Một tín hiệu mừng cho việc ghép tế bào gốc tại Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều trung tâm trên thế giới cũng như Việt Nam đã nghiên cứu, ứng dụng phương pháp ghép tế bào gốc.
Người ghép tế bào gốc đã có… cảm giác
Sau một tuần thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên đối với ông Tr.A.N., 42 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, bị tai nạn giao thông cách đây 6 tháng dẫn tới chấn thương cột sống, liệt tứ chi…, BS Nguyễn Hữu Lâm – khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng – cho biết hiện ông N. đã ổn định, các thông số, chỉ số sinh học đều bình thường.
Sau một tuần bệnh nhân đã có cảm giác chút ít. Còn trước khi cấy ghép, bệnh nhân mất cảm giác hoàn toàn từ ngang ngực trở xuống.
Tuy nhiên, BS Lâm cho biết phải chờ thời gian theo dõi từ 3-6 tháng mới đánh giá được việc phục hồi thần kinh như thế nào, lúc đó mới xác định được là việc tái tạo, phục hồi tế bào thần kinh ở nơi thương tổn của vùng tủy cổ bằng phương pháp chụp MRI tủy sống cổ.
Ông N. là trường hợp ghép tế bào gốc có sự hỗ trợ của các chuyên gia BV Kitano (Osaka, Nhật Bản), Trung tâm Nghiên cứu tế bào gốc Kobe (Nhật Bản), BV Đà Nẵng đã triển khai ca đầu tiên ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống.
Đây là một phương pháp mới được áp dụng hi vọng sẽ giúp những bệnh nhân bị liệt do chấn thương cột sống, tủy sống có thể phục hồi được.
BS Lâm cho biết phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ miễn phí cho liệu pháp ghép tế bào gốc đối với 30 ca đầu tiên. Hiện BV đang tiếp nhận hồ sơ để thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc, dự kiến khoảng 1-2 tháng nữa sẽ thực hiện ca thứ hai.
Các chuyên gia của Nhật Bản sẽ phối hợp cùng các BS của BV Đà Nẵng thực hiện ba ca đầu, sau đó chuyển giao lại cho BV Đà Nẵng để các BS Việt Nam tự thực hiện.
Nhưng ghép tế bào gốc cũng phải tùy thể trạng bệnh nhân
BS Nguyễn Ngọc Bá – phó giám đốc BV Đà Nẵng – cho biết BV mới triển khai ứng dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc cho những người chấn thương tủy sống mà ca đầu tiên là ông Tr.A.N. với mong muốn giúp các bệnh nhân cải thiện hơn nữa trong việc phục hồi thần kinh, chất lượng cuộc sống.
Về mặt chuyên môn, những người bị chấn thương tủy sống phải nằm trong các điều kiện sau đây mới được xem xét để đưa vào chữa trị bằng phương pháp này: chấn thương tủy sống cổ hoặc ngực; chấn thương tủy sống từ 3 tuần tới 1 năm trước thời điểm cấy ghép; tuổi từ 20 đến 60 ở thời điểm cấy ghép.
Nếu người ghép thuộc vào nhóm trên sẽ được khám, làm các xét nghiệm có đảm bảo hay không mới quyết định điều trị theo phương pháp này.
Theo BV Đà Nẵng, trước khi thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc, BV dùng các phương pháp truyền thống trong điều trị chấn thương tủy sống là: sử dụng thuốc chống phù tủy ở giai đoạn cấp tính, nếu bệnh nhân có dấu hiệu chèn ép do tổn thương xương cột sống thì người được mổ, giải phóng tủy cổ nơi bị chèn ép.
Tiếp theo là bệnh nhân phục hồi chức năng. Tại BV Đà Nẵng mỗi năm tiếp nhận 400-500 ca chấn thương tủy sống, cột sống do tai nạn, trong đó có khoảng hơn 100 ca phải phẫu thuật.
Với phương pháp ghép tế bào gốc – sẽ đưa tế bào gốc vào tủy sống, từ đó tế bào gốc chạy về vị trí tủy bị thương tổn dưới phản ứng tự nhiên của cơ thể, giúp nhu mô tủy tại nơi đó phục hồi một phần.
“Số người bị tai nạn dẫn đến chấn thương cột sống của Việt Nam rất nhiều nên chúng tôi hi vọng sẽ hỗ trợ phương pháp điều trị mới này đối với các bạn”- bác sĩ Suzuki Yoshihisa, người đã tham gia ca ghép tế bào gốc cho ông N., cho biết.
Ghép tế bào gốc có thể áp dụng cho nhiều bệnh khác… Tại VN, Bệnh viện Việt Đức là cơ sở y tế đầu tiên triển khai ghép tế bào gốc điều trị cho người liệt sau tai nạn, chấn thương… Cho đến nay, đề tài đã được Bộ Y tế nghiệm thu xác nhận về tính an toàn của phương pháp, trong đó có 38 bệnh nhân liệt được ghép tế bào gốc từ mô mỡ, 44 người ghép tế bào gốc lấy từ tủy xương. Về hiệu quả, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho hay có trường hợp được ghép tế bào gốc điều trị sớm sau chấn thương đã có thể đứng được. TS.BS Huỳnh Văn Mẫn, trưởng khoa ghép tế bào gốc Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM, cho biết hiện nay công nghệ tế bào gốc có thể ứng dụng trong điều trị rất nhiều bệnh như: thoái hóa khớp, chỉnh hình, bệnh lý về tim mạch, phổi, công nghệ làm đẹp (dùng sản phẩm của tế bào gốc, không phải tế bào gốc trực tiếp)… Riêng việc ghép tế bào gốc tạo máu chủ yếu được áp dụng để điều trị các bệnh ác tính về máu, bệnh lý di truyền về máu, những bệnh rối loạn miễn dịch, những bệnh rối loạn về chuyển hóa di truyền và một số bệnh ung thư… Trong một vài năm gần đây, VN có thể làm những ca ghép tế bào gốc nửa thuận hợp và cho kết quả tương đương với ghép phù hợp hoàn toàn. Đồng nghĩa với việc cha mẹ có thể cho con cái và ngược lại. Về chi phí thực hiện, ghép tế bào gốc tạo máu bằng phương pháp ghép tự thân sẽ tiêu tốn 200 – 300 triệu đồng, sau khi trừ phần bảo hiểm y tế đã thanh toán. Trong khi đó, phương pháp dị ghép – tức lấy tế bào gốc từ người khác ghép cho bệnh nhân – có chi phí cao hơn, 500 – 600 triệu đồng. Chi phí cao cũng là một thách thức với các bệnh nhân. Thách thức thứ hai là nguồn tế bào gốc từ người cho. Theo BS Mẫn, các nước có ngân hàng tủy và tế bào gốc, vì thế việc chọn lựa tủy, tế bào gốc phù hợp diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn. Nếu ngân hàng trong nước không có, họ có thể liên hệ với các ngân hàng nước ngoài tìm tủy, tế bào gốc phù hợp. Trong khi đó, ở VN không có ngân hàng này và việc xuất khẩu – nhập khẩu tế bào gốc, mô tạng cũng chưa được thông qua. |
Nguồn Tuoitre.vn