Những chuyển biến bước đầu trong sử dụng kháng sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2019.

DSCK1 Lê Doãn Hồng

Phó Trưởng khoa Dược


Thực trạng Kháng kháng sinh đang là một vấn đề mang tính toàn cầu. Sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn, hiệu quả trong các cơ sở y tế và cộng đồng hiện đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của ngành y tế.


Nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề này, Ban chấp hành Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa chủ trương định hướng bằng Nghị quyết số 17-NQ/ĐUBV ngày 28/02/ 2019  “Tăng cường giải pháp kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện giảm tỷ lệ sử dụng kháng sinh giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo”.


Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành đảng bộ Bệnh viện, Trong 6 tháng đầu năm 2019 tình hình sử dụng kháng sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Tổng chi phí sử dụng kháng sinh 6 tháng đầu năm 2019 giảm so với cùng kỳ năm 2018 là 3,5 tỉ đồng. Cơ cấu sử dụng kháng sinh trong 2 năm có sự tương đồng: Kháng sinh nhóm Cephalospirins, Penicilins và Fluoroquinolons là 3 nhóm kháng sinh có chi phí sử dụng nhiều nhất. Trong đó, chi phí sử dụng các Cephalosporins , các Penicilins có xu hướng tăng, còn các Fluoroquinolons có xu hướng giảm.

 

 

Biểu đồ cơ cấu tỉ lệ sử dụng các nhóm kháng sinh

Ở một số nhóm kháng sinh có sự thay đổi về chi phí sử dụng và tỉ lệ sử dụng kháng sinh giữa 2 năm. Trong đó, đáng chú ý là các kháng sinh nằm trong danh mục các kháng sinh cần phê duyệt trước khi sử dụng nằm trong Quy định 772/QĐ-BYT ngày 04/03/2016 có chi phí giảm rõ rệt. Cụ thể: Kháng sinh nhóm Carbapenem chi phí sử dụng giảm từ 720.176.841 triệu đồng xuống còn 503.826.625 triệu đồng; Kháng sinh Fosfomycin có chi phí giảm từ 522.393.000 giảm còn 184.937.500; Nhóm Colistin giảm chi phí từ 185.058.000 xuống còn 156.451.000.


Bên cạnh đó, nhóm kháng sinh Metronidazol có chi phí sử dụng năm 2018 cao bất hợp lí (1.761.146.700  triệu đồng) thì trong năm 2019 đã có chi phí sử dụng giảm xuống còn 476.962.848 triệu đồng.


Về Chi phí sử dụng tại các khoa lâm sàng có chuyển biến tích cực. Đa số giảm, và tăng nhẹ ở một số khoa đặc thù. Nhìn chung, chi phí sử dụng kháng sinh của các khoa khối ngoại vẫn chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi phí sử dụng kháng sinh toàn bệnh viện.

 


Có được kết quả như trên Bệnh viện đã thực hiện phối hợp của nhiều biện pháp can thiệp. Trong đó phải kể đến việc ban hành quy trình và danh mục kháng sinh cần phê duyệt trước khi sử dụng đầu năm 2019. Bước đầu thực hiện phân luồng sử dụng một số kháng sinh. Công tác dược lâm sàng thông qua duyệt bệnh án, hậu kiểm bệnh án phát hiện vấn đề can thiệp kịp thời cũng góp phần sử dụng kháng sinh hợp lí. Bên cạnh đó, thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế tại các quyết định số 708/QĐ-BYT ngày 02/3/2015 Về việc ban hành tài liệu chuyên môn Hướng dẫn sử dụng kháng sinh và Quyết định số 772/QĐ-BYT ngày 04/3/2016 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện quản lý kháng sinh trong bệnh viện, Nhóm quản lý sử dụng kháng sinh của Bệnh viện đã được thành lập theo Quyết định số 1476/QĐ-BVĐKT và Kế hoạch hoạt động năm 2019 số 1737/KH-BVĐKT với tiêu mục và thời hạn cụ thể.


Để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng kháng  sinh trong bệnh viện cần có sự phối hợp, chung tay, góp sức của tất cả các khoa, phòng, trung tâm trong đó đóng vai trò nòng cốt là nhóm quản lý sử dụng kháng sinh. Với mục đích phát huy sử dụng kháng sinh có chiều sâu trong thời gian tới thì cần phải thực hiện tốt những nội dung chính sau:

  • Ø Khắc phục khó khăn trong cung ứng, đảm bảo duy trì chủng loại, số lượng kháng sinh cần thiết phục vụ nhu cầu điều trị.
  • Ø Tiếp tục nghiên cứu phân luồng kháng sinh đặc thù phù hợp với từng khoa lâm sàng.
  • Ø Tăng cường thông tin thuốc đến cán bộ y tế (Bác sĩ, Dược sĩ, Điều dưỡng viên…) dưới nhiều hình thức: bài thông tin, báo cáo khoa học, hình ảnh đa dạng, sinh động.
  • Ø Thực hiện chuyên đề cụ thể thông qua số liệu tiêu thụ kháng sinh tại khoa phòng; công tác hậu kiểm, duyệt thuốc, duyệt bệnh án…phát hiện vấn đề trong sử dụng kháng sinh và có biện pháp can thiệp, đánh giá lại sau can thiệp.
  • Ø Phối hợp khoa vi sinh, tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lí dựa trên bằng chứng vi sinh (kháng sinh đồ, định danh vi khuẩn).
  • Ø Phối hợp với Tổ tin học trong việc xây dựng mẫu báo cáo, rút số liệu chính xác, đầy đủ phục vụ công tác theo dõi, phân tích, báo cáo, nghiên cứu khoa học./.

Liên hệ nhanh