Bệnh viện tuyến tỉnh làm chủ kỹ thuật cao

Tiến sĩ – bác sĩ (BS) Trương Thanh Tùng – Phó trưởng Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thanh Hóa – từng có 23 năm công tác tại BV 354 – Tổng cục Hậu cần. Năm 2014, biết BS Tùng có chuyên môn giỏi mà BV đang cần nên lãnh đạo BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã mời gọi ông về làm việc tại quê hương.


Ứng dụng phương pháp hiện đại, giảm đau cho bệnh nhân


Nung nấu ý định về phục vụ quê hương từ lâu nên BS Tùng đã đồng ý và làm đơn xin rời quân ngũ. Về BVĐK tỉnh Thanh Hóa chưa lâu nhưng ông đã thăm khám cho hàng ngàn lượt bệnh nhân và tham gia phẫu thuật cho hàng trăm người bị bệnh tiết niệu bằng các phương pháp tối ưu, hiện đại.


“Dù là người Thanh Hóa nhưng do đi học và làm việc ở Hà Nội từ rất sớm, người dân tới khám chữa bệnh trong quân đội cũng thân thiện nên khi về địa phương công tác, lúc đầu tôi thấy bất ngờ. Người dân quê tôi bộc trực và rất nóng tính. Nhiều lúc thấy cũng lo vì người nhà bệnh nhân cứ “sửng cồ” với BS. Thế nhưng, dần dần tôi cũng quen và bắt nhịp với môi trường mới” – BS Tùng nhớ lại.


Bệnh lý về đường tiết niệu có sỏi thận, khối u và các bệnh dị dạng đường tiết niệu. 70%-80% số ca này thuộc bệnh lý của sỏi tiết niệu. Trước đây, bệnh nhân thường phải được mổ phanh để chữa trị nên thời gian phục hồi lâu, dễ để lại các biến chứng không mong muốn. Khi về Thanh Hóa công tác, BS Tùng đã cho thực hiện nhiều phương pháp nội soi giúp cơ thể bệnh nhân ít bị xâm lấn, giảm các biến chứng. Hiện tỉ lệ các bệnh về thận phải mổ phanh chỉ còn 20%-30%.


Nói về các phương pháp hiện đại, BS Tùng cho biết cắt thận nội soi, cắt tuyến thượng thận nội soi, cắt bàng quang toàn bộ… đều là những ca phẫu thuật phức tạp, hầu hết chỉ tuyến trung ương mới làm được. Thế nhưng, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công và là một trong những BV tuyến tỉnh đi đầu về điều trị phương pháp này.


RẠNG DANH NGÀNH Y (*): Bệnh viện tuyến tỉnh làm chủ kỹ thuật cao - Ảnh 1.

Tiến sĩ – Bác sĩ Trương Thanh Tùng (bên phải) trong một ca phẫu thuật


RẠNG DANH NGÀNH Y (*): Bệnh viện tuyến tỉnh làm chủ kỹ thuật cao - Ảnh 2.

Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Lệnh Lương – Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh


Năm 2015, BVĐK Thanh Hóa còn táo bạo thực hiện việc tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (dùng ống luồn qua thắt lưng có kích cỡ 17-18 CH) cho bệnh nhân. Đây là phương pháp dùng máy định vị C-am (năm 2017 đã thay thế bằng máy siêu âm) để tìm vị trí viên sỏi rồi dùng lazer tán nhỏ qua lớp da. Cách điều trị này rất khó, ngoài BS có chuyên môn cao thì đội ngũ y, BS khác trong ca mổ cũng phải được đào tạo bài bản mới có thể thực hiện.


Nghiên cứu thành công bệnh sán lá gan


Công tác 32 năm tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, TS-BS Lê Lệnh Lương, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, được rất nhiều bệnh nhân yêu mến bởi luôn làm việc nhiệt tình, tận tâm.


Sinh ra và lớn lên tại vùng quê chiêm trũng xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, năm 1983, ông Lương tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội và tham gia phục vụ trong quân y 3 năm. Đến năm 1986, ông về BVĐK tỉnh Thanh Hóa, công tác liên tục tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho đến nay.


Trong 32 năm công tác, điều khiến BS Lương luôn trăn trở là việc chẩn đoán hình ảnh về bệnh sán lá gan thường cho kết quả sai thành bệnh u gan, dẫn đến phác đồ điều trị sai. Nhiều bệnh nhân bị chỉ định mổ để cắt bỏ khối u nhưng khi mổ ra thì không đúng bệnh.


“Từ năm 2011-2015, tôi bắt đầu nghiên cứu, theo dõi và lấy các mẫu xét nghiệm của 130 bệnh nhân có chẩn đoán u gan nhưng tôi chẩn đoán bị sán lá gan để gửi ra Hà Nội. Các chỉ số kiểm tra đều cho thấy bệnh nhân bị sán lá gan, sau đó được chỉ định dùng thuốc chính xác và đã khỏi bệnh. Công trình nghiên cứu của tôi sau này được GS – Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn ký sinh trùng Trường ĐH Y Hà Nội, đánh giá cao” – BS Lương kể.


Theo BS Lương, người dân sống ở vùng nhiệt đới hay ăn các loại rau sống (chủ yếu là rau thủy sinh). Đây là con đường lây bệnh chính dẫn tới bị sán lá gan. Người bị bệnh thường chán ăn, mệt mỏi, sút cân. Qua nghiên cứu của BS Lương và việc đầu tư máy móc hiện đại, bệnh nhân khi phát hiện bệnh gan không phải gửi mẫu ra Hà Nội mà có thể khám, xác định bệnh và điều trị ngay tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa.


“Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh đưa phong bì cảm ơn nhưng tôi không nhận. Biết được tính tôi nên người bệnh đều vui vẻ hài lòng. Có một nữ bệnh nhân mà tôi thấy nhớ nhất vì người này nhiều lần tìm cách cảm ơn nhưng tôi từ chối. Biết tôi là người mê cà phê, bà đã bảo con gái ở Tây Nguyên chọn loại ngon nhất tặng tôi. Mấy năm nay, năm nào tôi cũng nhận được cà phê bà tặng. Đó là những kỷ niệm khiến tôi thấy rất vui và yêu cái nghề đã chọn” – BS Lương bày tỏ.


Chuẩn bị ca ghép thận đầu tiên


Theo BS Trương Thanh Tùng, trong tháng 3-2018, dưới sự giúp đỡ của BV Việt Đức, BVĐK tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện ca ghép thận đầu tiên. BV đã cử 30 y, BS ra BV Việt Đức học tập.


Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh Thanh Hóa, cho biết những năm gần đây, BV đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ việc khám chữa bệnh cho người dân. Cùng với đó, BV luôn ưu tiên tìm kiếm những BS giỏi chuyên môn về làm việc. Tới đây, BV tiếp tục cử các BS, kỹ thuật viên đi đào tạo kỹ thuật về nhịp học (rối loạn nhịp tim) tại Viện Tim mạch quốc gia.


Bài và ảnh: TUẤN MINH
(http://nld.com.vn)

Liên hệ nhanh