Sáng 6-9, trước nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của siêu bão Yagi (bão số 3), Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã họp chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó bão số 3 tại Bệnh viện.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa họp khẩn triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống cơn bão số 3
Các đơn vị liên quan báo cáo tình hình chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3
Tại cuộc họp, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ của Bệnh viện đã báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3. Theo đó, ngay từ lúc có thông tin về cơn bão số 3, Ban chỉ huy đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, ban hành văn bản chỉ đạo, chuẩn bị các phương tiện, đồ dùng như: dây chằng, ni lông, tre luồng gia cố các cửa. Tổ chức cắt tỉa các cây to trong khuôn viên bệnh viện tránh đổ gãy thiệt hại về người và cửa.
Các cây xanh được cắt tỉa gọn gàng để tránh bị gãy đổ trong bão
Các phòng chức năng liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng trực, bố trí con người và phương tiện để ứng phó các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của bão số 3, như: Sẵn sàng nhân lực và phương tiện làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, chống úng ngập; bảo đảm đủ thuốc, vật tư thiết yếu sử dụng trong đợt mưa bão; duy trì hệ thống mạng, máy chủ, hệ thống điện an toàn…
Kiểm tra an toàn kho lưu trữ hồ sơ bệnh án của bệnh viện
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản
Chỉ đạo tại cuộc họp, BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện, Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm khẩn trương thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo liên quan tại các Công điện ban hành của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế và Bệnh viện. Chủ động theo dõi, nắm bắt về diễn biến bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, thuốc, vật tư và trang thiết bị.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản
Đồng chí Lê Văn Sỹ cũng lưu ý các khoa, trung tâm cần có phương án bảo đảm an toàn cho người bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong toàn viện, phải có phương án thu dung, cấp cứu bệnh nhân đặc biệt trong trường hợp xảy ra lũ, lụt, sạt lỡ đất hoặc dịch bệnh sau mưa lũ. Điều động nhân lực trực, đi làm phụ, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão. Cán bộ viên chức trong Bệnh viện không chủ quan, lơ là với diễn biến của cơn bão, nêu cao tinh thần trách nhiệm đảm bảo phục vụ bệnh nhân cũng như kịp thời ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra tại đơn vị.
Thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ kiểm tra khu vực thi công, sửa chữa đảm bảo an toàn về người và tài sản
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, Ban Lãnh đạo Bệnh viện, các phòng chức năng và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai đã rà soát, kiểm tra thực tế tình hình triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão tại tất cả các khoa, phòng, trung tâm trong Bệnh viện.
Bài và ảnh: Phòng CTXH