Khái niệm và phân loại Polyp ống tiêu hóa


                                              ThsBs Nguyễn Thị Thanh Hương

Khoa Thăm dò chức năng

I. Khái niệm:

Polyp là tổ chức tăng sinh từ lớp niêm mạc đẩy lồi vào lòng ống tiêu hóa. Polyp có nguồn ngốc từ lớp biểu mô hoặc từ lớp dưới biểu mô hay còn gọi là u dưới niêm mạc.

– Polyp ống tiêu hóa hay gặp nhất là ở đại tràng và dạ dày, ít gặp tại ruột non và thực quản.

– Đa số các trường hợp Polyp được phát hiện tình cờ qua nội soi, ít  triệu chứng lâm sàng. Triệu chứng của polyp do các biến chứng gây ra như: chảy máu,  tắc ruột, ung thư hóa. Nội soi giúp chẩn đoán xác định polyp. Chẩn đoán xác định bản chất polyp dựa vào xét nghiệm mô bệnh học.


II. PHÂN LOẠI POLYP

– Có nhiều cách phân loại polyp: Phân chia theo kích thước: polyp được phân chia thành polyp nhỏ (<5mm), trung bình (6-10mm) và polyp lớn (>10mm). 
Phân chia theo hình thể: polyp có cuống và polyp không cuống. Và sau đây là phân loại theo mô bệnh học 


1.Polyp bắt nguồn từ lớp biểu mô


1.1.  U nhú thực quản:  Hình ảnh nội soi: Kích thước từ 0.2- 2 cm,  không có cuống,  giống màu niêm mạc thực quản bình thường, mặt nhẵn hoặc ráp.


 

 

1.2. Polyp dạ dày: Gồm có các loại polyp


– Polyp tuyến đáy vị: Hay gặp ở phụ nữ  tuổi từ 40 – 70, có thể một hoặc nhiều polyp. Hình ảnh nội soi: polyp ở phình vị hoặc thân vị dạ dày, kích thước 2-3mm.


– Polyp tăng sản: Chiếm 74 -79% trong các polyp dạ dày. Tỉ lệ nam/ nữ tương đương, hay gặp ở người trên 60 tuổi. Hình ảnh nội soi: Nằm  bất cứ vị trí nào của

dạ dày, một hoặc nhiều polyp, có hoặc không cuống, kích thước từ 2mm đến nhiều cm. Khi nhỏ màu sắc giống niêm mạc bình thường, polyp lớn thường có màu đỏ.


– Polyp tuyến dạ dày : Chiếm 7 – 10 % polyp của dạ dày. Đây được coi là tổn thương tiền ung thư. Hay gặp ở vùng có viêm teo niêm mạc. Hình ảnh nội soi: polyp nằm bất cứ ở vị trí nào, hay gặp ở hang vị. Kích thước từ vài mm đến vài cm, khi nhỏ bề mặt nhẵn khi lớn bề mặt giống như hoa súp lơ, thường không có cuống.

 

 

 

.3. Polyp ruột non: Adenoma ruột non: ít gặp chủ yếu ở tá tràng.

 

 

1.4. Polyp đại tràng: Gồm các loại


– Polyp tăng sản: Chiếm khoảng 15% polyp đại tràng, gặp ở bất cứ vị trí nào hay gặp ở trực tràng, tỷ lệ có polyp tăng theo tuổi. Hình ảnh nội soi: Kích thước < 5 mm, không cuống, màu nhạt hoặc giống màu so với niêm mạc xung quanh.


– Polyp tuyến: Hình ảnh nội soi: kích thước thay đổi khác nhau, có cuống hoặc không, bề mặt xung huyết đỏ hoặc giống màu niêm mạc xung quanh, chia thùy múi giống hoa súp lơ.

 

 

1.4.3. U mô thừa ( Harmatoma): Bản chất là tăng sinh các tế bào biểu mô kèm theo những bó cớ trơn. Hay gặp trong hội chứng Peutz – Jegher, Juvenile polyp. Thường lành tính khi kích thước < 1 cm, gặp ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa.


2.2. Polyp bắt nguồn dưới biểu mô


*U tế bào đệm GIST: 70% gặp ở dạ dày, 20% ở ruột non, 10% tại thực quản.


Hình ảnh nội soi: bề mặt giống niêm mạc xung quanh, kích thước thay đổi

 

*U thần kinh : U thần kinh cũng được xếp loại  trong nhóm GIST


*U mỡ : Có thể gặp ở bất cứ vị trí nào, hay gặp ở đại tràng rồi tới hang vị dạ dày. Hinh ảnh nội soi là u dưới niêm mạc, màu vàng nhạt, mềm, thường có một u đơn độc


*U carcinoid: thường gặp tại ruột thừa, hồi tràng và trực tràng. Hình ảnh nội soi là u dưới niêm mạc, màu vàng.


*U máu ( hemangioma): ít gặp ở ống tiêu hóa,  hiếm gặp ở đường tiêu hóa trên u thường lành tính .Hình ảnh nội soi là u dưới niêm mạc màu đỏ hoặc màu xanh


*U bạch mạch ( lypmphangioma): ít gặp ở ống tiêu hóa có thể gặp ở tá tràng hoặc đại tràng. Trên nội soi là khối bề mặt nhẵn màu vàng trắng, lành tính.


*Tụy lạc chỗ ( ectopic pancreas): là tổ chức nằm ở ngoài tụy, thường gặp tại dạ dày, hành tá tràng hoặc đoạn đầu của hỗng tràng. Hình ảnh nội soi: là u dưới niêm mạc được  phủ bởi  niêm mạc bình thường và ở giữa có lỗ chế tiết


2.3. Một số hội chứng polyp thường gặp


a. Hội chứng đa polyp có tính chất gia đình ( Familial adenomatous polyposis )


 

Là hội chứng có di truyền gen trội, do đột biến gen APC. Tỉ lệ mắc 1/10.000 – 15.000 trẻ sinh ra. Triệu chứng: ỉa máu, ỉa chảy, gầu sút khi có ung thư hóa. Nếu không điều trị bệnh sẽ tiến triển thành ung thư đại tràng, tuổi bị ung thư đại tràng từ 34 – 43.


b. Hội chứng Peutz- Jegher


Bệnh di truyền trên gen trội, do đột biến gen STK11/LKB1. Tỉ lệ mắc 1/25.000 – 300.000 trẻ sinh ra. Triệu chứng: có chấm sắc tố đen tại vùng môi, niêm mạc miệng, gan bàn tay, lòng bàn chân, ỉa  máu, tắc ruột. Người bệnh tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, tụy, phổi, tinh hoàn ở nam và tử cung, buồng trứng, vú ở nữ. 50% bệnh nhân thường tử vong ở độ tuổi 50 – 60.  Nội soi: có thể thấy polyp ở dạ dày, ruột non, đại tràng.


c. Hội chứng polyp tuổi thiếu niên (Juvenil polyp)


Là bệnh di truyền ở gen trội, do đột biến gen BMPR1A và SMAD4. Hay gặp ở 4 – 14 tuổi,. Hình ảnh nội soi: hay gặp  ở  đại tràng, có thể ở những nơi khác. Polyp có hoặc không cuống. Điển hình là một polyp duy nhất có cuống, mặt nhẵn mầu đỏ. Số lượng polyp đại tràng thường < 10 cái.


Hiện nay tại khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện đa khoa Tỉnh Thanh Hóa với hệ thống nội soi ánh sáng trắng và nội soi dải tần hẹp  hiện đại Olympus của Nhật bản chúng tôi đã chẩn đoán, phân loại chính xác các polyp ống tiêu hóa và điều trị bằng phương pháp cắt đốt qua nội soi mang lại hiệu quả cao,  đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Liên hệ nhanh