Nhân kỷ niệm Ngày Thalassemia Thế giới, sáng 08/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khoẻ và thăm hỏi, động viên, tặng quà cho bệnh nhân mắc bệnh Thalassemia đang điều trị tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu của Bệnh viện.
Bệnh Thalassemia hay còn gọi là tan máu bẩm sinh được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Tại Việt Nam, hiện có khoảng trên 14 triệu người mang gen bệnh Thalassemia; trong đó có hơn 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Đáng lo ngại, trung bình mỗi năm, lại có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị Thalassemia. Hầu hết người bệnh tan máu bẩm sinh phải truyền máu, thải sắt định kỳ và điều trị biến chứng suốt đời tại bệnh viện. Căn bệnh đã gây ra rất nhiều gánh nặng về vật chất, ám ảnh về tinh thần cho người bệnh, nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh bằng các xét nghiệm tầm soát cơ bản, chi phí thấp.
Nhân kỷ niệm Ngày Thalassemia Thế giới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hoạt động truyền thông về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh, tư vấn xét nghiệm tầm soát cơ bản để phòng bệnh; đồng thời phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm tặng quà cho các bệnh nhân Thalassemia có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện.
Tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khoẻ về bệnh Thalassemia cho bệnh nhân
Đại diện Lãnh đạo Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Phòng Công tác xã hội và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuât và Thương mại Yến sào Xứ Thanh thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bệnh nhân mắc bệnh Thalassemia đang điều trị tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.
Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng kêu gọi, vận động và tổ chức các chương trình hiến máu tình nguyện để bổ sung nguồn máu dự trữ phục vụ cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, trong đó có các bệnh nhân Thalassemia.
Các cơ quan, doanh nghiệp tham gia hiến máu nhân đạo bổ sung vào nguồn máu dự trữ để phục vụ cấp cứu và điều trị
Để nỗi ám ảnh tan máu bẩm sinh không còn tiếp diễn, các bạn trẻ và những người trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động xét nghiệm gen bệnh càng sớm càng tốt. Người mang gen bệnh cần được tư vấn và quản lý nguồn gen để tránh sinh ra con bị bệnh thể nặng.
Các cặp đôi cùng mang gen đã kết hôn cần được tư vấn trước khi mang thai và thực hiện các biện pháp chẩn đoán trước sinh như chẩn đoán thai nhi hoặc chẩn đoán trước chuyển phôi (nếu cần thiết); Nếu người vợ đã mang thai cần sàng lọc trước sinh trong những tháng đầu nhằm phát hiện gen bệnh có thể có ở thai nhi và tư vấn, đình chỉ nếu phát hiện thai nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh mức độ nặng.