Những chiến sĩ áo trắng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng

Người ta thường ví công việc cấp cứu cho bệnh nhân là nơi “đầu sóng ngọn gió” của một bệnh viện. Nơi mà cường độ làm việc luôn gấp gáp, khẩn trương, nơi thường phải đối mặt với những ca bệnh nặng “thập tử nhất sinh”. Nơi đây, các bác sĩ, điều dưỡng phải chấp nhận hy sinh cuộc sống riêng tư, quên đi cả bữa ăn, giấc ngủ, không có khái niệm ngày và đêm, không có khái niệm về lễ, tết… Áp lực, vất vả là vậy nhưng những y, bác sĩ vẫn luôn tận tâm, tận lực, nỗ lực hết mình để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân.

Một ca bệnh đang được các y bác sĩ cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu

Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, 23 giờ đêm ngày 29/4/2024, ngày thứ 3 của kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày của cả nước… không khí làm việc vẫn tất bật, khẩn trương và căng thẳng. Tiếng kêu của máy móc và tiếng bước chân vội vã của các bác sĩ, điều dưỡng… Ở nơi đây, sự sống của con người được tính bằng từng giây, từng phút. Để tranh thủ được thời gian vàng cứu sống người bệnh lúc nguy cấp, tập thể bác sỹ, điều dưỡng Trung tâm Cấp cứu luôn phải làm việc trong trạng thái tập trung cao độ, cố gắng hết sức vì người bệnh. Nhờ đó, nhiều người bệnh nặng đã vượt qua cơn nguy kịch, giành giật lại sự sống từ tay tử thần.

Không khí làm việc khẩn trương, vội vã tại Trung tâm cấp cứu

Một bệnh nhân tai nạn giao thông đa chấn thương với nhiều tổn thương phức tạp, hôn mê sâu, nguy kịch vừa được chuyển từ tuyến dưới lên sau khi được sơ cứu. Ekip y, bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu tập trung nhân lực, khẩn trương cấp cứu hồi sinh tim phổi, xử lý các vết thương chảy máu cho bệnh nhân. Đồng thời, nhanh chóng hội chẩn với các chuyên khoa để đưa ra phương án cấp cứu, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Có thể là hình ảnh về 11 người và bệnh việnMột ca cấp cứu cho bệnh nhân tai nạn giao thông

 “Những ca cấp cứu trong đêm đều là những ca rất nặng. Chúng tôi phải xử lý khẩn trương, nhanh chóng và chính xác. Sau khi cấp cứu thành công một ca bệnh nặng nguy kịch thì chúng tôi ai cũng rất vui và chính cấp cứu thành công những bệnh nhân nặng như thế là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực dùng khả năng của mình cứu sống thêm nhiều bệnh nhân nặng khác”. Thạc sĩ, bác sĩ Lâm Tiến Tùng, Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết.

Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được thành lập từ năm 2022, sau khi tách ra từ khoa Hồi sức tích cực 2. Khoa hiện có 02 Đơn nguyên: Trung tâm Cấp cứu – Nơi tiếp nhận, xử trí, phân loại các ca bệnh cấp cứu ban đầu cho toàn Bệnh viện và Đơn nguyên Hồi sức tích cực ngoại khoa – Nơi chăm sóc toàn diện và điều trị tích cực cho nhóm bệnh nhân ngoại khoa nặng, nguy kịch. Khoa hiện có 57 cán bộ viên chức với 13 bác sĩ, 41 điều dưỡng và 3 hộ lý. Mỗi ngày khoa đón tiếp, xử trí cho khoảng 150 – 200 ca bệnh cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu và chăm sóc, điều trị tích cực cho 30-40 bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực ngoại khoa.

Từ khi được thành lập, tập thể khoa luôn không ngừng nỗ lực trong công tác chuyên môn, góp phần cứu sống rất nhiều người bệnh lúc nguy cấp. Mỗi người bệnh sau khi ổn định qua cơn nguy kịch, được điều trị tích cực chính là động lực để các bác sỹ cố gắng hơn mỗi ngày.

Chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực ngoại khoa

Để có thể cấp cứu, giúp bệnh nhân giành giật lại sự sống ngoài sự nỗ lực còn đòi hỏi các bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, kỹ thuật y khoa tốt. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, lãnh đạo khoa luôn không ngừng động viên các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa tích cực tham gia các lớp học nâng cao tay nghề, tham mưu ban lãnh đạo Bệnh viện cử cán bộ đi học chuyên sâu, tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề và liên kết với các bệnh viện đầu ngành để tăng cường công tác hội chẩn, giúp cứu sống người bệnh nặng kịp thời. Bên cạnh đó, thấu hiểu tâm lý của người bệnh và người nhà bệnh nhân khi đến khoa, đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế trong khoa luôn nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, nhẹ nhàng, giải thích cặn kẽ tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân cho người nhà. Qua đó đã tạo được lòng tin, sự yêu mến, kính trọng của bệnh nhân và người nhà sau khi điều trị.

Các y bác sĩ của khoa không ngừng học tập, trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ 

BSCKII Hoàng Hữu Trường – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Chúng tôi luôn xác định nâng cao công tác cấp cứu, giảm tỷ lệ tử vong là nhiệm vụ trọng tâm, chính vì vậy Bệnh viện luôn quan tâm, ưu tiên các nguồn lực cho khoa Cấp cứu, tập thể lãnh đạo, bác sỹ, điều dưỡng trong khoa những năm qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai quy trình kỹ thuật hiệu quả, phác đồ điều trị mới, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cấp cứu ban đầu của người dân trong tỉnh.

Một buổi tự đào tạo về kỹ năng chăm sóc toàn diện của các Điều dưỡng trong khoa

Bất kể ngày thường hay cuối tuần, bất kể ngày lễ hay tết, những y, bác sỹ, điều dưỡng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2 luôn tất bật, khẩn trương với công việc cấp cứu, hồi sức cho những bệnh nhân cũ và bệnh nhân mới vào. Với các bác sĩ, điều dưỡng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2, mỗi khi người bệnh được cứu sống, điều trị thành công, thì họ chính là những người chiến thắng, đó cũng là động lực để họ tiếp tục cố gắng và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Họ chính là những chiến sĩ áo trắng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng để giành giật lạ từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim cho người bệnh.

Bài và ảnh: Phòng CTXH

Liên hệ nhanh