Tập huấn hướng dẫn, chẩn đoán và xử trí phản vệ

Phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng tức thì nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong nhanh chóng trong vài giây đến một vài phút, tuy nhiên nếu được cấp cứu kịp thời, đúng cách thì  80 – 90% bệnh nhân sốc phản vệ sẽ được cứu sống.




Để nâng cao năng lực về xử trí phản vệ, giúp hạn chế tai biến, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do phản vệ ngày 01/03/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn thông tư TT51/2017/TT-BYT về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Với sự chủ trì của Bác sỹ CKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện, báo cáo viên là Thạc sĩ, Bác sĩ Mỵ Huy Hoàng – Trưởng khoa Tim Mạch và sự tham gia của đông đảo các Bác sĩ, Dược sĩ và Điều dưỡng của các Khoa, Phòng và Trung tâm của Bệnh viện. 

 

 

Nội dung lớp tập huấn bao gồm: Hướng dẫn chẩn đoán phản vệ, mức độ phản vệ, xử trí cấp cứu phản vệ, xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt, hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế, khai thác tiền sử dị ứng, mẫu thẻ theo dõi dị ứng, chỉ dẫn làm test da, quy trình kỹ thuật test da, sơ đồ chẩn đoán và xử trí phản vệ.

Đồng thời, các học viên đã nắm bắt được các điểm thay đổi cơ bản của Thông tư số 51/2017/TT-BYT so với Thông tư số 08/1999/TT-BYT như sau:

–         Phân loại phản vệ theo quốc tế có các mức độ I, II, III,

–         Sốc 2 pha được đưa vào Thông tư này theo khuyến cáo của quốc tế.

–         Chẩn đoán theo tiêu chuẩn của quốc tế.

–         Dấu hiệu chẩn đoán phản vệ viết ngắn gọn dễ hiểu, dễ chẩn đoán.

–         Thay đổi đường tiêm adrenalin mũi cấp cứu ban đầu từ tiêm dưới da sang tiêm bắp.

–         Khoảng cách giữa các mũi tiêm nhắc lại của adrenalin là từ 3-5 phút thay cho 15 phút của Thông tư 08/1999/TT-BYT.

–         Đối tượng được phép tiêm adrenalin cấp cứu ban đầu được mở rộng khi không có bác sĩ tại nơi xảy ra phản vệ.

–         Thử phản ứng với thuốc: Thông tư 08/1999/TT-BYT quy định thử phản ứng với penicilin và streptomycin tuy nhiên Thông tư này quy định bỏ thử phản ứng đối với tất cả các loại thuốc, chỉ thực hiện thử phản ứng đối với những người bệnh có tiền sử phản vệ với thuốc hoặc dị nguyên liên quan và nếu người bệnh có tiền sử phản vệ với nhiều dị nguyên khác nhau.

–         Hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế có sửa đổi, bổ sung.

–         Bổ sung xử trí phản vệ với các trường hợp đặc biệt như người đang dùng thuốc chẹn Beta, phản vệ với thuốc gây tê, gây mê, thuốc cản quang, phản vệ do gắng sức, phản vệ vô căn.

Qua buổi tập huấn, các học viên đã có thể nhận biết sớm các dấu hiệu phản vệ, biết xử lý cấp cứu ban đầu một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả bằng tiêm bắp thuốc adrenalin, cách theo dõi bệnh nhân sau sốc, các phương pháp xác định nguyên nhân và quản lý tư vấn cho bệnh nhân và gia đình cách phòng tránh./.

 

Liên hệ nhanh