Hiệu quả điều trị Đông, Tây y kết hợp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá

Những năm gần đây, phương pháp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được củng cố, phát triển rộng khắp từ tuyến Trung ương đến địa phương. Bằng việc kết hợp này, những hạn chế về công cụ chẩn đoán trong y học cổ truyền hay tình trạng lạm dụng thuốc trong y học hiện đại sẽ được khắc phục tối đa với sự kế thừa và chắt lọc tinh hoa từ hai nền y học. Đông – Tây y phối kết hợp chính là xu thế phát triển tự nhiên và tất yếu của các nền y học trên thế giới.


Thành công trong việc kết hợp Đông – Tây y


Là đơn vị chuyên môn kỹ thuật về y học cổ truyền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, khoa Đông y đã và đang nỗ lực phát huy hiệu quả phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp với thành tựu của y học hiện đại. Thành công mới nhất của Khoa là điều trị thành công cho 02 trường hợp điều trị Tây y kết hợp phương pháp điện châm.

 

 

Xoa bóp bấm huyệt và hướng dẫn vận động, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại khoa Đông y


Bệnh nhân N.V.H cho biết, ông bị liệt dây thần kinh số 9 ( dây thiệt hầu) và dây thần kinh 12 ( hạ thiệt) ,lưỡi lệch, nói ngọng, mất vị giác, khó ăn uống. Ông đã được điều trị tại khoa Thần kinh , Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, sau đó được chuyển sang điều trị tại khoa Đông y. Sau 2 tuần điều trị, bệnh của ông tiến triển tốt.


Ông N.V.H vui mừng chia sẻ, mỗi ngày ngoài uống thuốc, tôi còn được điều trị bằng các phương pháp khác nhau như: Điện châm, xoa bóp, bấm huyệt, kéo giãn cơ… Đến nay, tôi đã nói năng dễ dàng và rõ hơn, vị giác trở lại bình thường, sinh hoạt bình thường.


Trường hợp thứ hai là bệnh nhân T.V.N bí tiểu sau phẫu thuật viêm phúc mạc do thủng túi thừa đại tràng ngày thứ 8. Bệnh nhân được hội chẩn khoa Đông y và được sử dụng phương pháp điện châm điều trị bí đái. Chỉ sau 01 lần điện châm, bệnh nhân tự đi tiểu được. Sau 01 tuần tiếp tục thực hiện phương pháp điện châm và theo dõi tại khoa Đông Y, ngày 17/11/2022, bệnh nhân đã hoàn toàn hết tình trạng bí đái và được ra viện.


 

Sự tận tình của đội ngũ y bác sỹ với phương pháp chữa bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại đã giúp khoa Đông y dần trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trong và ngoài tỉnh.


Phát huy tinh hoa của hai nền y học


Ưu điểm của nền “y học thuốc ta” là vận dụng sáng tạo triết học cổ phương đông vào chẩn trị. Vì thế, các thầy thuốc đông y luôn có cách nhìn người bệnh toàn diện, từ đó có sự điều chỉnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể nhằm khắc phục bệnh tật; rất phù hợp với yêu cầu phòng trị nhiều bệnh lý mạn tính hiện nay.


Đặc biệt, thuốc và các biện pháp không dùng thuốc (dưỡng sinh, châm cứu xoa bóp, ẩm thực trị liệu…) đều có nguồn gốc tự nhiên, vốn quen thuộc, thân thiện với con người và luôn có sẵn ở mọi lúc mọi nơi, phần lớn ít độc, ít tác dụng phụ.

 

 

Các vị thuốc sử dụng trong Đông y


Tuy nhiên, y học cổ truyền cũng có những hạn chế, đó là phần lớn các công cụ chẩn đoán, điều trị còn thô sơ, chưa được tiêu chuẩn hóa; phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm cá nhân và biến đổi của điều kiện thiên nhiên. Đó cũng là lý do vì sao cho đến nay y học cổ truyền vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu ứng dụng rộng rãi, hiệu quả và kịp thời trong phòng trị các bệnh lý cấp tính,cấp cứu, lây nhiễm rộng và nhanh.


Y học hiện đại nhờ ứng dụng những thành quả công nghệ khoa tiên tiến của nhân loại với các trang thiết bị hiện đại, các hóa dược mạnh, có thể chẩn đoán, can thiệp, điều trị kịp thời, có hiệu quả cao các bệnh lý cấp cứu, ngoại khoa, cấp tính, truyền nhiễm… thậm chí nếu cần thiết có thể cấy ghép, thay thế các bộ phận bệnh lý.


Mặt khác, hạn chế của y học hiện đại lại chính là việc người bệnh, thậm chí cả thầy thuốc dễ bị rơi vào tình trạng lạm dụng thuốc. Các dược chất bị lạm dụng vốn chưa từng có trong tự nhiên, xa lạ với cơ thể con người, đã và đang gây nhiều tác hại cho sức khỏe nhân loại…


Chính vì thế, để đạt mục tiêu nâng cao sức khỏe, an toàn, hiệu quả, hiện đại, dễ tiếp cận trong khám chữa bệnh, xu hướng của các nước là kết hợp hai nền y học một cách toàn diện, chặt chẽ. Kết hợp hai nền y học chính là một bước nâng cao của quá trình kế thừa, trong quá trình kết hợp mỗi nền y học cần chọn lọc, giữ lại những phần tinh hoa, loại bỏ, hạn chế những phần độc hại, lạc hậu, để xây dựng một nền y học thực sự vì con người, cho con người. Do vậy “Đông y – Tây y như hai bàn tay người thầy thuốc”.


Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng Khoa Đông y cho biết, để phát huy các ưu điểm và hạn chế nhược điểm của cả hai nền y học, khoa Đông y đang áp dụng các hình thức kết hợp Đông – Tây y trong điều trị mang lại hiệu quả cao cho người bệnh như:


1.  Khám, chẩn đoán, điều trị chủ yếu bằng y học cổ truyền, kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết của y học hiện đại, giúp nâng cao tính an toàn, hiệu quả của y học cổ truyền

2. Khám chẩn đoán bằng cả y học cổ truyền và y học hiện đại, tùy theo mức độ, giai đoạn bệnh, để chọn lựa cách điều trị phù hợp cho từng giai đoạn, chủ yếu bằng y học hiện đại hay y học cổ truyền hoặc kết hợp cả hai

3. Điều trị căn nguyên ,theo cơ chế bệnh sinh bằng y học hiện đại, kết hợp thuốc,các biện pháp không dung thuốc y học cổ truyền (châm cứu, xoa bóp,bấm huyệt, nhằm hạn chế tác dụng phụ, độc hại của thuốc đặc trị, hồi phục chức năng, nâng cao chất lượng sống của người bệnh (y học cổ truyền hỗ trợ điều trị ung thư, hồi phục chức năng sau đột quỵ….)

4. Kết hợp y học hiện đại khi có kèm theo bệnh lý cấp tính ,diễn biến phức tạp (nhiễm trùng nặng )…


Nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, thời gian tới, Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: “Khoa Đông y sẽ tiếp tục đẩy mạnh kế thừa và ứng dụng các bài thuốc hay, phương pháp chữa bệnh mới, đầu tư phát triển các dịch vụ y tế theo yêu cầu và từng bước hiện đại hóa trên cơ sở giữ vững bản sắc của y học cổ truyền, kết hợp hài hòa với y học hiện đại để chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng ngày một tốt hơn”.

                                                        

Bài và ảnh: Phòng CTXH

 

Liên hệ nhanh