Sau khi nhận chứng nhận Vàng (Gold) trong điều trị đột quỵ năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã không ngừng cố gắng cải thiện chất lượng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ, ngày 16/12/2022 tại Hội nghị khoa học thường niên năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã được Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao tặng chứng nhận Bạch kim (Platinum) cho những nỗ lực của nhóm cấp cứu và điều trị đột quỵ não trong thời gian qua.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng – Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.Hồ Chí Minh và PGS.TS Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai đã trao chứng nhận Bạch kim về điều trị đột quỵ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá
Tính đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá là một trong số ít các Bệnh viện tuyến tỉnh đạt được chứng nhận Bạch kim. Để có được chứng nhận này đòi hỏi Bệnh viện phải tổ chức hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt được bộ tiêu chí khắt khe do WSO đề ra. Tiêu chí quan trọng nhất cũng là khó đạt nhất đối với chứng nhận Bạch kim là: Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái thông trên tổng số bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não tới viện phải đạt trên 15% ; Tỷ lệ bệnh nhân có thời gian từ khi vào viện tới khi được điều trị tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học nhỏ hơn 60 phút đạt trên 75%; Tỷ lệ bênh nhân được tầm soát rối loạn nuốt trên 85%…
Chia sẻ bên lề Hội nghị, BSCKII Nguyễn Hoành Sâm cho biết: Việc cứu chữa cho bệnh nhân đột quỵ não được ví như một cuộc “chạy đua” với thời gian vì “thời gian là não”. Việc điều trị người bệnh đột quỵ cần tiến hành nhanh chóng tối đa, bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt là tiến hành tiêu huyết khối trong 4-5 giờ đầu. Đồng thời, người bệnh cần được phối hợp với các chuyên khoa khác như Chẩn đoán hình ảnh để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu, Phẫu thuật thần kinh để phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh chảy máu não, chảy máu dưới nhện, nhồi máu diện rộng… Bệnh nhân đột quỵ nặng cũng cần được hồi sức thần kinh, thực hiện các thủ thuật cấp cứu tại giường, tập luyện phục hồi chức năng sớm tại giường ngay giai đoạn cấp. Các chiến lược giáo dục, dự phòng tái phát đối với người bệnh cũng rất quan trọng.
BSCKII Nguyễn Hoành Sâm –Trưởng khoa Thần kinh – Đột quỵ (người đứng thứ 2 từ phải sang) và các Bác sỹ khoa Thần kinh – Đột quỵ
Năm 2008, đơn vị Đột quỵ não thuộc Khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá được thành lập và đã phát huy vai trò trong việc cấp cứu và triển khai các kỹ thuật mới vào điều trị đột quỵ.Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp được cấp cứu kịp thời và điều trị tái thông tăng dần qua các năm. Hiện tại, nhiều kỹ thuật khó, kỹ thuật cao đang được tập thể y bác sỹ khoa Thần kinh – Đột quỵ triển khai thường quy như: Tiêu sợi huyết điều trị nhồi máu não cấp, Can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cấp, Đặt coil điều trị phình mạch não, Đặt stent điều trị hẹp động mạch cảnh ngoài sọ, Tiêm Botinium toxin điều trị co cứng sau đột quỵ, co thắt cơ nửa mặt, rối loạn trương lực cơ cổ, Phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân đột quỵ , Tiêm phóng bế rễ thần kinh chọn lọc điều trị đau rễ thần kinh….
Các Bác sỹ khoa Thần kinh – Đột quỵ chụp ảnh lưu niệm cùng PGS.TS Nguyễn Huy Thắng – Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.Hồ Chí Minh
Việc đón nhận chứng nhận Bạch kim do Hội Đột quỵ Thế giới trao tặng là minh chứng cho những nỗ lực của các chiến sĩ áo trắng khoa Thần kinh -Đột quỵ nói riêng và tập thể các y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá nói chung, là thành tựu hết sức có ý nghĩa, đánh dấu một mốc phát triển quan trọng khẳng định uy tín của Bệnh viện không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.
Bài và ảnh: Phòng CTXH