Bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống ngực cao bằng phương pháp ngoài cuống

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công kỹ thuật bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống ngực cao bằng phương pháp ngoài cuống cho người bệnh già yếu, kèm nhiều bệnh lý nền phức tạp.

Bệnh nhân Lê Thị T. sau bơm xi măng tạo hình đốt sống ngực cao bằng phương pháp ngoài cuống

Bệnh nhân là bà Lê Thị T. 74 tuổi, trú tại huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, đau lan từ lưng ra trước, khó thở, mức độ đau dữ dội (VAS 8 điểm), hạn chế vận động, không thể ngồi dậy và sinh hoạt cá nhân. Dựa trên kết quả thăm khám, xét nghiệm và chụp chiếu, bệnh nhân được chẩn đoán: Xẹp phù nề thân đốt sống ngực 7 có loãng xương kèm theo suy tim, tăng huyết áp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định áp dụng phương pháp đổ xi măng vào thân đốt sống ngực để ổn định đốt sống bị tổn thương cho bệnh nhân.

Hình ảnh chụp MRI cột sống ngực có xẹp phù nề thân đốt sống ngực 7 của bệnh nhân T trước can thiệp bơm xi măng

Hình ảnh chụp Xquang cột sống ngực nghiêng của bệnh nhân T. sau bơm xi măng 1 ngày

Kỹ thuật bơm xi măng sinh học tạo thân đốt sống ở vùng cột sống thắt lưng được xem là không khó khăn và đã được triển khai thường quy tại nhiều cơ sở y tế trong cả nước. Tuy nhiên, đối với đốt sống ngực cao (từ đốt sống ngực 1 đến đốt sống ngực 9) có đặc điểm phức tạp về giải phẫu như: cuống cung nhỏ, thân đốt sống bé hơn so với vùng ngực thấp và thắt lưng. Các cấu trúc lân cận là động mạch chủ ngực, phổi và tủy sống đoạn ngực nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến xảy ra khi chọn phương pháp xuyên kim qua cuống. Vì vậy bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống ngực cao vẫn luôn là thách thức đối với các phẫu thuật viên chuyên ngành cột sống. Để đảm bảo an toàn người bệnh, các bác sĩ đã lựa chọn phương pháp tạo hình thân đốt sống ngực cao với đường vào ngoài cuống cho bệnh nhân T.

Ca can thiệp được thực hiện trong khoảng 20 phút, người bệnh được gây tê tại chỗ vùng ngực lưng. Không phải gây mê nên tránh được nhiều biến chứng có thể xảy ra.

Sau thực hiện kỹ thuật 30 phút, bệnh nhân đỡ đau ngực nhiều, không khó thở, có thể vận động nhẹ nhàng và tự ngồi dậy với sự hỗ trợ từ nhân viên y tế. Sau 1 ngày theo dõi và chăm sóc bệnh nhân đã tự đứng lên, đi lại nhẹ nhàng, sinh hoạt cá nhân bình thường, chỉ còn đau nhẹ (VAS 2 điểm).

Bệnh nhân T có thể đứng lên, đi lại nhẹ nhàng sau 1 ngày thực hiện can thiệp

BSCKII. Trần Kim Hà – Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực cho biết: Kỹ thuật bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống vùng cột sống ngực thấp và thắt lưng đã được triển khai thường quy tại khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá từ năm 2018. Đây là phương pháp ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật ngắn, hiệu quả giảm đau nhanh chóng, phục hồi chiều cao thân đốt sống, hạn chế biến chứng nằm lâu, người bệnh có thể ăn uống và tập đi sau phẫu thuật, rút ngắn thời gian nằm viện.

Trường hợp của bệnh nhân T. là ca bệnh khó, xẹp phù nề đốt sống ngực 7 rất khó can thiệp, các bác sĩ thực hiện phải nắm vững kiến thức về giải phẫu, định hình không gian tốt, kinh nghiệm lâu năm. Nếu thực hiện thao tác không chính xác, có thể gây biến chứng nguy hiểm như tổn thương tủy sống đoạn ngực, tim, phổi, màng phổi và các mạch máu lớn. Trước đây những trường hợp tổn thương đốt sống ngực cao thì phải chuyển tuyến trên điều trị, nhưng hiện tại, kỹ thuật này cũng đã thực hiện thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

                                                                               Bài và ảnh: Phòng CTXH

 

 

Liên hệ nhanh