Nhằm cập nhật kiến thức khoa học, trao đổi kinh nghiệm, góp phần đảm bảo an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đưa chuyên ngành Huyết học – Truyền máu Thanh Hoá ngày càng phát triển toàn diện, chiều ngày 27/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “An toàn truyền máu” tỉnh Thanh Hoá năm 2024. Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện Lãnh đạo, phòng ban chuyên môn của Sở Y tế; đại diện lãnh đạo, Trưởng khoa Xét nghiệm và nhân viên phụ trách an toàn truyền máu của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và một số Bệnh viện các tỉnh lân cận Ninh Bình, Nghệ An.
Toàn cảnh Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, các đại biểu được cập nhật kiến thức mới, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn thông qua 04 bài báo cáo chất lượng, có giá trị thực tiễn cao về lĩnh vực tiếp nhận, sàng lọc và sử dụng máu an toàn do các Báo cáo viên là các chuyên gia trong lĩnh vực Huyết học và Truyền máu của Viện Huyết học Truyền máu Trung ướng, Bênh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá trình bày.
BSCKII Nguyễn Huy Thạch – Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu BVĐK tỉnh Thanh Hóa trình bày báo cáo tại Hội nghị
Với chuyên đề “Tiếp nhận, phân phối và sử dụng chế phẩm máu an toàn”, BSCKII. Nguyễn Huy Thạch – Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã đánh giá thực trạng hoạt động truyền máu tại Thanh Hóa thời gian qua và cập nhật một số hướng dẫn mới trong quy trình tiếp nhận, phân phối và sử dụng máu, đảm bảo an toàn truyền máu.
Dược sĩ Nguyễn Thị Bình – Công ty TNHH Roche Việt Nam trình bày báo cáo
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tình – Trưởng khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Phụ sản Trung ương trình bày báo cáo
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế – Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trình bày báo cáo
Cũng tại Hội nghị, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế – Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trình bày báo cáo về “Nhóm máu hệ hồng cầu và những vấn đề liên quan đến người có nhóm máu RhD âm”. Thạc sĩ Nguyễn Văn Tình – Trưởng khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ nội dung về quản lý và theo dõi thai kỳ ở thai phụ có nhóm máu hiếm RhD âm. Dược sĩ Nguyễn Thị Bình – Công ty TNHH Roche Việt Nam trình bày nội dung về giải pháp sàng lọc máu an toàn.
Các đại biểu tham gia thảo luận
Tại phần thảo luận, các đại biểu tham dự đã sôi nổi trao đổi những thắc mắc và bàn luận xung quanh các các nội dung về công tác xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu, công tác quản lý chất lượng trong hoạt động truyền máu, quy trình sử dụng máu an toàn hợp lý và việc sử dụng nhóm máu hiếm.
Thành viên CLB những người có nhóm máu hiếm tại Thanh Hoá tặng hoa cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Ban Lãnh đạo Bệnh viện dành cho CLB
Anh Nguyễn Thanh Sơn (Hải Thanh, Nghi Sơn, Thanh Hoá) người có nhóm máu hiếm đã được cứu sống nhờ sự kết nối kêu gọi hỗ trợ hiến máu của Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá kể lại câu chuyện xúc động về hành trình tìm lại sự sống của mình
Cũng tại Hội nghị, các thành viên CLB những người có nhóm máu hiếm tại Thanh Hoá đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về hành trình tìm lại sự sống cho nhiều bệnh nhân nhờ có sự kết nối kêu gọi hỗ trợ từ CLB và Trung tâm Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.
BCSKII Lê Văn Sỹ- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại Hội nghị
Chia sẻ thông tin tại Hội nghị, BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Ngân hàng máu của Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đứng thứ 5 trong cả nước về số lượng máu tiếp nhận. Hàng năm, Bệnh viện phối hợp Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức gần 150 đợt hiến máu tình nguyện, tiếp nhận khoảng hơn 50.000 đơn vị máu, cấp phát 22.000 đơn vị máu và chế phẩm máu cho các cơ sở y tế trong tỉnh. Con số này cho thấy dấu hiệu đáng mừng vì ngày càng có nhiều người tham gia công tác hiến máu tình nguyện, đáp ứng cơ bản cho nhu cầu ngày càng tăng cho cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong tỉnh…nhưng cũng đặt ra những thách thức cho người làm công tác chuyên môn làm sao đảm bảo chất lượng và chính xác tuyệt đối trong công tác sàng lọc máu, đảm bảo an toàn truyền máu. Hiện nay, thuật ngữ “an toàn truyền máu” được hiểu theo nghĩa rộng là an toàn cho người cho máu, an toàn cho nhân viên làm công tác truyền máu và an toàn cho người nhận máu. Vì vậy, với vai trò là Bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo, cập nhật kiến thức nhằm nâng cao chất lượng an toàn truyền máu cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.”
Tiếp nhận, sàng lọc, sản xuất máu và các chế phẩm máu tại Trung tâm Huyết học và Truyến máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá
Cũng theo BSCKII Lê Văn Sỹ, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 3.000 người mắc các bệnh lý về máu và cơ quan tạo máu. Đa số các bệnh nhân mắc các bệnh về máu, nhất là bệnh tan máu bẩm sinh đều mắc bệnh từ lúc mới sinh ra và phải chung sống với bệnh đến hết cuộc đời. Chi phí điều trị tốn kém nên hầu hết những bệnh nhân này đều thuộc diện hộ nghèo, việc điều trị hết sức khó khăn, đặc biệt là khi phải chuyển tuyến.
Từ tháng 5/2019, Trung tâm Huyết học và Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chuyển sang địa điểm hoạt động tại cơ sở mới xây dựng, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai đồng bộ 03 bộ phận: Huyết học Labo, Huyết học truyền máu và Huyết học lâm sàng. Trong đó, Đơn nguyên Huyết học lâm sàng có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán các bệnh về máu và cơ quan tạo máu với quy mô 150 giường bệnh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thu dung, điều trị cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là cơ sở y tế duy nhất của Ngành Y tế Thanh Hóa có Đơn nguyên Huyết học lâm sàng, có đủ điều kiện thu dung điều trị bệnh nhân mắc các bệnh về máu, cơ quan tạo máu và cũng là đơn vị duy nhất trong tỉnh đủ điều kiện sàng lọc, cung cấp máu, chế phẩm máu an toàn cho toàn tỉnh. Năm 2024, với việc tập trung triển khai và đẩy mạnh hoạt động quản lý chất lượng ngân hàng máu theo tiêu chuẩn EU-GMP, Trung tâm Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá sẽ là một trong số ít các Trung tâm Huyết học của cả nước thực hiện được đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng phòng xét nghiệm và ngân hàng máu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bài và ảnh: Phòng CTXH