Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Đáng lo ngại là số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, trong đó, đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc.
Trước đây, kháng sinh nhóm Cephalosporin là một trong các lựa chọn đầu tiên các bệnh biện tại Thanh Hóa lựa chọn khi điều trị nhiễm trùng do các vi khuẩn Gram âm gây ra ở người. Song hiện nay, các kháng sinh nhóm này hầu như không còn được sử dụng do vi khuẩn đã kháng thuốc. Các kháng sinh nhóm Carbapenem được dùng như liệu pháp điều trị cuối cùng cũng đã bị đề kháng đối với hơn 30% bệnh nhân. Những năm gần đây, các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng gia tăngcác chủng vi khuẩn kháng kháng sinh, nhiều vi khuẩn đa kháng kháng sinh và một số loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc kháng sinh.
Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới
Thạc sỹ, bác sỹ Lâm Tiến Tùng – Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Có khoảng 20% bệnh nhân tại khoa bị nhiễm vi khuẩn kháng đa thuốc. Việc kháng thuốc kháng sinh, đặc biệt là kháng đa thuốc gây khó khăn cho công tác điều trị, bệnh nhân phải điều trị dài ngày, phối hợp nhiều loại thuốc, gây tốn kém, thạm chí có trường hợp không kháng sinh nào đáp ứng, bị tử vong”.
Trong năm 2020, Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận hơn 10.000 mẫu bệnh phẩm nuôi cấy, phân lập hơn 3.500 vi khuẩn, nấm gây bệnh. Trong đó, có đến hơn 70% vi khuẩn kháng hết với các kháng sinh thường dùng như nhóm Penicillin, Microlide, Cephalosporin và khoảng hơn 30% vi khuẩn đa kháng kháng sinh.
Tình trạng bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh đang gia tăng tại hầu hết các cơ sở y tế tại Việt Nam. Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1, thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đây là thực trạng đáng báo động.
Dược sỹ CKII Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Nguyên nhân sự gia tăng của tình trạng kháng thuốc kháng sinh đó là người dân lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng kháng sinh không có đơn của bác sỹ, các nhà thuốc bán thuốc không cần đơn bác sỹ. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng lạm dụng trong việc chỉ định sử dụng kháng sinh”.
Để khắc phục tình trạng kháng thuốc kháng sinh phải có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và kiên trì. Trong đó, cần phải siết chặt quản lý, hạn chế tình trạng mua bán thuốc kháng sinh tự do; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, khắc phục tình trạng lạm dụng, sử dụng kháng sinh không hợp lý trong điều trị. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy hại của tình trạng kháng kháng sinh và cách sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp, hiệu quả.
Nguồn: Bản tin THNM ngày 6/1/2023
https://truyenhinhthanhhoa.vn/