Sau 1 ngày bị đột quỵ phải cấp cứu, bà P.T.D, 58 tuổi, ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã tỉnh táo trở lại. Mặc dù việc nói chuyện vẫn còn chút khó khăn nhưng tình trạng của cơ thể bệnh nhân đã cải thiện rất nhiều.
Chân, tay và nửa người bên phải của bệnh nhân đã cử động trở lại được. Khi nghe tin mẹ bị đột quỵ, anh N.Đ.L, con trai của bệnh nhân D., đã vô cùng lo lắng vì từng chứng kiến người trong làng bị tàn phế do đột quỵ. Thế nhưng đến thời điểm này, nỗi lo ấy của anh đã được xóa tan: “Nhờ được can thiệp kịp thời, đúng thời điểm vàng của bệnh đột quỵ nên mẹ tôi đã hồi phục. Tay chân lại cử động lại được. Miệng cũng nói được, không đến mức bị ngọng lắm”.
Nhiều bệnh nhân phục hồi sớm, ít để lại di chứng nhờ được can thiệp điều trị đột quỵ kịp thời.
Bà D. chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cứu sống kịp thời nhờ ứng dụng kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire trong những năm qua.
Với tắc mạch máu não lớn, trước đây nếu chưa có tiêu sợi huyết thì tỉ lệ sau 3 tháng mà bệnh nhân có thể tự phục vụ được chỉ khoảng 20%. Khi triển khai tiêu sợi huyết lên một bậc nữa thì tỉ lệ này cải thiện lên một chút, khoảng 30% sau 3 tháng. Chỉ đến khi triển khai kỹ thuật lấy huyết khối màng trụ bằng dụng cụ cơ học thì thì tỉ lệ này được nâng lên tới hơn 50%.
Đây chính là niềm vui lớn nhất đối với bác sĩ Lường Hữu Dương, Trưởng đơn vị Đột quỵ, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Bác sĩ cho hay: “Thông thường, bệnh nhân bị đột quỵ nếu tắc mạch máu lớn thì triệu chứng lâm sàng rất nặng nề, liệt nửa người, hôn mê. Khi triển khai được kỹ thuật này thì sẽ nối dài thêm cánh tay cho bác sĩ điều trị trực tiếp như chúng tôi”.
“Thời gian là não”
Từng là một bác sĩ trực tiếp điều trị, trước đây, bác sĩ Hoàng Hữu Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đã phải chứng kiến nhiều câu chuyện buồn do bệnh nhân bị đột quỵ không được can thiệp kịp thời. Nhiều đêm anh đã trăn trở, phải làm thế nào để có thể cứu được thật nhiều bệnh nhân hơn nữa.
“Trước đây, người bệnh đến thường được điều trị bằng các phương pháp điều trị nội khoa. Vì vậy, tỉ lệ tử vong và tỉ lệ tàn phế của người bệnh là khá cao. Đây là bệnh cấp tính, khi tắc mạch máu não thì các vùng não sẽ bị tổn thương và tổn thương không hồi phục, bệnh nhân có thể liệt, rối loạn ý thức, sa sút trí tuệ. Đấy là một gánh nặng cho xã hội cũng là một khó khăn cho người bệnh cũng như trong chăm sóc y tế”, bác sĩ Trường cho hay.
Bác sĩ Hoàng Hữu Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Bác sĩ Hoàng Hữu Trường và các đồng nghiệp luôn tâm niệm một điều “thời gian là não”, thời gian chính là sinh mạng của bệnh nhân, do vậy anh đã không ngừng miệt mài nghiên cứu khoa học để tìm tòi, ứng dụng những phương pháp mới vào điều trị đột quỵ.
Sau thời gian nghiên cứu từ năm 2020, đến năm 2021, ứng dụng kỹ thuật “Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học vào điều trị cho nhân nhồi máu não cấp” của bác sĩ Hoàng Hữu Trường đã được đưa vào điều trị thường quy. Đây là một phương pháp có thể tái thông được các mạch máu lớn, bổ sung rất tốt cho những hạn chế của tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Cũng từ đây, những câu chuyện buồn đã giảm đi rất nhiều, thay vào đó là những nụ cười trên môi người bệnh.
“Người bệnh đến càng sớm càng có cơ hội cứu chữa thành công. Đây là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi các trang thiết bị hiện đại, bệnh viện cũng đã trang bị các trang thiết bị như máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp 32 lát cắt và hệ thống chụp mạch DSA. Đối với nhân lực cũng phải những người được đào tạo bài bản, đây là những người trình độ cao thì mới thực hiện được kỹ thuật này”, bác sĩ Trường chia sẻ.
Anh Đào
https://baomoi.com/