Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tham gia báo cáo tại Hội nghị khoa học toàn quốc bệnh mạch máu Việt Nam lần thứ 2

 

Trong ba ngày, 02, 03, 04/6/2023, Hội nghị khoa học toàn quốc Bệnh mạch máu Việt Nam lần thứ 2 đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vinh dự có một bài báo cáo khoa học, góp phần tạo nên sự thành công của Hội nghị.

 

Ths.Bs. Nguyễn Văn Ngọc – Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trưởng nhóm can thiệp suy giãn tĩnh mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá trình bày báo cáo

 

Trong ba ngày diễn ra Hội nghị, đã có hơn 200 báo cáo chất lượng, các bài giảng trực tiếp, trực tuyến và các ca ghi hình của các Giáo sư, Bác sỹ, các chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành bệnh mạch máu trong nước và quốc tế. Chủ đề các bài báo cáo xoay quanh các nội dung thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh mạch máu về nội khoa, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, can thiệp, y học cổ truyền.

 

 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá vinh dự đóng góp một bài báo cáo tại hội nghị với chủ đề “Kết quả điều trị suy tĩnh mạch hiển lớn bằng năng lượng sóng tần số Radio tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa” do báo cáo viên Ths.Bs Nguyễn Văn Ngọc – Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trưởng nhóm can thiệp tĩnh mạch trình bày.

 

Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho các báo cáo viên

 

Chia sẻ bên lề Hội nghị, Ths.Bs. Nguyễn Văn Ngọc cho biết, Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính mặc dù không đe dọa trực tiếp tới tính mạng của bệnh nhân, song chúng cũng làm giảm chất lượng cuộc sống và khả năng sinh hoạt của người bệnh. Do đó, việc điều trị bệnh luôn được ưu tiên. Để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, từ tháng 3 năm 2021, ê kíp các bác sỹ chuyên ngành điện quang can thiệp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng kỹ thuật đốt nội mạch với 2 phương pháp là đốt bằng sóng cao tần RFA và đốt laze điều trị suy giãn tĩnh mạch.

 

Ths.Bs. Nguyễn Văn Ngọc chụp ảnh với PGS Nguyễn Hữu Ước chủ tịch hội mạch máu Việt Nam và Mr ThoMas giám đốc Metronic đến từ cộng hoà Pháp

 

Ưu điểm của kỹ thuật này là đảm bảo xâm lấn tối thiểu, hiệu quả tối đa, bệnh nhân không phải nằm viện, không có các biến chứng nặng nguy hiểm, vừa đảm bảo được tính thẩm mỹ, thời gian thực hiện được rút ngắn chỉ khoảng 1- 2 giờ đồng hồ, người bệnh không cần nằm viện có thể xuất viện ngay trong ngày, tiết kiệm chi phí điều trị. Từ khi triển khai đến nay, Bệnh viện đã điều trị hiệu quả cho hàng nghìn ca bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc cho nhóm bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch và tính đến thời điểm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá là một trong số rất ít các cơ sở tuyến tỉnh triển khai được kỹ thuật này.

 

 

Ths.Bs Nguyễn Văn Ngọc đang thực hiện 1 ca điều trị suy tĩnh mạch cho bệnh nhân

 

Hội nghị là cơ hội để các đại biểu tham dự được gặp gỡ, trao đổi và cập nhật chuyên môn với các chuyên gia về bệnh mạch máu ở trong nước và quốc tế nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị các bệnh về máu, từ đó giúp cho chuyên ngành bệnh mạch máu của Việt Nam ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu mới.

 

Bài và ảnh:
Phòng CTXH

Để lại một bình luận

Liên hệ nhanh