Kỳ tích phẫu thuật và truyền 65 đơn vị máu cứu sống nam bệnh nhân bị sốc mất máu do đa vết thương phức tạp

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá vừa cứu sống ngoạn mục một trường hợp nam bệnh nhân sốc mất máu nghiêm trọng với nhiều vết thương phức tạp trên người do bị đâm. Để cứu sống bệnh nhân, ê kip các bác sĩ thuộc 4 chuyên khoa: Gây mê hồi sức, Ngoại Tổng hợp 1 và Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực và Chấn thương đã “căng não” bên bàn mổ liên tục trong hơn 6 giờ đồng hồ, tiến hành phẫu thuật ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể bệnh nhân.

Báo động đỏ toàn viện – dồn toàn lực cấp cứu ca bệnh “ngàn cân treo sợi tóc”

Bệnh nhân nam 33 tuổi vào Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng rất nguy kịch, sốc mất máu, da niêm mạc nhợt, mạch nhanh và khó bắt, huyết áp không đo được, ý thức lơ mơ, thăm khám có vết thương thấu bụng vùng hạ sườn phải dài 10 cm, nghi tổn thương các tạng phức tạp ổ bụng. Cánh tay phải của bệnh nhân cũng có vết thương sâu dài 10cm, máu phun thành tia, nghi ngờ đứt toàn bộ động mạch và thần kinh cánh tay. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có vết thương tại vùng đùi phải dài khoảng 10cm nghi ngờ tổn thương nhánh tĩnh mạch đùi phải, vết thương phần mềm đùi trái và vết thương bàn tay trái.

Nhận định tình trạng bệnh nhân vô cùng nguy kịch, cơ hội sống được tiên lượng rất mong manh do mất máu nhiều, ê kip bác sĩ Trung tâm cấp cứu đã kích hoạt báo động đỏ nội viện, mời các bác sĩ liên chuyên khoa gồm Gây mê hồi sức, Ngoại tổng hợp 1, Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, Huyết học Truyền máu… phối hợp cấp cứu cầm máu khẩn cấp, đồng thời đưa ra phương án tối ưu cứu sống người bệnh. Bệnh nhân được hồi sức tích cực đồng thời khẩn trương đưa về phòng mổ. Ê kip các bác sĩ thuộc các chuyên khoa liên quan chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đại phẫu.

6 giờ “căng não” bên bàn mổ, giành giật sự sống cho người bệnh

“Bệnh nhân có nhiều vết thương mạch máu, đặc biệt vết thương rách tĩnh mạch chủ dưới, đứt động mạch cánh tay nghiêm trọng dẫn đến mất máu rất nhiều. Do đó, chúng tôi dồn toàn lực hồi sức tích cực, cầm máu, truyền máu khẩn cấp, ngăn ngừa nguy cơ bệnh nhân sốc mất máu, đảm bảo an toàn cho ca phẫu thuật” – BSCKI Nguyễn Văn Tuấn, bác sĩ gây mê hồi sức cho bệnh nhân chia sẻ.

Song song với đó, 3 ê kip phẫu thuật gồm: ê kip bác sĩ Ngoại Tổng hợp 1 do BSCKII Lê Thanh Hoài – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp 1 làm Trưởng kíp xử lý tổn thương ổ bụng, ê kip bác sĩ Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực do bác sĩ Lê Đình Anh làm Trưởng kíp xử lý vết thương mạch máu, thần kinh; ê kíp các bác sĩ khoa Chấn thương do bác sĩ Lương Hữu Dũng phụ trách xử lý khâu vết thương 2 cánh tay và đùi 2 bên.

“Đây là trường hợp có chấn thương nghiêm trọng, mất máu nhiều, nguy cơ tử vong cao, tính mạng người bệnh tính bằng phút, nên bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật cùng lúc để rút ngắn thời gian phẫu thuật, kiểm soát cầm máu tốt hơn, tăng tỉ lệ cứu sống bệnh nhân” – BSCKII Lê Thanh Hoài cho biết

Sau khi tiến hành mở ổ bụng, các bác sĩ phát hiện có khoảng 3,5 lít máu ngập trong ổ bụng bệnh nhân, tĩnh mạch chủ dưới bị đâm rách kích thước dài khoảng 4cm. Rất nhanh chóng, ê kip phẫu thuật mạch máu của bác sĩ Lê Đình Anh tiến hành khâu phục hồi cầm máu tĩnh mạch chủ dưới. Ê kip ổ bụng của bác sĩ Lê Thanh Hoài xử lý tổn thương rách đại tràng lên, cắt bỏ đoạn đại tràng bị thủng đưa 2 đầu ruột ra làm hậu môn nhân tạo.

Sau khi xử trí xong vết thương ổ bụng, các bác sĩ phẫu thuật mạch máu tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng, xử lý triệt để các tổn thương vùng cánh tay phải cho bệnh nhân.

“Bệnh nhân bị đứt hoàn toàn động mạch cánh tay phải, đứt thần kinh giữa, tổn thương rất nghiêm trọng. Chúng tôi đã tiến hành nối động mạch cánh tay, nối thần kinh giữa cánh tay phải, khâu vết thương bàn tay trái, khâu vết thương bên nhánh tĩnh mạch đùi phải, khâu vết thương phần mềm đùi trái” – Bác sĩ Lê Đình Anh, bác sĩ phẫu thuật mạch máu, thần kinh cho bệnh nhân chia sẻ thêm.

Sau 6 giờ “căng não” bên bàn mổ,  ê kip các bác sĩ của 4 chuyên khoa đã xử trí thành công toàn bộ tổn thương cho bệnh nhân. Tuy nhiên sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nguy kịch, hôn mê sâu, thở máy, sốc mất máu nặng, rối loạn đông máu và toan chuyển hóa nghiêm trọng. Các dấu hiệu lâm sàng bao gồm máu đỏ tươi chảy qua sonde ổ bụng, băng vết mổ thấm máu nhiều, cùng với tình trạng huyết động không ổn định mặc dù đã sử dụng liều cao thuốc vận mạch. Bệnh nhân đối mặt với nguy cơ cao của xuất huyết não, suy đa tạng và nhiễm toan chuyển hóa nặng.

Các bác khoa Gây mê hồi sức tập trung xử trí cấp cứu cho bệnh nhân sau phẫu thuật

“Chúng tôi đã triển khai hồi sức tích cực toàn diện, bao gồm hỗ trợ thở máy, điều chỉnh toan máu, kiểm soát thân nhiệt và rối loạn đông máu, điều chỉnh thuốc vận mạch để kiểm soát huyết áp và đảm bảo tưới máu cho các cơ quan quan trọng. Trước, trong và sau phẫu thuật bệnh nhân được truyền tổng cộng 65 đơn vị máu và chế phẩm máu (tương đương khoảng 11 lít máu) để bù đắp lượng máu mất và duy trì tuần hoàn”. BSCKI Nguyễn Văn Tuấn, bác sĩ hồi sức tích cực sau phẫu thuật cho bệnh nhân thông tin thêm.

Với tinh thần trách nhiệm cao vì người bệnh, quyết định xử trí cấp cứu đúng đắn, khẩn trương, kịp thời và sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ khoa Gây mê hồi sức, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện, các chỉ số sinh tồn ổn định trở lại, dấu hiệu xuất huyết giảm dần, bệnh nhân được rút nội khí quản thành công sau 48 giờ điều trị tích cực.

Sau khi ổn định, bệnh nhân tiếp tục được chuyển về khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2 để theo dõi và điều trị theo phác đồ. Đến nay sau hơn 20 ngày nhập viện, bệnh nhân hồi phục sức khoẻ tốt và được ra viện trong niềm vui sướng vỡ oà của gia đình.

BSCKI. Lê Ngọc Sơn – Phó khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2 thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện

Nhờ việc phối hợp kịp thời, nhịp nhàng giữa các bác sĩ thuộc các chuyên khoa, một lần nữa, các y bác  sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã cứu sống ngoạn mục bệnh nhân khỏi “lưỡi hái tử thần”. Thành công này tiếp tục khẳng định năng lực xử trí cấp cứu tại chỗ đối với các trường hợp chấn thương nặng, phức tạp của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Đó cũng chính là thành tựu của việc đầu tư phát triển y tế chuyên sâu với các mũi nhọn ở nhiều chuyên ngành, các đơn vị xung kích sẵn sàng ứng cứu những trường hợp khẩn cấp.

                                                          Bài và ảnh: Phòng CTXH

Liên hệ nhanh