẩm sinh
Bệnh Thalassemia không thể chữa khỏi hoàn toàn mà người bệnh phải điều trị suốt đời. Hiện nay, có hai biện pháp chính điều trị bệnh tan máu bẩm sinh đó là truyền máu và thải sắt. Tùy mức độ thiếu máu khác nhau mà khoảng cách giữa các lần truyền máu của bệnh nhân cũng khác nhau. Còn việc thải sắt nhằm mục đích để chống quá tải sắt ở bệnh nhân, đưa nồng độ sắt trong cơ thể về giới hạn bình thường.
Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh Thalassemia nhưng bệnh có thể phòng tránh được. Chỉ cần xét nghiệm trước khi kết hôn, chẩn đoán trước sinh, nhiều trẻ đã không bị mắc căn bệnh quái ác này.
Cùng với những ảnh hưởng tiêu cực về sức khoẻ, việc điều trị Thalassemia còn là gánh nặng kinh tế vô cùng lớn, làm suy giảm sự phát triển giống nòi. Do đó, để Thalassemia không còn là gánh nặng, là nỗi ám ảnh với bệnh nhân và người nhà, mỗi người dân hãy nâng cao kiến thức về căn bệnh để chủ động phòng tránh.