Theo lệ thường, mỗi người khi viết di chúc thường mang theo tâm trạng buồn, bởi sự sống hữu hạn của một bản thể sắp hết và cái chết đang tới gần. Thế nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Di chúc để mừng ngày sinh nhật 75 tuổi, khi tinh thần của Bác vô cùng mẫn tiệp, tỉnh táo và biết rằng, mình đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”.
Lý luận là hạt nhân của tư tưởng trong Di chúc của Bác. Chỉ với gần 1.000 từ, Người đã thể hiện tầm cao tư tưởng của một lãnh tụ kiệt xuất – Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Bản Di chúc đã tổng kết lý luận và thực tiễn về cách mạng Việt Nam, về sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mà Người một đời gắn bó, dấn thân và dâng hiến.
Trả lời câu hỏi: “Đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của Chủ tịch?” của các nhà báo quốc tế, Người khẳng định: “Độc lập cho Tổ quốc tôi. Tự do, hạnh phúc cho dân tộc và đồng bào tôi. Đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”. Với câu trả lời này, Người đã lựa chọn và khẳng định một lẽ sống, một hệ giá trị cốt lõi của phát triển: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Bản Di chúc cũng cho thấy, linh cảm đã mách bảo Người không thể đợi đến ngày toàn thắng, thống nhất đất nước, dù niềm tin của Người là rất mãnh liệt. Người viết: “Nếu như tôi đã qua đời mà miền Nam vẫn chưa được giải phóng, thì xin gửi lại một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”. Gần 1.000 từ trong Di chúc không một lần nào Người nhắc đến cái chết, sự chết.
Mong muốn cuối cùng, cũng là tâm nguyện của Người là xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Đó chính là quan niệm của Người về chủ nghĩa xã hội Việt Nam mà Đảng ta đã tái hiện nguyên vẹn tư tưởng minh triết này trong Cương lĩnh của Đảng. Đó không chỉ là khoa học mà còn là đạo đức, là chất nhân văn trong tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh.
Minh triết Hồ Chí Minh trong Di chúc không chỉ thể hiện tư tưởng ở tầm cao thời đại mà còn kết tinh ở đạo đức trong sáng và cao thượng, ở phong cách giản dị, hài hòa, thấu lý, đạt tình; trọn tình, vẹn nghĩa của một con người chân – thiện – mỹ mang tên Hồ Chí Minh. Trí tuệ và đạo đức trong cuộc đời, sự nghiệp của Người là “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, sáng lập và rèn luyện Đảng trở thành một Đảng cách mạng chân chính.
Tinh thần và lời văn của Người trong Di chúc đã đem lại cho chúng ta thêm thấu hiểu về đạo đức của Đảng. Đó là đạo đức trong sạch, vẹn toàn, là sự chiến thắng chủ nghĩa cá nhân bằng sức mạnh tốt đẹp nhất của đạo đức cách mạng. Bởi thế, cả cuộc đời của Bác là cần lao tranh đấu, tận tụy hết mình; là thực hành tiết kiệm đến mức khắc khổ để nêu gương. Di chúc được viết trên mặt sau của một tờ Tin tham khảo, đựng trong một chiếc phong bì là biểu hiện rõ nhất.
Con người của Bác đã tỏa sáng như một tấm gương tới mức huyền thoại về “cần kiệm”, cũng là con người đạt đến mức lý tưởng của liêm chính. Mọi điều lớn, nhỏ đều vì dân, đặt việc dân, việc nước lên cao nhất. Sống như thế, nên dù có phải từ biệt thế giới này, trong lòng Bác không có điều gì phải hối hận.
Đạo đức cách mạng, chủ đề nổi bật trong Di chúc
Trong Di chúc, khi nhắc tới “Đảng cầm quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới 4 chữ “thật”: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Khi dặn dò về công tác xây dựng Đảng, Người nhấn mạnh: Ngay sau ngày cách mạng toàn thắng, việc đầu tiên phải làm là “tập trung chỉnh đốn lại Đảng”. Đó là tầm viễn kiến của Người, là dự báo chiến lược và trong đó có cả minh triết trực giác đầy mẫn cảm. Người cũng không quên căn dặn Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch, chính sách cụ thể, chủ động và chu đáo, tránh rơi vào bị động, thiếu sót và sai lầm để chăm lo cho cuộc sống của người dân sau chiến tranh. Người yêu cầu miễn thuế nông nghiệp cho bà con nông dân ngay sau khi giải phóng miền Nam, giáo dục cải tạo cho những người trong chế độ cũ, đưa họ về với cộng đồng trong tình đoàn kết, đồng thuận…
Minh triết của Người cũng thể hiện tầm dự báo tương lai từ quan điểm về đổi mới và hội nhập. Với tất cả sự nhạy cảm của một hiền nhân, Người biết rằng, đổi mới là thường xuyên và lâu dài, là một cuộc chiến khổng lồ chống lại những cái cũ kỹ, hư hỏng, lỗi thời, hướng tới tiến bộ, phát triển tốt đẹp. Vì thế, phải dựa vào dân, tập hợp dân thành phong trào, lực lượng để dân thực hiện.
Bản Di chúc cũng trù tính đến ngày thắng lợi. Người căn dặn: Phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, “đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu vĩnh biệt Người ngày 9-9-1969, có 5 lời thề thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trước anh linh Người.
Đó là: Nén đau thương biến thành sức mạnh, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa Nam – Bắc sum họp một nhà; Kiên trì lý tưởng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; Giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; Làm tất cả vì hạnh phúc của nhân dân; Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện học tập, làm theo đạo đức trong sáng mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 4 chữ “cần – kiệm – liêm – chính”. Cả 5 lời thề này đều được lấy từ nội dung của Di chúc.
50 năm đã trôi qua, trung thành vô hạn với Người, Đảng và nhân dân ta đã thực hiện xuất sắc những lời thề ấy, coi Di chúc là Quốc bảo, Quốc pháp; ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực trong sạch, để thực vững mạnh, xứng đáng là Đảng cách mạng chân chính, là đạo đức, là văn minh như Người chỉ dẫn và hằng mong…
Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo