Nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn HP và cách phòng tránh

                                                                                    Th.s Lê Ngọc Thành

I. Vi khuẩn HP là gì?

Theo như định nghĩa của y học thì Hp là tên viết tắt của vi khuẩn Helicobacter pylori. Ngoài ra, nó cũng thường được viết tắt theo một cách khác mà mọi người có thể thấy đó là H.pylori. Vi khuẩn Hp có dạng xoắn và được phát hiện vào năm 1982 bởi hai nhà nghiên cứu là Robin Warren và Barry Marshall.


Môi trường sống được cho là lý tưởng nhất đối với vi khuẩn Hp chính là niêm mạc của dạ dày. Thực chất nó là một vi khuẩn kị khí, vì vậy nó chỉ tồn tại được ở trong môi trường thiếu oxy, đồng thời nó còn sản sinh ra catalase – một loại chất có khả năng phá hủy thành niêm mạc của dạ dày. Trên thực tế không phải người bệnh nào bị viêm dạ dày cũng bởi nguyên nhân từ sự tấn công của vi khuẩn Hp, tuy nhiên tỷ lệ bệnh có nguồn gốc từ vi khuẩn này thường được cho là phổ biến hơn cả. Ở Việt Nam tỷ lệ nhiễm HP khoảng 70-80% tùy theo từng nghiên cứu.


Các nghiên cứu cho thấy rằng nhiễm vi khuẩn Hp là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm loét dạ dày tá tràng mạn tính. Mặc dù vi khuẩn Hp rất dễ lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau, nhưng nếu biết cách phòng tránh, bạn hoàn toàn có thể tránh xa được loại vi khuẩn này.


 

 

Cuộc sống tập trung đông người, điều kiện vệ sinh, chăm sóc y tế, phòng dịch kém với nguồn nước bị ô nhiễm là những nguyên nhân gây nhiễm H.pylori.


II. Các con đường lây nhiễm chính


1. Lây nhiễm từ thành viên trong gia đình

Nếu vợ hoặc chồng có Hp dương tính thì khả năng vị hôn phu của mình có Hp dương tính là 68%, còn con cái có nguy cơ bị lây nhiễm Hp tới 40%, đó là thống kê của các nước phương Tây, ở Việt Nam, tỷ lệ đó cao hơn rất nhiều do tập tục ăn uống chung trong các bát, đĩa đựng thức ăn, mẹ nuôi con thường đút cho con ăn sau khi nhai cơm cho con, sau khi đưa qua miệng người mẹ hoặc người lớn trong gia đình…

 

2. Nơi tập trung đông người, gia đình đông con


Rõ ràng là tỷ lệ nhiễm khuẩn Hp ở Việt Nam, theo một số nguồn tin không chính thức, lên tới 80% thì việc sống tập trung, sinh hoạt ăn uống không hợp vệ sinh làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm, hầu hết mọi người nhiễm Hp đều chưa được chẩn đoán và có biện pháp điều trị và dự phòng đúng cách.


3. Vệ sinh, y tế phòng dịch kém


Đây là nguyên nhân khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Nếu việc vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống không đảm bảo, bạn có nguy cơ bị lây nhiễm vi khuẩn Hp rất cao. Ngoài ra, công tác y tế dự phòng không đảm bảo sẽ giúp vi khuẩn lưu hành tự do trong cộng đồng mà không được kiểm soát. Trước tiên là lây nhiễm trong gia đình, khu vực sinh sống, và sau đó là toàn cộng đồng.


4. Nhiễm vi khuẩn Hp khi làm thủ thuật nội soi dạ dày


Bác sỹ nội soi sử dụng một ống nội soi dạ dày để soi thực quản và dạ dày, đây là phương pháp chẩn đoán chính xác hình ảnh tổn thương niêm mạc thực quản, dạ dày và hành tá tràng. Tuy nhiên, việc vệ sinh này không phải ở cơ sở y tế nào cũng đảm bảo vệ sinh an toàn. Đây chính là nguyên nhân quan trọng trong lây chéo vi khuẩn HP.


III. Cách chống lây nhiễm vi khuẩn Hp


Trên đây là một số nguyên nhân gây nhiễm vi khuẩn Hp bạn sẽ thường xuyên gặp phải. Để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn Hp, bạn cần chủ động tiến hành các biện pháp sau đây:

Vệ sinh, phòng dịch nơi sinh sống: vệ sinh nguồn nước, thực phẩm, nơi ở.

Rửa tay sạch sẽ khi ăn uống.

Kiểm tra vi khuẩn Hp khi có các dấu hiệu bệnh dạ dày và tuân thủ điều trị vi khuẩn HP theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa Tiêu hóa, tránh lây lan trong gia đình và tránh kháng thuốc.

Khi trong nhà có người bị nhiễm Hp thì nên sử dụng bát đũa riêng, vệ sinh bát đũa sạch sẽ, tránh lây nhiễm.

 

( Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh của nguồn Gastimun HP)

Liên hệ nhanh