Thoát vị bẹn là một bệnh rất phổ biến hiện nay, bệnh hay gặp ở nam giới. Thoát vị bẹn tuy ít gây ra biến chứng nguy hiểm song lại gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày.
1. Tổng quan bệnh thoát vị bẹn người lớn
1.1. Thoát vị bẹn người lớn là gì?
Thoát vị là tình trạng những túi phình của nội tạng hoặc mô bị trồi ra và dịch chuyển khỏi vị trí của chúng, thường là xuyên những chỗ hở hoặc chỗ yếu của cơ để tạo thành những ổ thoát vị
Thoát vị bẹn là loại hay gặp nhất trong các loại thoát vị thành bụng, thể hiện tình trạng một tạng ổ bụng rời khỏi vị trí và chui qua ống bẹn xuống bìu.
1.2. Các dạng thoát vị bẹn
- Thoát vị bẹn gián tiếp: khi tạng thoát vị đi qua ống phúc tinh mạc.
- Thoát vị bẹn trực tiếp: khi tạng thoát vị đi qua điểm yếu thành bẹn.
1.3. Nguyên nhân bệnh thoát vị bẹn người lớn
Nguyên nhân khách quan (bẩm sinh)
- Ống phúc tinh mạc không đóng lại hoàn toàn, tạo thành một điểm yếu trên thành bụng sẽ tạo nên túi thoát vị gián tiếp có sẵn, đây là điều kiện khiến nguy cơ bị thoát vị mắc phải cao. Bệnh nhân có thể có thể có các bệnh lý khác liên quan như u nang thừng tinh, tràn dịch màng tinh hoàn.
Nguyên nhân chủ quan (mắc phải)
- Do sự suy yếu thành bụng ở tuổi già gây thoát vị trực tiếp. Hoặc một số bệnh gây mất collagen trong mô, suy dinh dưỡng hoặc béo phì, thương tích vùng bẹn, lao động quá sức… cũng là yếu tố nguy cơ gây suy yếu vùng thành bẹn và gây thoát vị.
- Sự tăng áp lực ở ổ bụng một cách liên tục hoặc không liên tục nhưng kéo dài chính là yếu tố thuận lợi thúc đẩy thoát vị, bao gồm:
- Táo bón kéo dài trong nhiều năm, hoặc do u đại tràng.
- Hẹp niệu đạo hoặc tăng sản lành tính tuyến tiền liệt gây khó tiểu.
- Ho kéo dài.
- Có thai hoặc có khối u lớn trong bụng.
- Đã từng bị thoát vị ở bẹn trước đó.
2. Triệu chứng bệnh thoát vị bẹn người lớn
Khi mắc thoát vị bẹn, người bệnh thường có cảm giác tức nặng vùng bẹn bìu, một bên bìu to lên thành khối phồng do ruột ở trên dồn xuống. Vùng bìu càng to hơn khi người bệnh đi lại, chạy nhảy hay làm việc nặng, giảm hoặc mất hẳn khi người bệnh nằm nghỉ.
Đôi khi thoát vị bẹn xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào khác. Biến chứng của thoát vị bẹn mới thực sự nguy hiểm bao gồm: thoát vị kẹt và thoát vị bẹn nghẹt.
- Thoát vị kẹt: là khi một phần của ruột, mô mỡ hoặc buồng trứng bị kẹt lại trong túi thoát vị. Thoát vị kẹt tạo nên khối chắc, căng đau và có thể gây nôn, táo bón
- Thoát vị bẹn nghẹt: là tình trạng nguy hiểm nhất khi mà các mô trong túi thoát vị bị xoắn lại có thể dẫn đến hoại tử vì không được cấp đủ máu. Triệu chứng sốt, sưng vùng thoát vị kèm đỏ, viêm và rất đau cũng là hậu quả của biến chứng.
Khi mắc thoát vị bẹn, người bệnh thường có cảm giác tức nặng vùng bẹn bìu, một bên bìu to lên thành khối phồng do ruột ở trên dồn xuống. Vùng bìu càng to hơn khi người bệnh đi lại, chạy nhảy hay làm việc nặng, giảm hoặc mất hẳn khi người bệnh nằm nghỉ.
3. Bệnh thoát vị bẹn ở người lớn có lây nhiễm không?
Bệnh thoát vị bẹn ở người lớn không lây nhiễm.
4. Cách phòng ngừa bệnh thoát vị bẹn người lớn
Với những đối tượng nguy cơ đã kể trên thì việc phòng ngừa thoát vị bẹn chủ yếu tập trung và việc hạn chế các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như:
- Không hút thuốc là để giảm nguy cơ ho mãn tính.
- Có chế độ ăn nhiều chất xơ, dễ tiêu, tránh gây táo bón mãn tính.
- Hạn chế những công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài hoặc công việc chân tay nặng.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát những bệnh lý có nguy cơ dẫn tới thoát vị bẹn trong tương lai.
5. Các biện pháp điều trị bệnh thoát vị bẹn người lớn
Hiện nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính cho bệnh thoát vị bẹn. Đây là một phẫu thuật rất phổ biến và mang lại hiệu quả cao cho người bệnh nếu được phát hiện kịp thời và được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi tùy vào từng tình huống cụ thể.
Mổ mở: Phẫu thuật viên sẽ dùng dao rạch một đường nhỏ ở vùng bẹn để đưa các cơ quan trở về vị trí trong ổ bụng và gia cố thành bụng vùng bẹn bằng cân cơ hoặc lưới nhân tạo tùy tình huống. Đây là phương pháp phẫu thuật truyền thống, có thể thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê.
Mổ nội soi: Phẫu thuật viên sẽ rạch một số đường nhỏ trên bụng để dùng một ống soi có camera ở đầu và các dụng cụ chuyên dụng để gia cố vùng bẹn. Phương pháp này được đánh giá cao hơn nhờ ưu điểm ít xâm lấn, sẹo nhỏ và mau phục hồi. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi phụ thuộc nhiều vào máy móc và tay nghề phẫu thuật viên, do đó, người bệnh cần tìm đến các bệnh viện uy tín, trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho quá trình phẫu thuật và hồi phục sau mổ.
Ưu điểm của mổ thoát vị bẹn nội soi.
Mổ thoát vị bẹn nội soi là một trong 2 phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn cơ bản (mổ mở và mổ nội soi). Nhờ có các ưu điểm vượt trội, mổ thoát vị bẹn nội soi hiện nay đã dần thay thế phương pháp mổ mở truyền thống.
Các ưu điểm đó bao gồm:
- Hạn chế tổn thương các mô mềm hoặc các bộ phận nội tạng không liên quan.
- Tránh làm tắc ống dẫn tinh hoặc teo tinh hoàn do phương pháp này giúp phẫu thuật viên nhận thấy ống dẫn tinh và mạch máu nuôi tinh hoàn, đồng thời có thể khâu lại ống phúc tinh mạc (nguyên nhân gây thoát vị bẹn ở trẻ em) mà không động chạm đến ống dẫn tinh hoặc mạch máu nuôi tinh hoàn.
- Cho phép đánh giá tình trạng ống phúc tinh mạc bên đối diện, không bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện nhờ quan sát trong quá trình mổ.
- Thời gian nằm viện ngắn: Đa số các trường hợp có thể xuất viện chỉ sau 1 – 2 ngày kể từ khi hoàn thành ca mổ.
- Thời gian phẫu thuật ngắn: Chỉ kéo dài 30 đến 60 phút.
- Người bệnh hồi phục nhanh chóng: Chỉ sau 3 – 5 giờ kể từ khi được phẫu thuật xong. Có thể trở lại hoạt động nhẹ nhàng sau 1 – 2 tuần.
- Bệnh nhân ít đau sau mổ.
- Khả năng tái phát thấp.
- Ít sang chấn và đạt tính thẩm mỹ cao.