Hàng năm, mỗi ngành nghề lao động đều có cho mình một ngày lễ, ngày kỷ niệm để ghi dấu mốc sự hình thành và phát triển, đồng thời là dịp để mọi người thể hiện sự quân tâm và sẻ chia. Nhưng với đội ngũ y, bác sỹ, ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay với họ sẽ là một ngày đặc biệt, đặt biệt bởi đức hy sinh.
Nhiều bác sỹ vừa phải làm việc chuyên môn, vừa đảm nhận luôn vai trò là người nhà bệnh nhân.
“Lương y như từ mẫu”
“Bích ơi, Ninh ơi…” Vừa bước chân vào đến hành lang bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa , chúng tôi nghe vọng thấy âm thanh đó, ngay sau đó là một nam, một nữ đang khoác trên mình chiếc áo blouse trắng chạy ra khỏi phòng trực. Chúng tôi thầm nghĩ, chắc lại đồng nghiệp gọi báo cáo tình huống khẩn cấp…
Đã từng năm viện, cũng đã từng có khoảng thời gian chăm sóc người ốm nên tôi biết bệnh nhân hoặc người nhà sẽ thường dùng từ “ thưa bác sỹ, bác sỹ ơi” để gọi nhờ sự giúp đỡ, khi thăm khám.
Nhưng tôi đã sai, hoá ra không phải vậy. Câu nói trên là từ một bệnh nhân lớn tuổi gọi bác sỹ Đoàn Thị Bích và Lê Hồng Ninh tại khoa Thần kinh- Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tinh Thanh Hoá.
Họ, những y bác sỹ tại Khoa Thần kinh- Đột quỵ, với trách nhiệm của một lương y, họ phải chữa trị cho những người bệnh như bao đồng nghiệp cùng chiến tuyến khác. Nhưng…bản thân họ cũng là F0, cũng là bệnh nhân, cũng cần sự quan tâm, động viên từ gia đình, người thân và tất nhiên cũng cần được điều trị. Có điều, tất cả những điều đó phải gác lại sau khi ca trực kết thúc.
Khi chúng tôi có mặt tại đây, đã là ngày thứ 9 thí điểm mô hình “Bệnh viện chia đôi- Khoa phòng tách đôi”. Ngày 17/02/2022, mô hình Khoa phòng tách đôi chính thức được triển khai tại Khoa Thần kinh- Đột qụy Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, có 25 bác sỹ và điều dưỡng đang mắc Covid- 19 nhưng đã tình nguyện ở lại Bệnh viện để vừa điều trị cho mình, vừa tiếp tục chữa trị, chăm sóc những bệnh nhân đang điều trị tại khoa nhưng mắc Covid- 19.
Bác sỹ Đoàn Thị Bích công tác tại Khoa Thần kinh- Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Hàng năm, mỗi ngành nghề lao động đều có cho mình một ngày lễ, ngày kỷ niệm để ghi dấu mốc sự hình thành và phát triển, đồng thời là dịp để mọi người thể hiện sự quân tâm và sẻ chia. Nhưng với đội ngũ y, bác sỹ, ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay với họ sẽ là một ngày đặc biệt, đặt biệt bởi đức hy sinh.
Bác sỹ Bích là một trong số đó: “Những ngày đầu với chúng tôi thật sự là khó khăn, bản thân chúng tôi đều mỗi người bốn việc; Điều trị chuyên môn, điều trị Covid- 19 cho người bệnh, đảm nhận luôn vai trò người nhà bệnh nhân và…điều trị cho chính mình. Có những hôm, chúng tôi phải thức trắng đêm, nhưng rồi sự đoàn kết của đông nghiệp, sự đồng cảm của bệnh nhân nên chúng tôi đã có sự thấu hiểu và chia sẻ cho nhau, khoảng cách được xích lại gần nhau như những người thân trong gia đình”, bác sỹ Bích chia sẻ.
Bà Lê Thị Nhung, quê Triệu Sơn bộc bạch: “Họ lo cho chúng tôi từng miếng ăn, ngụm nước, từng viên thuốc, canh từng cơn đau. Tôi cũng không nhớ từ lúc nào mình lại gọi thẳng tên các cô, chú ấy thay vì gọi là “Bác sỹ ơi” mỗi khi cơn đau hành hạ. Sự tận tâm từlương tâm của người thầy thuốc của các cô, chú ấy cho tôi cảm giác họ như con cái mình”.
Cách đây 67 năm về trước (27/02/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi hội nghị cán bộ ngành Y tế có trích đoạn “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào, đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải yêu thương, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn, lương y như từ mẫu”.
Lời dạy đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến bây giờ, nó được coi như kim chỉ nam của những người công tác trong ngành y, với trọng trách to lớn, chăm sóc sức khoẻ cho xã hội. Và trong những ngày chiến đấu với “giặc Covid- 19” này, những người thầy thuốc thật sự như người mẹ thứ hai của chúng ta, khi luôn luôn túc trực, chăm sóc bất kể ngày đêm.
“Khi nào hết dịch, bố về với con”
Đa phần y bác sỹ tại Khoa đều bị bất ngờ với việc mình bị Covid- 19, dù tâm thế luôn sẵn sàng. Nhưng, thay vì chọn cách ở nhà điều trị, họ lại tình nguyện ở lại làm một “F0 có ích với đời”.
Ông Lê Văn Sỹ- Thầy thuốc Nhân dân, Bác sỹ chuyên khoa II, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá bày tỏ: “Xuất phát từ tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, mô hình này sẽ giải quyết được khó khăn trong vấn đề người bệnh mắc các bệnh chuyên khoa kèm theo Covid- 19. Vì bác sỹ chuyên khoa có thể đảm nhận được công việc điều trị Covid- 19, nhưng ngược thì rất khó, thậm chí là không”.
Y bác sỹ ân cần điều trị cho bệnh nhân tại khoa Thần kinh- Đột quỵ.
Hơn 200 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã mắc Covid- 19, nhưng hầu hết trong số đó, họ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Con số này có thể tăng lên trong thời gian sắp tới nếu dịch bệnh không có sự thiên giảm.
Trong số họ, rất nhiều người có con nhỏ phải gửi cho ông bà, thậm chí có những người, chồng con đều mắc Covid- 19, lời hứa “Đến lúc nào điều trị hết bệnh nhân Covid- 19 rồi bố về” có thể sẽ còn xa vời. Thế nhưng, với niềm tin đẩy lùi dịch bệnh của lực lượng tuyến đầu chống dịch vẫn luôn kiên định và vững chắc.
Bác sỹ Ninh tâm sự: “Con gái tôi cháu mới lên ba, nên thật sự rất nhớ con, có những lúc tranh thủ được thời gian thì con lại ngủ, những lúc ông bà gọi điện cho con nói chuyện, thì mình lại bận. Tính ra gần chục ngày nay, số lần nói chuyện với con chỉ đếm trên đầu ngón tay, khi con hỏi bao giờ bố về với con? Mình trầm tư một lúc rồi mới lên tiếng “nhất định hết dịch bố sẽ về với con”.
Đó không đơn thuần là lời hứa của người bố dành cho con, mà còn lời hứa, sự quyết tâm của những “lương y” với người bệnh, với nhân dân.
Xin mượn câu hát “Xung kích ngành Y” của nhạc sỹ Vũ Thiết để kết bài
…Này bạn ơi, xung kích ngành y, không sợ mọi hiểm nguy
Đi bất cứ nơi đâu từ hải đảo xa xôi, hay miền núi cao hẻo lánh
Đạn dược chúng tôi là mũi kim liều thuốc, là những túi dịch truyền, là lòng nhiệt huyết.
Dịch bệnh ở đâu, dịch bệnh ở đâu, có chúng tôi cũng phải cúi đầu”.
Lê Nam- Hoàng Đức