Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên nhiều năm gần đây, độ tuổi mắc bệnh đã dần trẻ hóa, xuất hiện nhiều hơn ở giới trẻ, đặc biệt là thường xuất hiện ở chi dưới của nữ giới, nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.
Căn bệnh suy giãn tĩnh mạch được xem là một bệnh lý khá phổ biến, tuy không đặc biệt nguy hiểm như các bệnh khác, tuy nhiên người mắc phải gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống. Và nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách thì về lâu dài sẽ có nguy cơ gây tắc mạch phổi, tim… ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiến hành điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp đốt sóng cao tần RFA
Đa phần người mắc bệnh này thường có độ tuổi từ trung bình đến già, người béo phì; những người sinh hoạt, làm việc trong tư thế đứng, ngồi một chỗ, ít vận động hoặc làm các công việc nặng nhọc. Bên cạnh đó những người làm việc trong môi trường độc hại, nắng nóng kéo dài cũng có nguy cơ mắc bệnh; di truyền và giới tính cũng là 1 nguyên nhân.
Chính từ các nguyên nhân trên dẫn đến thời gian gần đây giới trẻ có xu hướng bị mắc nhiều, đặc biệt là nữ giới, những người sau quá trình sinh đẻ và xuất hiện đa phần ở chi dưới của người bệnh.
Những người bị mắc căn bệnh suy giãn tĩnh mạch thường cảm thấy nặng, tức, tê chân, phù chân, chuột rút dẫn đến đi lại khó khăn, đứng ngồi cảm thấy mệt mỏi. Có những bệnh nhân một đêm bị chuột rút đến 5, 6 lần dẫn đến mất ngủ, chất lượng cuộc sống và sức khỏe giảm sút rõ rệt.
Các biểu hiện, triệu chứng của bệnh giảm rõ rệt ngay sau khi phẫu thuật vài ngày
Về yếu tố thẩm mỹ, bệnh lý này khiến chi dưới nổi các vân xanh, đỏ; các mạch máu nổi như các sợi dây, tăng kích thước chân dẫn đến người bệnh cảm thấy mất tự tin.
ThS.BS Nguyễn Văn Ngọc – Phụ trách can thiệp tĩnh mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngoài việc ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt, mất thẩm mỹ; bệnh này thường gây loét da, loét tĩnh mạch, hình thành huyết khối và có thể tử vong nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Ngọc, suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý rất thường gặp với tỉ lệ mắc bệnh khá cao ở Việt Nam nhưng lại chưa thực sự được bệnh nhân chú ý. Đáng lo ngại hơn là người bệnh chỉ đến khám khi tình trạng bệnh đã tiến triển nặng, phức tạp bởi tâm lý chủ quan là bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, chỉ làm mất thẩm mỹ và đau nhức khó chịu. Người bệnh chưa lường trước hết các biến chứng nặng có thể mắc phải.
Trước đây, đối với bệnh này thì thường điều trị theo các phương pháp truyền thống như sử dụng thuốc nội khoa, nhưng biện pháp này chỉ mang tính chất hỗ trợ, làm chậm quá trình phát triển của bệnh, không thể chữa trị dứt điểm. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật, tiêm xơ. Tuy nhiên các biện pháp trên còn có nhiều điểm hạn chế như thời gian điều trị lâu, chi phí cao, để lại sẹo gây mất thẩm mỹ và có thể xuất hiện nhiều biến chứng.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch với 2 hình thức đốt Laser và đốt sóng cao tần (RFA). Đây là biện pháp mới và đang được dần triển khai tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Trong đó tỉnh Thanh Hóa là tuyến tỉnh đầu tiên trong khu vực triển khai kỹ thuật này.
Đối với phương pháp can thiệp nội mạch bằng cách đốt Laser và sóng cao tần, người bệnh gần như sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, thời gian điều trị chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ mà ít xâm lấn, không có biến chứng, không để lại sẹo.
Đặc biệt, sau khi can thiệp, bệnh nhân có thể sinh hoạt gần như bình thường, không phải nằm lại viện để theo dõi và các triệu chứng đau buốt, tê phù, … không còn. Bên cạnh đó bảo hiểm xã hội cũng đã đồng ý thanh toán, bệnh nhân chỉ phải bỏ ra chi phí thấp để điều trị.
“Mới đây, có bệnh nhân đã có hẹn lịch khám tại bệnh viện, tuy nhiên chưa đến lịch đã phải vào viện gấp với các triệu chứng nổi cục và đau rất nhiều ở chân. Bệnh nhân đã liên hệ ngay với chúng tôi, qua khám sàng lọc, chúng tôi phát hiện có huyết khối hình thành tại vị trí đau qua trao đổi và tư vấn với bệnh nhân chúng tôi đã quyết định phải điều trị ngay cho bệnh nhân bằng biện pháp đốt sóng cao tần RFA.. Ngay sau điều trị, các triệu chứng đã không còn, bệnh nhân về nhà, sinh hoạt bình thường. Cũng đã có nhiều bệnh nhân từ các tỉnh khác như Hà Nội, Thái Bình, … lựa chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị” – ThS.BS Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ thêm.
Để phòng tránh bệnh suy giãn tĩnh mạch này, Ths.BS Ngọc cho rằng nên có lối sống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, vitamin… hạn chế đứng lâu, ngồi lâu, hạn chế làm việc trong các môi trường nắng nóng kéo dài, hạn chế làm việc các việc nặng kéo dài, giảm cân, ko mặc quần quá chặt, ko đi giày cao gót quá trong thời gian lâu.