Tiếp nối những thành công trong nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, mới đây các bác sĩ khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện thành công ca can thiệp đặt stent graft cho bệnh nhân phình lớn động mạch chủ bụng, cứu bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong do vỡ túi phình.
Các y bác sĩ đang thực hiện một ca đặt stent graft cho bệnh nhân phình động mạch chủ bụng
Bệnh nhân là Nguyễn Xuân V. (59 tuổi, Thọ Bình, Triệu Sơn) tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc lào nhiều năm, cách vào viện 10 ngày bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau bụng vùng quanh rốn, sờ thấy có khối phình lớn cạnh rốn. Bệnh nhân đến khám và được nhập viện điều trị nội trú tại khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ phát hiện trên phim chụp cắt lớp 128 dẫy, bệnh nhân có khối phình động mạch chủ bụng với kích thước 63x 83mm, có xơ vữa dày 17mm, kèm phình động mạch chậu chung phải 22mm và động mạch chậu trái 27mm. Nhận định đây là khối phình lớn có nguy cơ vỡ rất cao và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời, các bác sĩ đã quyết định tiến hành đặt Stent Graft cho bệnh nhân.
Hình ảnh trên CLVT trước và sau khi can thiệp
Với kỹ thuật can thiệp đặt stent graft, các bác sĩ tiến hành thông qua động mạch đùi ở vùng bẹn để đưa các dụng cụ chuyên dụng trong lòng động mạch tiếp cận khối phình động mạch chủ bụng và thực hiện đặt Stent Graft tại vị trí tổn thương.
Sau 1 giờ can thiệp, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, hết triệu chứng đau bụng, đau ngực, huyết áp ổn định, nói chuyện, ăn uống, sinh hoạt bình thường, sờ thấy khối phình cạnh rốn đã nhỏ lại.
Sau 1 tuần theo dõi và điều trị theo phác đồ, kết quả chụp cắt lớp vi tính MSCT 128 lát cắt cho thấy Stent Graft đúng vị trí, không có rò cạnh Stent, sức khoẻ bệnh nhân hồi phục tốt và đã được ra viện ngày 12/6/2023.
Bác sĩ thăm khám và tư vấn các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân sau khi xuất viện
Ths.Bs. Lê Thế Anh – Trưởng khoa Tim mạch, trưởng kíp can thiệp cho biết: “Ở người Việt Nam, kích thước động mạch chủ bụng trung bình khoảng 18 mm (dưới 2 cm). Động mạch chủ có kích thước từ 3cm trở lên được chẩn đoán là phình và theo các nghiên cứu khi kích thước lớn hơn 5cm thì nguy cơ vỡ túi phình rất cao. Khi túi phình động mạch chủ vỡ, một lượng máu lớn sẽ chảy vào các khoang tự do trong ổ bụng, tỷ lệ tử vong gần như 100% do tình trạng sốc mất máu”.
Hiện nay có 2 phương pháp điều trị bệnh lý trên đó là phẫu thuật và đặt Stent Graft. Stent Graft là một dụng cụ bằng hợp kim có màng bọc, được đặt vào vị trí phình động mạch chủ giúp bảo vệ các túi phình và giúp cho động mạch chủ không bị vỡ, việc áp dụng kỹ thuật đặt Stent Graft trong điều trị bệnh lý động mạch chủ là một bước đột phá của nền y học hiện đại mang lại hiệu quả vượt trội, giúp rút ngắn thời gian điều trị. So với phương pháp phẫu thuật kinh điển, kỹ thuật đặt Stent Graft vào động mạch chủ là kỹ thuật ít xâm lấn, thời gian thực hiện kỹ thuật ngắn (chưa đến 1 giờ), chỉ 2-3 ngày sau can thiệp bệnh nhân đã có thể xuất viện. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả đối với bệnh nhân cao tuổi và có nhiều yếu tố nguy cơ khi thực hiện phẫu thuật.
Bác sĩ Lê Thế Anh cũng lưu ý, đối với bệnh nhân sau khi thực hiện thủ thuật đặt Stent Graft, cần uống thuốc, thực hiện thay đổi lối sống theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám theo lịch hẹn, thông thường sau 1 tuần xuất viện và tái khám sau 1-3-6-12 tháng để được theo dõi, đảm bảo mạch máu lưu thông ổn định, không bị rò hay tắc…
Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã triển khai kỹ thuật đặt Stent Graft trên bệnh nhân phình động mạch chủ từ năm 2021 với đội ngũ phẫu thuật viên chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã trang bị hệ thống máy móc hiện đại như: máy chụp CT 128 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ thế hệ mới; máy siêu âm tim, siêu âm mạch máu dựng hình ảnh 4D, hai hệ thống máy DSA…từ đó giúp các bác sĩ tầm soát, chẩn đoán chính xác, can thiệp kịp thời và điều trị hiệu quả các bệnh lý về tim mạch, mạch máu, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu ngay tại tỉnh nhà.
Bài và ảnh:
Phòng CTXH