Thuốc lá là một trong những tác nhân hàng đầu gây ảnh hưởng đến sức khỏe và các bệnh liên quan đến phổi. Thế nhưng, hiện nay ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá của một bộ phận người dân chưa cao, gây khó khăn, thách thức cho cơ quan quản lý và các cấp chính quyền địa phương.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính, nan y, dù có thể phòng tránh được. Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.
Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, và tổn thất do cháy nổ vì hút thuốc lá.
Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5). Qua đó, kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; khuyến khích người nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp; đề cập đến mối liên hệ giữa thuốc lá và đói nghèo; bên cạnh đó kêu gọi người hút bỏ thuốc lá để dành chi cho thực phẩm…
Hơn hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật PCTHTL để bảo vệ chính bản thân cũng như cộng đồng, xây dựng môi trường sống văn minh, lành mạnh.
Phòng CTXH tổng hợp