Nỗi lòng bệnh nhân chạy thận ngày cuối năm

Với những bệnh nhân bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống thì “Tết đoàn viên” càng ngày càng trở nên xa vời và chẳng bao giờ có thể trọn vẹn.

Cùng một lúc chăm sóc hai con (một trai, một gái) bị suy thận mạn giai đoạn cuối, chị Trần Thị Ngát (SN 1974, ở xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) buồn rầu chia sẻ: “12 năm nay, chưa năm nào gia đình tôi được đón cái Tết đầm ấm, vui vẻ. Bao nhiêu tai ương cứ ập xuống gia đình chúng tôi”.

Chị Ngát tâm sự, con trai chị tên là Trần Văn Linh (SN 1994) bị dị tật bẩm sinh từ khi chào đời. Linh có nhiều khiếm khuyết trên cơ thể với đôi mắt không thể nhìn thấy, khuôn mặt bị biến dạng. Từ năm 16 tuổi, Linh đã mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Chị Ngát phải bỏ việc đồng áng, đồng hành cùng con mỗi ngày vượt gần 50 cây số để lên Trung tâm Thận – Lọc máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chạy thận.

Những tưởng cô con gái thứ hai được ăn học đàng hoàng sẽ là niềm an ủi, động viên với gia đình chị Ngát thì bất ngờ tai ương ập đến. Vào tháng 6/2022 vừa qua, khi cháu Trần Thị Oanh (SN 2002) đang trong quá trình thi kết thúc học kỳ thì phát hiện bản thân bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Cũng từ đây, bao ước mơ, hoài bão phía trước của cô sinh viên năm 2 bỗng chốc vụt tắt.

Chia sẻ với chúng tôi, giọng cháu Oanh như nghẹn lại: “Cháu đang học tại Học viện Hành chính Quốc gia. Từ ngày cháu bị mắc bệnh thận, cháu phải bỏ học và về quê để chạy thận”.

Thấy nước mắt con gái lã chã rơi, chị Ngát nghẹn ngào: “Gia đình tôi chỉ có nghề làm ruộng. Con trai đã không được lành lặn rồi giờ lại đến con gái cũng không được khỏe mạnh. Hiện giờ kinh tế của cả gia đình chỉ có một mình chồng tôi gánh vác, còn tôi thì quanh năm suốt tháng chăm sóc hai con chạy thận. Tai họa liên tiếp ập đến khiến cuộc sống gia đình tôi rơi vào bế tắc, túng quẫn khi không còn tiền để chữa bệnh cho hai con”. 

 

 

Bệnh nhân bị suy thận mạn tính phải trọn đời “làm bạn” với máy móc


Tại phòng bệnh nhân của Trung tâm Thận – Lọc máu còn nhiều nữa những câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn của những bệnh nhân chạy thận. Có người chạy thận hơn 20 năm, có người vừa chạy thận được vài tháng.

Hơn 16 năm chạy thận nhân tạo ở bệnh viện cũng chừng ấy thời gian chị Nguyễn Thị Hương (SN 1977, ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) chưa một lần đón Tết trọn vẹn cùng gia đình. Chị Hương tâm sự: “Bất kể ngày nắng, ngày mưa hay ngày lễ Tết, dù mệt mỏi đến đâu tôi cũng phải một mình lên bệnh viện để chạy thận. Tính theo lịch ngày Tết năm nay thì 30 là đến lịch chạy, rồi đến mùng 3 Tết tiếp tục. Tuy chạy thận đều đặn, nhưng sức khỏe tôi ngày càng yếu. Trong khi con cái đang còn ăn học, bao việc trong gia đình cần tôi lo toan nhưng sức khỏe lại không cho phép. Một mình chồng tôi đi làm nuôi 2 con ăn học, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn”.  

Cũng trong buổi chạy thận với chị Hương, chị Lê Thị Hiền (SN 1973, ở xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành) với dáng vẻ gầy gò, làn da vàng vọt, tay chị được cắm đầy ống truyền đỏ thẫm cũng đã chạy thận gần 4 năm nay. Nhà chị cách xa nơi chạy thận gần 80 cây số. Cứ đều đặn một tuần 3 lần vào thứ 3, thứ 5 và thứ 7, chị lại phải đi xe buýt đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để chạy thận. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, tháo vát, nay chị Hiền lại phải “làm bạn” với máy móc đến trọn đời.

Gia đình chị Hiền cũng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi chồng chị làm nghề tự do, thu nhập không ổn định, chật vật nuôi hai con ăn học (một cháu học đại học, một cháu học cấp 3). “Tôi chỉ mong bản thân khỏe mạnh trở lại để còn đi làm kiếm tiền, cùng chồng chăm sóc, nuôi dạy con cái. Nhưng đã 4 năm nay, tôi vẫn phải đều đặn chạy thận, sức khoẻ yếu khiến tôi không làm được gì hơn”, chị Hiền tâm sự.

Đằng sau cánh cửa phòng bệnh nhân chạy thận, mỗi người một hoàn cảnh, có những nỗi lo, nỗi khổ riêng. Mặc dù sức khỏe, kinh tế suy kiệt, sự sống hàng ngày phải duy trì bằng thuốc và máy móc, song trong thời điểm khó khăn nhất, các bệnh nhân ở đây vẫn cố gắng sống, chiến đấu với bệnh tật.

 

 

 

Sự tận tình, tận tâm của đội ngũ y bác sỹ đã giúp người bệnh có thêm niềm tin, động lực để vượt qua khó khăn, chống chọi với bệnh tật


Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Đặng Thế Đạt – Giám đốc Trung tâm Thận – Lọc máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến thời điểm sáng ngày 19/1/2023 (tức ngày 28 tháng Chạp) có 450 bệnh nhân bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối đang lọc máu tại Trung tâm.

Một ngày có khoảng 80 máy chạy thận nhân tạo, lọc máu cho khoảng 230 – 240 lượt bệnh nhân. Mỗi máy chạy 3 ca/ngày nhưng lúc nào cũng kín người bệnh. Trong số 450 bệnh nhân đang điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối tại đây có người chưa qua tuổi đôi mươi, có bệnh nhân cũng đã gần 70 tuổi gắn bó với Trung máu Thận – Lọc máu hàng chục năm.

Đặc trưng của bệnh nhân chạy thận là phải chạy thận đúng thời gian, cách 1 ngày phải chạy thận nhân tạo, bởi vậy hầu như các y bác sĩ tại Trung tâm Thận – Lọc máu cũng không có ngày nghỉ Tết, vẫn tổ chức làm việc bình thường để phục vụ bệnh nhân.

Bác sĩ Đặng Thế Đạt chia sẻ: “Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối đều được hưởng các chế độ về bảo hiểm y tế. Chạy thận nhân tạo chỉ là một trong những phương pháp điều trị, bệnh nhân còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật cùng với thuốc men để điều trị, chế độ dinh dưỡng đảm bảo, cuộc sống tinh thần lạc quan, lành mạnh và còn phải có kinh tế để sử dụng các loại thuốc kèm theo như thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc điều trị thiếu máu,… Tuy nhiên, bệnh nhân chạy thận nhân tạo đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn nên vẫn không kham nổi chi phí đi lại, ăn ở”.

Trên những chiếc giường bệnh tại Trung tâm Thận – Lọc máu, trong tiết trời lạnh giá ngày cuối năm, tình người ấm áp không chỉ từ sự quan tâm hỏi han nhau giữa những bệnh nhân chạy thận đồng cảnh ngộ mà còn từ chính sự đồng hành, chăm sóc tận tình, tận tâm của đội ngũ y bác sỹ đã giúp người bệnh có thêm niềm tin, động lực để vượt qua khó khăn, chống chọi với bệnh tật.

 

 

Nguồn: Nguyễn Sự
https://congly.vn/

Liên hệ nhanh