Túi giấy thay túi bóng
Mấy ngày nay, các nhà thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào sử dụng túi giấy đựng thuốc thay cho túi nilon bấy lâu nay vẫn dùng. Túi giấy được thiết kế đa dạng với nhiều kích cỡ khác nhau, đựng đủ số lượng thuốc được bác sỹ kê trong đơn.
Cẩn thận xem lại từng vỉ thuốc được kê theo đơn, ông Lê Văn Phú (50 tuổi, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) thích thú nói: “Tôi khá bất ngờ khi được bệnh viện phát thuốc đựng trong túi giấy thân thiện này. Nhìn chiếc túi giấy tôi cảm thấy rất hài lòng, vì chiếc túi này có thể tái sử dụng và quan trọng là nó phân hủy nhanh, ít ảnh hưởng đến môi trường so với túi nilon”.
Còn với bà Nguyễn Thị Ngà từ thị trấn Thường Xuân vào khám bệnh thoái hóa đốt sống cổ cũng rất thích thú khi được nhân viên cấp phát thuốc bằng túi giấy. Bà bảo, dù đã đi khám bệnh ở nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên được nhận thuốc bằng túi giấy. Giơ túi giấy đựng thuốc ra, bà Ngà vui vẻ nói: “Bao năm qua dùng túi nilon đã trở thành thói quen. Dù biết túi nilon rất có hại cho môi trường nhưng lại tiện lợi nên vẫn được nhiều người chọn dùng, nhưng nay bệnh viện đựng thuốc bằng túi giấy thì tốt quá rồi, từ nay mỗi lần đi khám bệnh tôi sẽ lại mang túi này đi để đựng thuốc để tránh lãng phí lại thân thiện”.
Tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, việc cấp phát thuốc đã được sử dụng túi giấy, thay cho túi nilon.
Không quá bất ngờ như nhiều bệnh nhân khác, chị Hoàng Thị Thu (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) tỏ ra bình thản khi nhận túi thuốc giấy từ nhân viên bệnh viện, bởi từ lâu chị đã có thói quen hạn chế dùng đồ nhựa, mang làn khi đi chợ. Ý thức được tác hại từ sản phẩm nhựa dùng một lần, trong sinh hoạt gia đình chị Thu rất hạn chế dùng nilon. Chị cho biết: “Thật tốt khi các cơ sở y tế tham gia tích cực vào việc giảm thiểu rác thải nhựa, chỉ tính riêng việc cấp phát thuốc của bệnh viện thì hàng ngày giảm thiểu ra môi trường hàng trăm túi nilon. Mình nghĩ việc làm nhỏ này cũng sẽ làm thay đổi nhận thức của mọi người về rác thải nhựa”.
Không chỉ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc đưa vào sử dụng túi giấy cũng đang được nhiều bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản… triển khai thực hiện. Theo chị Nguyễn Thị Hoa, thủ kho cấp phát thuốc ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì: “Túi giấy là một trong nhiều giải pháp mà bệnh viện đang triển khai nhằm góp phần chống rác thải nhựa. Trong thời gian đầu khi túi giấy chưa đáp ứng hết nhu cầu người bệnh thì nhân viên phát thuốc sẽ nhắc nhở người bệnh khi đi lấy thuốc nhớ mang theo túi giấy, túi vải cũng như ý nghĩa của nó để người dân dần thích nghi”.
Chống rác thải nhựa tại cơ sở y tế
Từ năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên – Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 58 quy định về quản lý chất thải y tế. Thực hiện thông tư này, hàng năm ngành y tế tổ chức tập huấn, tiến hành kiểm tra việc thu gom, quản lý chất thải rắn tại các cơ sở y tế. Cùng với hoạt động trên, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa bằng cách tổ chức phân loại rác đầu nguồn và xử lý đúng quy trình ở đơn vị.
Không chỉ thay túi nilon bằng túi giấy, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thì những chai nước suối đóng chai, ống hút nhựa, ly nhựa, hộp xốp… cũng dần vắng bóng mà thay vào đó là cốc thủy tinh, cốc sành, dùng lâu bền. Ban giám đốc bệnh viện yêu cầu lãnh đạo các khoa, phòng hạn chế và tiến tới không sử dụng nước đóng chai, các loại ống hút nhựa trong tất cả cuộc họp, hội thảo, sự kiện tổ chức tại bệnh viện. Việc cấp phát thuốc nội trú cũng không dùng túi nilon mà dùng hộp nhựa, sau khi dùng xong bệnh nhân trả lại cho bệnh viện. Những chiếc túi nilon khổng lồ phủ thùng rác được Ban giám đốc bệnh viện triệt để không sử dụng, rác tái chế được phân loại ngay từ đầu nguồn và đựng vào thùng nhựa cứng. Không chỉ quán triệt cho cán bộ và nhân viên bệnh viện, để giúp người bệnh hạn chế sử dụng rác thải nhựa thì bệnh viện cũng đã đầu tư hệ thống máy lọc nước, phục vụ nước uống tinh khiết, người nhà chỉ cần mang dụng cụ đựng lấy nước sử dụng.
Cửa hàng tiện lợi, nhà ăn tại bệnh viện cũng khuyến cáo thay túi nilon bằng túi vải, giấy đựng đồ. Đồng thời, bệnh viện cũng tuyên truyền đến người nhà bệnh nhân nên mang túi vải, giấy sử dụng khi đi mua sắm.
Khẩu hiệu “nói không với rác thải nhựa” đã góp phần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của nhân viên y tế và người bệnh ở các các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.