Phòng chống nCoV: Phía bên trong Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) hoành hành làm đảo lộn nhịp sống hàng ngày của người dân. Chỉ có họ – những y bác sĩ trong bệnh viện, vẫn bình tâm, vững vàng đối mặt khi dịch bệnh xảy ra.

 

Những “chiến binh” blouse trắng

Phía bên trong Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa – những “chiến binh” blouse trắng ngày đêm đối mặt với “cơn bão” dịch chưa biết khi nào kết thúc! Tôi hỏi họ có sợ không, họ cười bình thản – quen rồi!

Ngay trong chiều 30 Tết Nguyên đán (tức 24-1-2020), trong khi nhà nhà, người người đang hối hả kết thúc những công việc còn dang dở để trở về nhà ăn bữa cơm đoàn tụ cuối năm thì đội ngũ y, bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá lại đang nỗ lực hết sức mình để cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân đầu tiên của Thanh Hoá nghi ngờ nhiễm vi rút nCoV. Đó là nữ bệnh nhân N.T.Tr (25 tuổi, quê xã Định Hòa, huyện Yên Định) có biểu hiện sốt, đau ngực và ho. Khi các bác sĩ tìm hiểu thì được biết bệnh nhân Tr. mới trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) 7 ngày trước khi nhập viện. Các bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới đã thực hiện biện pháp cách ly, theo dõi và cùng cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm để xác định bệnh nhân có bị nhiễm vi rút nCoV từ Vũ Hán hay không. Đến ngày 30-1 (tức mùng 6 Tết Canh Tý) kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhân N.T.Tr có kết quả dương tính với vi rút nCoV.

 

Những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Tr. như bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Trịnh Thị Tuyết Lan, điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý… và các đồng nghiệp ban đầu cũng không khỏi lo lắng vì đây là ca bệnh nghi nhiễm vi rút nCoV đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá, hơn nữa đây là bệnh chưa có phác đồ điều trị, cũng chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu, số ca chết vì nCoV trên thế giới ngày càng tăng và tốc độ lây lan chóng mặt. Tuy nhiên, những lo lắng ban đầu cũng dần qua đi rất nhanh vì các y bác sĩ Khoa bệnh Nhiệt đới (trước đây là khoa Truyền nhiễm) xác định đây là nhiệm vụ, đặc thù là khoa chuyên thu dung, điều trị các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, là người đại diện thực hiện công việc thường ngày nên luôn sẵn sàng khi tiếp xúc, thu dung điều trị ca bệnh dù có thể bị lây nhiễm, đe dọa đến tính mạng. Bên cạnh đó các y bác sĩ cũng đã trải qua nhiều buổi tập huấn trước đó để tránh lây nhiễm cho bản thân đồng thời cũng ngay lập tức được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá cấp ngay 100 bộ quần áo bảo hộ… đã giúp họ yên tâm hơn trong “cuộc chiến” cam go này. 

Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới chia sẻ: Dù đã có kinh nghiệm “chiến đấu” với nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm, nhưng khi có ca bệnh đầu tiên liên quan đến vi rút nCoV đúng vào dịp Tết, chúng tôi không khỏi băn khoăn lo lắng, nhưng xác định mình không làm thì ai làm, nên chúng tôi đã động viên anh em trong khoa cố gắng, khắc phục khó khăn, tăng ca trực, tăng số lượng người đi làm. Từ 30 Tết đến nay, anh em trong khoa chia nhau trực chiến, điều trị cách ly cho 5 bệnh nhân, trong đó có 1 người dương tính với nCoV và 4 người khác nghi nhiễm nCoV, đồng thời khám chữa bệnh hàng ngày cho các bệnh nhân khác trong khoa với số lượng tăng đột biến khi có thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV. Có người chỉ cảm cúm bình thường cũng đến khám, thậm chí có người chỉ đi chơi Tết, gặp người Trung Quốc xong cũng đến khoa khám cho yên tâm…


Lạc quan như thế, nỗ lực “chiến đấu” với bệnh dịch nguy hiểm như thế, nhưng có những thời điểm cũng không khỏi chạnh lòng – điều dưỡng Nguyễn Thị Hường nhớ lại – chiều 30 Tết, bệnh nhân đầu tiên nghi nhiễm nCoV nhập viện, có lệnh triệu tập toàn khoa triển khai công tác phòng chống dịch, Ngay khi biết tin, người thân gọi điện bảo nên tạm thời “cách ly” với gia đình, chồng, con về nội, ngoại ăn Tết. Tối 30, hết ca trực về nhà, một mình thắp hương cúng Giao thừa rồi bóc tạm cái bánh chưng ăn cho đỡ đói. Lần đầu tiên trong đời đón giao thừa một mình, thấy lạc lõng ngay trong chính ngôi nhà của mình, nước mắt cứ thế trào ra.

 

Còn điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý, Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: Tiếp xúc với những ca bệnh truyền nhiễm là công việc thường ngày của chúng tôi nên khi tiếp xúc với những ca bệnh nguy hiểm, chúng tôi ý thức được và cố gắng bảo vệ cho bản thân, đồng nghiệp và gia đình. Tuy nhiên, vì những hiệu ứng nóng của dịch nCoV nên nhiều người đã lo lắng, tránh mặt, lo sợ mỗi khi gặp chúng tôi. Mấy ngày đầu cũng thấy buồn nhưng dần cũng quen. Và nghĩ, mình phòng tránh cho người nhà, người quen nên Tết này ngoài lên khoa thì cũng không đi đâu cả. Cố gắng phòng hộ tốt nhất khi tiếp xúc với bệnh nhân, khử khuẩn bản thân trước khi về nhà hoặc hạn chế tiếp xúc với bố mẹ già, con nhỏ vì sức đề kháng của họ yếu hơn mình…

Cũng chính điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân N.T.Tr đến mùng 3 Tết có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, mặt mũi bị sưng, sốt nhẹ… cũng lo bị phơi nhiễm và chị đã được làm các xét nghiệm cúm A, B với kết quả âm tính nên cũng đang rất lo lắng…

Và niềm vui vỡ òa khi bệnh nhân đầu tiên của Thanh Hoá nhiễm vi rút nCoV khỏi bệnh…

Sau 10 ngày “chiến đấu” với nCoV, ngày 3-2, niềm vui vỡ oà đến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, các y bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới và tập thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cùng với cả hệ thống y tế Thanh Hoá khi bệnh nhân đầu tiên của Thanh Hoá nhiễm vi rút nCoV đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV, và chính thức được xuất viện sau 10 ngày cách ly điều trị. Đến sáng 4-2, theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 4/5 bệnh nhân có yếu tố dịch tễ liên quan đến nCoV đang được cách ly tại Bệnh viện cũng đã được xuất viện về nhà.

 

Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết: Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi cố gắng tạo cho bệnh nhân tâm lý thoải mái, động viên, chia sẻ để bệnh nhân không vì lo sợ mà ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng là ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Trong những ngày qua, Bệnh viện đã sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị vật tư y tế cũng như tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế trong khoa về phác đồ chẩn đoán, điều trị; phối hợp với các đơn vị khác của ngành Y tế để giám sát các ca bệnh cũng như phòng ngừa, tránh lây lan trong cộng đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm điều trị thành công ca bệnh dương tính với vi rút nCoV, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, phải theo dõi, áp dụng tất cả kinh nghiệm điều trị lâm sàng để phát hiện, điều trị sớm. Trong đó cách ly sớm là vấn đề rất quan trọng trong điều trị nCoV và áp dụng phương pháp chăm sóc điều trị tích cực. Bệnh nhân nhiễm vi rút cấp tính nên nếu sức đề kháng kém thì sẽ khó khăn trong điều trị. May mắn thể trạng bệnh nhân N.T.Tr và 5 bệnh nhân còn lại đều tốt, không có bệnh mãn tính. Đây là những yếu tố thuận lợi dẫn đến việc điều trị thành công.

Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến cũng cho biết thêm: Chúng tôi luôn cố gắng để cho khu vực cách ly, phòng cách ly các bệnh nhân được thoáng khí. Bên cạnh đó hàng ngày đều hướng dẫn cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân rửa tay, súc họng giúp làm giảm lượng vi rút đang cư trú ở đường miệng. Chúng tôi luôn theo dõi tiến trình bệnh của bệnh nhân hàng ngày, hàng giờ cũng như theo dõi bằng các xét nghiệm để điều trị triệu chứng kịp thời. Trong phác đồ điều trị, chúng tôi cũng sử dụng kháng sinh để phòng chống bội nhiễm và không để xuất hiện những triệu chứng, biến chứng khác… Ngoài ra hướng dẫn bệnh nhân chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không kiêng khem, bổ sung thêm hoa quả tươi và uống sữa để nâng cao thể trạng cũng như sức đề kháng. Nhờ đó, sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã có những chuyển biến tốt. Các xét nghiệm lần 2 đã khẳng định bệnh nhân đã hoàn toàn âm tính với vi rút nCoV.

 

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Sỹ khẳng định: Từ khi tiếp nhận ca bệnh đầu tiên cho đến nay, dù chưa có kết luận bệnh nhân có mắc phải vi rút nCoV hay không, nhưng các bệnh nhân đều có yếu tố liên quan về mặt dịch tễ nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tập trung điều trị, áp dụng các biện pháp cách ly, phòng hộ cho nhân viên y tế và giám sát đối với những người có tiếp xúc với bệnh nhân. Đồng thời, Bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện trang thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế, thuốc, dịch truyền, hóa chất… để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan và tử vong do nCoV. Chúng tôi cũng có những khuyến cáo cho bệnh nhân, dù sức khoẻ đã ổn định, được ra viện nhưng sau khi về nhà vẫn phải ăn uống đầy đủ nhằm nâng cao sức đề kháng, tiếp tục điều trị cách ly tại nhà thêm một thời gian để sức khỏe tốt hơn. Người dân không nên quá lo lắng, nhưng tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh và cần tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như cán bộ y tế về vấn đề phòng lây nhiễm bằng cách không tham gia tụ tập đông người, khi tham gia hoạt động ở những nơi tập thể nên đeo khẩu trang, khuyến khích người dân đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi.

Có thể khẳng định, thời gian qua Thanh Hoá đã phản ứng nhanh, chủ động và hiệu quả trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm phổi cấp do vi rút nCoV. Tuy nhiên “cuộc chiến” với dịch bệnh nói chung và nCoV nói riêng không phải ngày một ngày hai là kết thúc. Trước họ – những “chiến binh” blouse trắng có thể sẽ còn xuất hiện nhiều ca bệnh mới, khó khăn hơn, nguy hiểm hơn và đằng sau họ là người thân, gia đình, nhưng trên tất cả, họ vẫn sẵn sàng tâm thế để lao vào những “cuộc chiến” mới, vì sức khỏe của nhân dân.

 

Tô Hà
Baothanhhoa.vn

Liên hệ nhanh