Dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 ngành y tế đã chủ động các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị y tế, dự trù đủ cơ số thuốc… bảo đảm xuyên suốt hoạt động khám, chữa bệnh, tập trung triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Theo đó, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức đón tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm tránh lãng phí, dành thời gian thăm hỏi động viên các gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc diện chính sách; quan tâm những người bệnh còn nằm điều trị trong những ngày tết, đặc biệt là những người bệnh nặng, người bệnh thuộc diện chính sách, người bệnh nghèo, người cô đơn không nơi nương tựa.
Bên cạnh đó cần tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; Chủ động các phương án đáp ứng với các cấp độ dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly và điều trị phù hợp ngay khi phát hiện ca bệnh; bảo đảm an toàn bệnh viện theo “Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”.
Nâng cao năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, thiết bị (nhất là máy thở, ô xy y tế), phương tiện cấp cứu để chủ động đáp ứng nhanh, kịp thời các tình huống điều trị người bệnh COVID-19, cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, sinh đẻ trong những ngày tết.
Ngày 29 tháng Chạp Sở Y tế đã tổ chức 4 đoàn đi kiểm tra, chúc tết tại 18 đơn vị trong ngành. Qua kiểm tra các đơn vị đều tổ chức tốt công tác thường trực cấp cứu 24/24h khám và điều trị cho bệnh nhân, có lịch phân công trực cụ thể trong các ngày nghỉ tết đồng thời chuẩn bị đủ các chế độ, chính sách theo quy định cho người bệnh trong dịp tết. Lãnh đạo Sở đã tổ chức kiểm tra hoạt động của các kíp trực, gặp mặt, thăm hỏi tặng quà động viên chúc tết các bệnh nhân nặng tại các khoa Hồi sức cấp cứu còn nằm lại tại các bệnh viện đêm giao thừa.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, từ 27 tháng Chạp đến mùng 6 tết nguyên đán, đã tổ chức khám, điều trị cho 1.034 bệnh nhân, có 1.122 bệnh nhân nhập viện điều trị, trong đó có 169 ca tai nạn thương tích (giảm so với năm 2021).
Để bảo đảm công tác thu dung, điều trị kịp thời cho bệnh nhân trong dịp tết, công tác chuẩn bị đã được bệnh viện chuẩn bị khá chu đáo. Ngoài việc phân công trực ở cả 4 cấp: Trực lãnh đạo, chuyên môn, an ninh bảo vệ và hậu cần thì bệnh viện cũng đã dự trù đầy đủ thuốc, vật tư y tế tiêu hao, bảo đảm phục vụ bệnh nhân; đồng thời, kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng đáp ứng trong các tình huống khẩn cấp xảy ra; xây dựng Phương án tạm thời triển khai thu dung, quản lý, cách ly điều trị bệnh nhân chạy thận nhân tạo mắc COVID-19 tại Bệnh viện… Bên cạnh đó, bệnh viện đã tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc tết và tặng quà cho các bệnh nhân phải ở lại điều trị, giúp họ có được không khí ngày tết cổ truyền ấm cúng, ý nghĩa.
Đối với các bệnh viện tuyến huyện, tất cả các vị trí đều được tăng cường đủ về con người, trang thiết bị, bảo đảm người bệnh được khám và điều trị kịp thời; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chúc tết người bệnh, tạo bầu không khí đón xuân vui tươi, đầm ấm, giúp họ giảm bớt nỗi đau bệnh tật.
Theo thống kê của ngành y tế, từ ngày từ 30-1 đến 4-2 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Tân Sửu đến ngày mùng 4 tháng Giêng năm Nhâm Dần), cho thấy các đơn vị y tế trong ngành đều đã lập kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán; các bệnh viện lập chế độ thường trực cấp cứu trong và ngoại viện bảo đảm đủ quân số, đúng chủng loại chuyên môn theo quy định, bảo đảm các chế độ cho bệnh nhân nằm điều trị nội trú theo quy định của nhà nước; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, chủ động các phương án đáp ứng với các cấp độ dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly và điều trị phù hợp ngay khi phát hiện ca bệnh; bảo đảm các loại thuốc hóa chất và phương tiện vật tư y tế sẵn sàng huy động được ngay sau khi có dịch bệnh và ngộ độc tập thể xảy ra.
Cụ thể, các cơ sở y tế đã thực hiện khám cho 8.804 người, có 4.684 bệnh nhân vào nhập viện, trong đó có 328 bệnh nhân tai nạn giao thông (3 người tử vong ngoại viện, 2 người tiên lượng tử vong xin về, 1 người tử vong nội viện), 35 bệnh nhân tai nạn do đánh nhau, 95 bệnh nhân tai nạn sinh hoạt, 30 trường hợp ngộ độc thực phẩm, còn lại là các đối tượng người bệnh khác. Các cơ sở y tế đã thực hiện 132 ca phẫu thuật cấp cứu; thực hiện mổ đẻ 256 ca.
Đến ngày 4-2, toàn tỉnh đang điều trị 3.643 bệnh nhân COVID-19, trong đó: Điều trị tại các cơ sở y tế 2.813 bệnh nhân (Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 của tỉnh là 139 bệnh nhân; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá là 17 bệnh nhân; các cơ sở thu dung, điều trị tuyến huyện và khu vực là 2.657 bệnh nhân); điều trị tại nhà là 830 bệnh nhân (TP Thanh Hóa 669 bệnh nhân tại 34 xã, phường; huyện Quảng Xương 107 bệnh nhân tại 26 xã, thị trấn; huyện Đông Sơn 4 bệnh nhân tại 2 xã; huyện Yên Định 50 bệnh nhân tại 12 xã, phường, thị trấn).
Về mức độ các ca bệnh tại các cơ sở y tế, có 1.774 bệnh nhân không có triệu chứng (chiếm 63,06%), 994 bệnh nhân nhiễm mức độ nhẹ (chiếm 35,33 %), 19 bệnh nhân nhiễm mức độ trung bình (chiếm 0,67%), 26 bệnh nhân nhiễm mức độ nặng (chiếm 0,94%). Việc điều trị bệnh nhân COVID-19 được thực hiện theo Quyết định số 250/QĐ-BYT của Bộ Y tế; trong đó, Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tỉnh bảo đảm quy mô 350 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá 50 giường bệnh; các cơ sở thu dung, điều trị tuyến huyện bảo đảm thu dung, điều trị cho khoảng 7.879 ca F0.
Các cơ sở y tế thường xuyên tổ chức chặt chẽ việc phân luồng, sàng lọc, cách ly, phòng ngừa việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Hiện nay, các cơ sở y tế thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang vận hành ổn định, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tô Hà