Chuyên gia nói gì về việc cách ly y tế đối với bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ?

Theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế nêu: trường hợp nghi ngờ và xác định phải cách ly tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày. Rất nhiều người dân lo ngại việc tập trung nhiều người bệnh sẽ gây ra tình trạng lây nhiễm chéo. Chuyên gia y tế nói gì về việc cách ly này?

 

Khả năng lây nhiễm chéo thấp, cách ly người nghi nhiễm và nhiễm riêng


Trước thông tin quy định người nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ phải cách ly tại cơ sở y tế khiến nhiều người dân tỏ ra e ngại và lo lắng sẽ xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo trong quá trình cách ly giống như đợt dịch COVID-19 vừa qua.

 

Giải đáp thắc mắc trên của người dân, BSCK2. Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) – là một trong những thành viên tham gia soạn thảo hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế cho rằng, việc lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định mắc đậu mùa khỉ trong quá trình cách ly tại cơ sở y tế là rất thấp.

 

“Các trường hợp nghi nhiễm sẽ được cách ly riêng và tách biệt với các trường hợp xác định nhiễm. Tuy nhiên, so với COVID-19 thì khả năng lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ rất thấp. Vì COVID-19 lây qua đường hô hấp là chủ yếu cho nên chúng lây nhiễm rất nhanh. Trong khi đó, virus đậu mùa khỉ thường lây nhiễm qua các tiếp xúc cơ thể, thông qua các vết mụn nước, các dịch tiết và chất tiết trên  da ở người mắc bệnh”, BSCK2. Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.

 

Theo BS Tiến, tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ chỉ từ 1-10%. Vậy cho nên để không xảy ra tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng thì việc cách ly trong bệnh viện 14 ngày là điều hết sức cần thiết. Người nghi ngờ và xác định nhiễm cần phải phải tuân thủ các quy định về cách ly của ngành y tế để không lây lan cho những người xung quanh.

 

 

Việc cách ly trường hợp nghi nhiễm, xác định nhiễm đậu mùa khỉ tại các cơ sở y tế trong vòng 14 ngày là cần thiết nhằm kiểm soát dịch bệnh.

 

Theo nhận định, số lượng ca bệnh sẽ không nhiều và các cơ sở y tế của Việt Nam đủ để cách ly những trường hợp nghi nhiễm và nhiễm bệnh. Các trường hợp nghi nhiễm sẽ được bố trí phòng cách ly riêng, các đối tượng xác định nhiễm sẽ được cách ly tại các phòng riêng độc lập.

 

Lập bệnh viện dã chiến khi số ca tăng cao

 

Dù khả năng lây lan của bệnh đậu mùa khỉ đã được đánh giá là thấp hơn COVID-19, nhưng nếu trong cộng đồng ghi nhận ca mắc tăng cao, thì ngành y tế sẽ huy động các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thay đổi công năng, các khu cách ly cộng đồng để cách ly người bệnh. Theo đó, thay vì bệnh nhân sẽ tiến hành cách ly tại các cơ sở y tế thì sẽ được cách ly tại bệnh viện dã chiến, bệnh viện thay đổi công năng.

 

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, quá trình cách ly sẽ tiến hành từng bước một và phù hợp với thực tế. Khi số lượng bệnh nhân quá đông không thể kiểm soát thì sẽ tiến hành cách ly tại nhà.

 

Bộ Y tế cũng đã ra các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ nhưng chỉ giải quyết trong thời điểm số ca bệnh còn ít và các bệnh viện vẫn có đủ điều kiện để cách ly người bệnh.

 

Cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nào. Tuy nhiên, toàn thế giới đã có hơn 25.000 ca mắc tại 78 quốc gia. Đã có ít nhất 10 ca tử vong trên toàn thế giới, trong đó có 4 ca tử vong ngoài Châu Phi.

 

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

 

 

Liên hệ nhanh