Trước sự bùng phát của ổ dịch Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, kích hoạt toàn bộ hệ thống và nâng mức cảnh báo phòng, chống dịch lên mức cao nhất, bảo đảm an toàn cho công tác khám, chữa bệnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức phân luồng, sàng lọc, xét nghiệm chủ động (thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp Test nhanh kháng nguyên đối với tất cả người đến viện) nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm COVID-19.
Ngay tại cổng số 1 (cổng chính), bệnh viện bố trí nhân viên y tế và bảo vệ đo thân nhiệt, sàng lọc, khai thác yếu tố dịch tễ đối với người bệnh và người nhà người bệnh đến khám, điều trị; nhân viên Công tác xã hội hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh khai báo y tế bằng tờ khai y tế hoặc khai báo y tế điện tử giúp giảm bớt sự ùn tắc, tập trung đông người. Những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở, đau họng được đưa vào khu khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm tại khu riêng biệt bảo đảm theo hướng 1 chiều; phát hiện trường hợp nguy cơ cao chuyển về Khoa Bệnh nhiệt đới.
Cùng với đó, tăng cường quản lý bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cố định người chăm nuôi, xếp bệnh nhân cố định tại 1 phòng trong suốt đợt điều trị, hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nghiêm túc thực hiện 5K; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm định kỳ 5-7 ngày/lần bằng phương pháp RT-PCR đối với cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân (nếu không thay người chăm nuôi mới).
Bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận khám, chữa bệnh cho tất cả những người bệnh chuyển tuyến đến Bệnh viện. Những trường hợp chuyển tuyến điều trị nội trú đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên hệ trước với Phòng Kế hoạch tổng hợp qua số điện thoại thường trực: 02373.951.467 để thông tin về kết quả điều tra dịch tễ, các yếu tố nguy cơ và tóm tắt tình trạng của người bệnh. Nghiêm túc thực hiện mỗi bệnh nhân chỉ 1 người nhà chăm nuôi đi cùng.
Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19 tại các địa phương trong tỉnh, thời gian tới Bệnh viện sẽ tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu liên quan đến vùng dịch, điểm mốc dịch tễ trong tỉnh chuyển đến, có chỉ định phẫu thuật, can thiệp cấp cứu.
Để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác phân luồng, sàng lọc, quản lý bệnh nhân, bảo đảm Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch, Bệnh viện hướng dẫn xử lý một số tình huống khám bệnh, chữa bệnh trong giai đoạn dịch COVID-19 đối với nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao.
Cụ thể, đối với bệnh nhân cấp cứu tối khẩn cấp cần phải phẫu thuật, can thiệp ngay, tiếp nhận, hướng dẫn bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân nhanh chóng khai báo y tế, đồng thời chỉ định và lấy ngay mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cả bằng phương pháp Test nhanh kháng nguyên làm tại chỗ và phương pháp RT-PCR gửi về khoa Vi sinh. Trường hợp kết quả Test nhanh âm tính thực hiện chuyển bệnh nhân về khoa Gây mê hồi sức để tiến hành phẫu thuật còn kết quả dương tính sẽ bố trí phẫu thuật ngay tại phòng mổ nóng tại tầng 1 nhà A3, thực hiện các bước về phòng hộ cá nhân, hạn chế đến mức thấp nhất lây nhiễm SARS-CoV-2; thực hiện đúng quy trình về kiểm soát lây nhiễm đối với nhân viên y tế, xử lý trang thiết bị, dụng cụ sau phẫu thuật…
Sau khi phẫu thuật chuyển bệnh nhân về Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 khi tình trạng bệnh nhân cho phép. Trường hợp không thể chuyển được, sẽ chuyển bệnh nhân về Khoa Bệnh nhiệt đới cách ly điều trị.
Trường hợp cấp cứu có thể trì hoãn phẫu thuật, chuyển bệnh nhân về Khoa Bệnh nhiệt đới hoặc để tại Phòng đệm (Phòng mổ nóng, nếu có thể) theo dõi, điều trị, hội chẩn chuyên môn, chờ kết quả xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính, chuyển bệnh nhân về Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1. Nếu kết quả âm tính, chuyển phẫu thuật, thực hiện các quy trình về kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế, bệnh nhân hậu phẫu, xử lý trang thiết bị, dụng cụ sau phẫu thuật…
Bệnh nhân sau phẫu thuật chuyển về khoa điều trị, xếp phòng riêng, tổ chức quản lý bệnh nhân, người nhà chăm nuôi như đối với ca bệnh nghi mắc. Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân 2-3 ngày một lần cho đến khi ra viện.
Đối với nhóm bệnh nhân cấp cứu do các bệnh lý về tim mạch, mạch não có chỉ định can thiệp, trường hợp có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Test nhanh dương tính và được khẳng định bằng RT-PCR, ưu tiên điều trị nội khoa và chuyển bệnh nhân về Bệnh viện COVID-19 số 1 điều trị. Trường hợp kết quả xét nghiệm Test nhanh âm tính, xem xét tổ chức can thiệp, các bước thực hiện như đối với bệnh nhân phẫu thuật.
Đối với nhóm bệnh nhân điều trị nội trú, trường hợp bệnh nhân chưa được làm xét nghiệm RT-PCR trước khi nhập viện điều trị nội trú, tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR sau 24h kể từ khi lấy mẫu làm xét nghiệm Test nhanh.
Bệnh viện cũng xây dựng các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng hộ cá nhân, cách ly nhân viên y tế… đối với các đối tượng cần phẫu thuật cấp cứu, can thiệp tim mạch, can thiệp thần kinh, chạy thận chu kỳ trong trường hợp ca nghi nhiễm, nhiễm COVID-19.
Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá (ảnh trên) cho biết: Do có sự chủ động ứng phó với các tình huống dịch, bệnh viện vẫn bảo đảm an toàn trong công tác khám và điều trị bệnh nhân, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và khách đến làm việc. Vì vậy, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Người dân không nên chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, nhưng cũng không quá hoang mang, lo sợ để bệnh nặng mà không dám đến bệnh viện điều trị, dẫn đến nguy kịch.
Đối với những trường hợp bệnh không phải cấp cứu thì nên mua thuốc điều trị ở nhà, liên hệ với bác sĩ trong trường hợp cần thiết, hạn chế đến bệnh viện trong thời điểm hiện nay.
Tô Hà
(Baothanhhoa.vn))