Trong cơn bĩ cực nhất của cuộc đời, anh N.V.T (*) nằm trên giường bệnh cận kề cái chết vì suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối mà đôi mắt ứa lệ, anh còn quá trẻ và có rất nhiều dự định chưa thực hiện được. Không chút do dự, chị gái của T đã tặng em trai một quả thận của mình với hy vọng trao em cơ hội được sống khoẻ mạnh, được tiếp tục viết thêm những ước mơ, hoài bão còn dang dở của tuổi trẻ.
Giờ đây, T. có một sức khoẻ bình thường vì trong cơ thể của anh có thêm một quả thận đang hoạt động rất tốt, được nuôi dưỡng bởi sự hy sinh và tình thương yêu thương vô hạn của chị gái mình. Chị gái của T. cũng hạnh phúc và mãn nguyện vì đã giúp em trai chia tay với căn bệnh hiểm nghèo mà cái chết luôn cận kề, ước nguyện em trai mình được sống khỏe mạnh đã thành sự thật. Câu chuyện về ca ghép thận thứ 19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là câu chuyện điển hình về phép màu kì diệu của cuộc sống, về lòng nhân hậu, về sự chia sẻ yêu thương của con người.
Các bác sĩ thực hiện lấy thận từ người chị gái
Anh N.V.T. (28 tuổi, cư trú tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) phát hiện suy thận mạn do viêm cầu thận từ tháng 12 năm 2021, thời điểm này anh đang làm công nhân xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Từ một nam thanh niên lao động khoẻ mạnh, anh sút cân nhanh chóng và rơi vào trạng thái lo lắng, hoảng loạn bởi vì không có sự bất hạnh nào hơn khi biết mình bị mắc căn bệnh không chữa khỏi được, cuộc sống sau này sẽ gắn liền với Bệnh viện và chiếc máy lọc máu chu kỳ. Điều trị một thời gian tại Hàn Quốc, thấy bệnh tình không ổn, sức khoẻ không đảm bảo, anh đã về Việt Nam. Anh T. cũng đến nhiều bệnh viện trên cả nước để chữa bệnh với mong muốn sức khoẻ của mình được cải thiện hơn.
Tuy nhiên, đến tháng 12 năm 2022, bệnh của anh tiến triển thành bệnh thận mạn giai đoạn 5 phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Sự thất vọng, chán nản bởi tâm trạng mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, anh T. dần kém tuân thủ điều trị, có những hôm đến ngày lọc máu mà anh không còn muốn đến bệnh viện, tâm lý buông xuôi. Vì vậy, gần đây anh bị suy tim, khó thở khi đi lại, ăn uống kém, chân tay sưng phù, cơ thể bị suy nhược. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá tư vấn ghép thận là phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất đối với anh tại thời điểm này.
Lần lượt các thành viên trong gia đình được bác sĩ tuyển chọn với hy vọng tìm được quả thận phù hợp với anh. Bố mẹ anh ai cũng mong mình được trao quả thận để cứu con trai. Trong quá trình sàng lọc người ghép cho anh, ê kíp các y bác sĩ ghép thận đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc vì trường hợp của anh khá đặc biệt. Bố mẹ hợp nhóm máu nhưng cả hai người đều không thể hiến thận cho anh. Không những vậy, tột cùng của sự đau khổ và thất vọng đó là trong quá trình sàng lọc hiến thận cho con trai, bố của anh T. được các bác sĩ phát hiện bị ung thư phổi đã di căn.
Quá đau buồn với hoàn cảnh trớ trêu của gia đình, anh T. rơi vào trạng thái tuyệt vọng, hai người đàn ông trụ cột chính trong gia đình đều mắc phải các căn bệnh vô phương cứu chữa. Bệnh tình của anh T. lại càng trở nên trầm trọng hơn.
Không đành lòng nhìn bố mẹ và em rơi vào tuyệt vọng, chị gái của anh T. (31 tuổi) mặc dù con còn nhỏ, hoàn cảnh gia đình cũng tương đối khó khăn, phải lam lũ vất vả hàng ngày để mưu sinh. Không chút đắn đo, người chị gái sẵn sàng hi sinh một phần cơ thể quý giá của mình hiến tặng cứu em trai.
“Cả gia đình, nhất là chồng tôi, đều ủng hộ tôi tặng một quả thận để ghép cho em”, người chị cho biết.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm sàng lọc, thật may mắn, thận của chị gái phù hợp để ghép cho T. Sau đó, cả hai chị em T. đều đã được khám, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng kỹ lưỡng cho ca đại phẫu.
Ngày 06/4 ê kíp ghép thận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành phẫu thuật ghép thận cho cặp ghép trên. Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, ca ghép đã thành công ngoài mong đợi.
BSCKII. Hán Thị Bích Hằng – Trưởng Khoa Nội thận – Tiết niệu thăm khám cho bệnh nhân trước khi ra viện
Sau ghép, sức khỏe của cả anh T. và chị gái đều tiến triển khá tốt. Người chị xuất viện sau mổ 1 tuần, sức khỏe ổn định. Anh T. được về nhà sau ghép gần hai tuần, quả thận mới hoạt động tốt, các chỉ số xét nghiệm của thận ghép trong giới hạn bình thường. Anh tiếp tục điều trị duy trì sau ghép và tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ.
Các bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng thuốc và chế độ ăn uống cho bệnh nhân sau khi ra viện.
Khi xuất viện, anh T. chia sẻ: “Tôi rất xúc động trước tình cảm của người thân trong gia đình và sự tận tụy của các y bác sĩ. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành gửi tới gia đình và các y bác sĩ, những người đã dành cho tôi trọn vẹn sự yêu thương. Thời gian trước và sau ghép thận là phần cuộc đời đáng nhớ nhất của tôi. Tôi sẽ luôn biết ơn những người đã cho tôi được một lần nữa sinh ra trong cuộc đời này.”
“Tôi cũng muốn nói lời cảm ơn đến người đặc biệt nhất cuộc đời mình, cảm ơn chị đã sẵn sàng chia sẻ một phần cơ thể cho em, cảm ơn anh rể đã đồng ý để chị hi sinh vì em. Cảm ơn chị đã cho em tiếp tục được sống một cuộc sống khoẻ mạnh”.
BSCKII Hán Thị Bích Hằng, Trưởng khoa Nội thận – Tiết niệu cho biết: “Là bác sĩ trực tiếp tuyển chọn người hiến, điều trị cho bệnh nhân trước, trong và sau ghép thận, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh đặc biệt. Cặp ghép thứ 19 để lại trong tôi rất nhiều cung bậc cảm xúc: về lòng nhân hậu, sự hy sinh, hy vọng rồi thất vọng tột cùng đan xen đến nghẹt thở… Đặc biệt từ hoàn cảnh gia đình đến khát khao được sống một cuộc sống bình thường của người bệnh. Sự đồng hành, quyết tâm đến cùng, còn một tia hy vọng cũng cố dành lại cho người thân của mình. Lòng nhân hậu, sự hy sinh vì người thân khiến con người ta không mảy may suy tính, sẵn sàng chia sẻ một phần sự sống của mình mà không màng đến tính mạng bản thân. Đây cũng là động lực, là sự động viên để những người làm ghép tạng chúng tôi có thêm “lửa” để hoàn thành nhiệm vụ của mình.”
Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu tiến bộ vượt bậc của Y học. Đáng tự hào hơn giờ đây bệnh nhân đã được ghép thận ngay tại tỉnh nhà. Đây là cơ hội tốt nhất đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không thể hồi phục. Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá, là phép màu kỳ diệu của cuộc sống giúp cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng có thêm cơ hội được sống bình thường, được tiếp tục những ước mơ còn dang dở.
Tuy nhiên, sau ghép thận, để thận ghép cũng như cơ thể được khỏe mạnh, bệnh nhân phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ: uống thuốc chống thải ghép đúng liều, đúng thời điểm, đồng thời bệnh nhân sẽ được tái khám định kỳ; theo dõi xét nghiệm nồng độ thuốc, chức năng thận và thăm khám lâm sàng để chắc chắn rằng thận ghép hoạt động bình thường; thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh…Nếu không sẽ gây thải ghép, nhiễm trùng, ngộ độc thuốc hoặc các biến chứng khác. BSCK II Hán Thị Bích Hằng chia sẻ thêm.
Hiện tại có gần 500 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo chu kỳ tại Trung tâm Thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh mệt mỏi và chi phí tốn kém. Vì vậy, việc duy trì, phát triển và làm chủ kỹ thuật ghép thận tại tuyến tỉnh sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn trở về với cuộc sống bình thường và lợi ích kinh tế hơn so với chạy thận nhân tạo.
Quý bạn đọc và nhân dân muốn được tư vấn và tìm hiểu kỹ hơn về hiến, ghép tạng, xin vui lòng liên hệ Phòng tư vấn và điều trị ghép thận, tầng 2 nhà A11, Khoa Nội thận – Tiết niệu hoặc gọi điện đến số điện thoại PGS.TS Trương Thanh Tùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp- Phó trưởng khoa Ngoại Tiết niệu (096.898.6898), số điện thoại BSCKII Hán Thị Bích Hằng – Trưởng khoa Nội thận – Tiết niệu (0912.395.798).
(*) Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.
Bài và ảnh: Phòng CTXH