BS Nguyễn Xuân Minh
Khoa Ngoại tổng hợp – BVĐK tỉnh Thanh Hóa
TỔNG QUAN
Bệnh trĩ là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh hậu môn trực tràng, tần suất mắc ở người lớn vào khoảng 5 – 25% dân số và chiếm > 50% ở tuổi 50, gặp nhiều cả nam và nữ.
Điều trị bệnh trĩ bao gồm điều chỉnh chế độ ăn, điều trị nội khoa và phẫu thuật. Trong đó phẫu thuật được coi là biện pháp điều trị các loại trĩ có biến chứng cũng như điều trị triệt để bệnh trĩ.
Sau phẫu thuật trĩ, vùng hậu môn của bạn có thể đau kéo dài đến 4 tuần. Thường sẽ có dịch hoặc lẫn ít máu chảy ra từ hậu môn.
Sau 1 đến 2 tuần, bạn có thể có sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên cần thay đổi một số thói quen sinh hoạt để có thể phục hồi tốt hơn.
Bài viết này có thể giúp cho bạn hình dung được vấn đề hồi phục sau mổ trĩ. Tuy nhiên mỗi người có thời gian hồi phục khác nhau. Thực hiện những bước sau để có được hồi phục tốt hơn càng nhanh càng tốt.
TỰ CHĂM SÓC TẠI NHÀ
1. Chế độ ăn
- Ăn đồ ăn mềm, đồ ăn có tính nhuận tràng như khoai lang, lá khoai lang… tránh những đồ ăn cứng khó tiêu hóa.
- Nên ăn tăng chất xơ. Điều này có thể giúp ruột nhu động dễ dàng hơn và nó làm giảm khả năng trĩ tái phát.
- Uống nhiều nước (khoảng 2-2,5 lít/ngày) để làm phân mềm hơn, tránh táo bón.
- Kiêng những đồ cay, nóng, các nước uống kích thích như rượu, bia, café…
2. Sinh hoạt
- Nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt
- Đi bộ là một lựa chọn tốt để tập thể dục
- Để cho cơ thể tự liền vết thương. Không di chuyển nhanh (chảy, nhảy…) hay mang vác vật nặng đến khi nào bạn cảm thấy tốt hơn.
- Bạn có thể tắm bình thường nhưng nên giữ vùng hậu môn khô và sạch sẽ khi tắm.
- Có thể bạn sẽ cần nghỉ việc khoảng 1 đến 2 tuần. Phụ thuộc vào công việc (đối với công việc nặng nhọc, gắng sức bạn nên nghỉ).
- Khi đi ngoài tránh ngồi xổm cũng như ngồi quá lâu.
3. Thuốc
- Dùng thuốc an toàn. Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Tốt nhất nên sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc.
4. Ngâm rửa, vệ sinh vùng hậu môn.
- Ngâm hậu môn vào nước ấm khoảng 15-20 phút, ngày 3 lần và sau khi đại tiện. Ngoài ra có thể ngâm thuốc tím hoặc betadin pha loãng.
- Giữ vùng hậu môn khô sạch
- Sử dụng khăn lau mềm thay vì dùng giấy vệ sinh sau khi đại tiện. Dùng những sản phầm không gây kích ứng hậu môn.
- Nằm kê cao mông giúp giảm sưng nề vùng hậu môn
LIÊN HỆ NGAY VỚI BÁC SĨ KHI CÓ CÁC TRIỆU CHỨNG SAU
- Đại tiện không tự chủ.
- Chảy máu vùng hậu môn
- Đau nhiều hậu môn dùng thuốc giảm đau không đỡ.
- Có vấn đề về đại tiểu tiện, đặc biệt nếu bạn đau hoặc sưng nề vùng bụng dưới.
- Bạn có dấu hiệu của nhiễm trùng như: Đau tăng lên, sưng nề, nóng, đỏ, sốt, chảy mủ…
Để được tư vấn và điều trị các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng xin liên hệ đến Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa.