Công tác xã hội trong Bệnh viện – Nơi nỗi đau được chia sẻ

Công tác xã hội (CTXH) được phát triển trên thế giới từ những năm cuối thế kỷ 19, đến nay đã trở thành ngành phổ biến ở nhiều nước, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của các quốc gia. Theo Hiệp hội CTXH thế giới, đây là ngành nghề “giúp cho con người phát triển đầy đủ, hài hòa hơn và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân”. Tại các nước phát triển, hầu hết các bệnh viện đều có phòng CTXH, đây là một trong những điều kiện được công nhận là hội viên của Hội các bệnh viện.

Nhân viên CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá hỗ trợ người bệnh đến KCB ngoại trú

 

Tại Việt Nam, ngày 25 tháng 3 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, đây được coi là nền móng đưa CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp, không những được nhà nước công nhận về mặt pháp lý mà còn được xã hội thừa nhận; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, công bằng và tiến bộ xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.

 

Trong lĩnh vực y tế, CTXH cũng được hình thành ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2514/QĐ-BYT ngày 15/7/2011 về việc phê duyệt đề án phát triển ngành CTXH trong y tế giai đoạn 2010-2020. Ngày 26/11/2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTXH trong bệnh viện. Có thể thấy, CTXH trong bệnh viện ngày càng được coi trọng, góp phần giải quyết những nhu cầu cần thiết trong chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng như làm gia tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.

 

 

Nhân viên CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá tiếp nhận ý kiến phản ánh người bệnh qua Tổng đài 19001536

 

Đánh giá cao vị trí, vai trò của CTXH trong Bệnh viện, từ năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã thành lập Tổ Công tác xã hội trực thuộc phòng Điều dưỡng. Sau một thời gian hoạt động, đến ngày 25 tháng 3 năm 2020, Tổ CTXH được tách ra và thành lập phòng CTXH. Từ đó đến nay, phòng CTXH đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đề xuất nhiều cải tiến nhằm nâng cao chất lượng hoạt động CTXH, khẳng định được vị thế, vai trò của hoạt động CTXH trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người bệnh tại Bệnh viện.

 

Thấu hiểu được những lo âu về bệnh tật và chi phí điều trị, suốt hơn 3 năm qua, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã kết nối các CLB Thiện nguyện, các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, nhân văn: vận động hỗ trợ về hiện vật hoặc chi phí điều trị cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, cắt tóc miễn phí, tặng quà và thăm hỏi bệnh nhân dip lễ tết, chương trình “Bữa cơm 0 đồng”, chương trình Phiên chợ 0 đồng, chương trình Tết trung thu cho các bệnh nhi; chương trình “Chuyến xe nghĩa tình”, “Tặng sách tiếp bước đến trường cho bệnh nhân nhi”, “Tủ sách cộng đồng”, tư vấn chế độ chính sách, truyền thông giáo dục sức khoẻ phòng tránh các bệnh lý thường gặp, chương trình khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí tại cộng đồng…

 

Hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh khám chữa bệnh

  

Tư vấn chế độ chính sách cho bệnh nhân

 

Thông qua các chương trình hỗ trợ người bệnh của phòng CTXH, mỗi tháng có hàng nghìn bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện được cung cấp các suất ăn sáng, ăn trưa miễn phí, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ các chuyến xe vận chuyển đi Trương ương hoặc về với gia đình, nhiều gia đình bệnh nhân vỡ oà trong hạnh phúc vì đã được hỗ trợ khoản viện phí mà không thể xoay xở được…. Hơn hết, đằng sau những suất cơm 0 đồng, chuyến xe nghĩa tình hay món tiền đóng viện phí được trao tặng là sự sẻ chia ấm áp, lời động viên tinh thần của các nhà hảo tâm, nhân viên CTXH, các y bác sỹ giúp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có thêm niềm tin vượt qua khó khăn chiến thắng bệnh tật.

 

 

 

Tổ chức các chương trình cắt tóc miễn phí

  

Cấp phát suất ăn miễn phí cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân

  

Tổ chức Chương trình “Phiên chợ 0 đồng” Tết nguyên đán Quý Mão

 

CTXH là một trong những lĩnh vực mang tính đặc thù và CTXH trong Bệnh viện lại càng đặc thù hơn bởi dù không khoác trên mình những chiếc áo blouse trắng cao quý nhưng sự hiện diện của Nhân viên CTXH lại gián tiếp chữa lành vết thương cho người bệnh, luôn mang đến cho người bệnh sự đồng cảm, yên tâm và cả những nụ cười hạnh phúc. Không những vậy, Nhân viên CTXH còn là cầu nối tình cảm giữa cán bộ y tế với người bệnh, giữa người bệnh với các nhà hảo tâm, hỗ trợ đắc lực trong công tác khám, chữa bệnh. Với người bệnh, nhân viên công tác xã hội là người bạn tinh thần, giúp họ hồi phục nhanh và sớm được ra viện, trở về với vòng tay ấm áp của người thân và gia đình.

 

Vì vậy, với những người làm CTXH trong Bệnh viện, chỉ có kiến thức thôi là chưa đủ, họ còn phải có cái tâm với người bệnh, với cộng đồng để có thể cống hiến hết mình…Bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành, hoạt động CTXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá nói riêng và hoạt động CTXH tại các cơ sở y tế nói chung rất cần các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội quan tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần góp phần tạo điều kiện và chăm sóc, hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế, phát triển hoạt động CTXH theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, phấn đấu trở thành một trong các đơn vị điển hình về tổ chức mô hình hoạt động CTXH chuyên nghiệp trong Bệnh viện, góp phần xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá là “Điểm đến của niềm tin và chất lượng”.

                                                                                 

   Bài và ảnh: Phòng CTXH

Liên hệ nhanh