Các bác sĩ khoa Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật chuyển vạt da có cuống mạch liền phục hồi ngón tay cái bị lóc toàn bộ da cho một nam bệnh nhân bị tai nạn lao động. Bằng việc áp dụng phương pháp điều trị này, ngón tay cái của bệnh nhân được bảo tồn và giữ nguyên các chức năng vận động thay vì phải cắt cụt như trước đây.
Sử dụng kỹ thuật chuyển vạt da có cuống bảo tồn ngón tay cái cho bệnh nhân
Bệnh nhân là anh T.Đ.T, 39 tuổi, là công nhân nhà máy sản xuất bao bì, cư trú tại xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Anh T. cho biết trong khi đang lao động, anh bị băng chuyền sản xuất bao bì cuốn vào ngón tay cái ở bàn tay phải. Tai nạn bất ngờ làm cho ngón tay cái của anh T. bị lóc toàn bộ da, chỉ còn trơ lại xương và chảy rất nhiều máu. Ngay sau đó, anh được người nhà đưa đến Bệnh viện gần nơi làm việc sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá điều trị.
Anh T. được chuyển về khoa Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá trong tình trạng ngón tay cái của bàn tay phải bị lột mất hết da, bao gồm cả mạch máu, dây thần kinh, chỉ còn gân và xương của ngón tay. Đây là trường hợp có vết thương khá nghiêm trọng, bệnh nhân có nguy cơ phải cắt cụt ngón tay rất cao để tránh nhiễm trùng, hoại tử gân, xương.
Tuy nhiên, việc cắt cụt ngón tay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống sau này của bệnh nhân vì ngón tay bị thương của anh T. là ngón tay cái của bàn tay phải, là ngón tay quan trọng nhất trong bàn tay vì nó chiếm tới 50% chức năng vận động. Việc khuyết đi ngón tay cái không chỉ gây khó khăn trong lao động và sinh hoạt hằng ngày mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân.
Chính vì vậy, sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất lựa chọn phương pháp phẫu thuật chuyển vạt da ở vùng khác trên cơ thể bệnh nhân sang phần ngón tay cái bị mất da. Bằng phương pháp này, các bác sĩ sẽ giữ lại ngón tay cái cho bệnh nhân, giúp bảo tồn khả năng vận động cho các ngón tay mà vẫn đảm bảo về mặt thẩm mỹ khuyết da cho người bệnh.
Vùng da được chọn để chuyển vạt cho bệnh nhân là vùng bẹn. Vùng vạt da này có nguồn cấp máu từ động mạch mũ chậu nông và động mạch thượng vị nông. Ưu điểm của vùng vạt này là nơi cung cấp nguồn chất liệu dồi dào, phù hợp với nhiều nơi nhận trên cơ thể và gây tổn thương rất ít tại nơi lấy vạt. Bên cạnh đó, do nơi cho vạt là vùng được giấu kín nên sẽ không ảnh hưởng đến thẩm mỹ cho người bệnh.
Hình ảnh ngón tay của bệnh nhân trước khi phẫu thuật
Theo đó, các bác sĩ đã tiến hành lấy vạt da vùng bẹn có cuống động mạch nuôi là động mạch mũ chậu nông chuyển sang che phủ và khâu vạt vào vùng da khuyết của ngón tay cái. Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, bệnh nhân tỉnh táo, hồi lưu máu vạt tốt.
Hình ảnh ngón tay của bệnh nhân sau khi được phẫu thuật ghép vạt da có cuống
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, vùng da khuyết được bồi đắp hồng hào, vết mổ khô. Bệnh nhân được xuất viện sau 10 ngày điều trị.
Ngón tay cái của bệnh nhân sau 10 ngày phẫu thuật
Ba tuần sau phẫu thuật chuyển vạt da, bệnh nhân tái khám theo hẹn để cắt cuống mạch. Hiện tại, bệnh nhân phục hồi gần như tất cả chức năng của ngón tay cái, có thể sinh hoạt và lao động bình thường.
Sau 3 tuần điều trị bệnh nhân tái khám, chức năng vận động của ngón tay cái gần như trở về bình thường
Bác sĩ Nguyễn Duy Quang, khoa Chỉnh hình – Bỏng, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân cho biết: “Phẫu thuật chuyển vạt được chỉ định cho các vết thương khuyết hổng phần mềm làm lộ những cấu trúc quan trọng như: xương, khớp, gân, mạch máu, thần kinh khi không có chỉ định sử dụng vạt xoay tại chỗ, ghép da kinh điển…, khuyết hổng xương hoặc phức hợp da – xương, da – cơ – xương…
Khi thực hiện kỹ thuật này, tùy thuộc vào mức độ tổn thương, các bác sĩ sẽ chuyển vạt da cân, vạt cơ, vạt da – cơ, vạt xương, vạt da – xương,…từ nơi cho đến nơi nhận trên cơ thể, mạch máu nuôi được cắt rời khỏi nơi cho và sau đó được nối với mạch máu ở nơi nhận để tái lập tuần hoàn trong vạt. Đây là phương pháp hiện đại, hiệu quả, khắc phục được những nhược điểm của các phương pháp phẫu thuật phục hồi có trước nó.
Tuy nhiên, phẫu thuật chuyển vạt là một kĩ thuật khó, phức tạp và chỉ được áp dụng ở các Bệnh viện có chuyên khoa sâu về tạo hình. Với việc áp dụng thành công kĩ thuật này sẽ là cơ hội cho người bệnh có các tổn thương về phần mềm, giảm bớt những biến chứng và di chứng, che phủ được những gân, xương, thần kinh, mạch máu bị lộ, phục hồi gần như hoàn toàn chức năng ban đầu và thẩm mỹ cho vùng tổn thương”.
Bác sĩ Nguyễn Duy Quang cũng khuyến cáo, để tránh các tai nạn đáng tiếc như với anh T. người dân nên mang các trang thiết bị bảo hộ và tuân thủ các quy trình khi tham gia lao động sản xuất.
Trường hợp không may gặp tai nạn lao động tương tự như anh T: Nếu phần da bị cắt lìa còn nguyên vẹn, rửa qua phần da bị cắt vào nước muối loãng để khử trùng, sau đó cho da vào băng gạc, tiếp theo cho vào túi nilon buộc kín và bỏ vào thùng nước đá ở nhiệt độ 4-5 độ C. Tránh để phần da bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá, vì nếu để lâu có thể gây bỏng lạnh. Đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt trong vòng 6 giờ đầu để việc ghép da có tỉ lệ thành công cao và phục hồi tốt.
Trường hợp bệnh nhân bị lột nát hoàn toàn da, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu kịp thời, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc các chất tẩy rửa đắp lên vết thương để tránh những tai biến không đáng có.
Bài và ảnh: Phòng CTXH