Tiếp nối những thành công trong việc ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong điều trị các bệnh lý tim mạch, mới đây Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã triển khai thành công kỹ thuật triệt đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần sử dụng hệ thống lập bản đồ 3 chiều giải phẫu điện học buồng tim cho 2 bệnh nhân bị rung nhĩ mãn tính. Đây là 2 bệnh nhân đầu tiên được điều trị triệt để rung nhĩ nhờ việc ứng dụng và triển khai kỹ thuật cao, chuyên sâu về chuyên ngành điều trị rối loạn nhịp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá .
Ê kíp các bác sỹ tại Đơn vị Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện kỹ thuật triệt đốt rung nhĩ bằng sóng radio sử dụng hệ thống lập bản đồ 3D cho bệnh nhân Lê Trạc M.
Bệnh nhân thứ nhất là Lê Trạc M. (61 tuổi, Xuân Thịnh, Triệu Sơn) có tiền sử suy tim, huyết áp cao, đã từng thăm khám điều trị rung nhĩ ở các Bệnh viện lớn trên cả nước, dùng thuốc nhưng không cải thiện. Bệnh nhân nhập viện tại Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với các biểu hiện lâm sàng như: Tức ngực, khó thở, hồi hộp, trống ngực, nhịp tim đo được không đều 130-140 nhịp/phút. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị rung nhĩ dai dẳng (thời gian mắc trên 1 năm).
Bệnh nhân thứ 2 là Trịnh Xuân T. (47 tuổi, thành phố Thanh Hóa) có tiền sử rung nhĩ mãn tính đang điều trị thuốc chống đông, thỉnh thoảng có cơn hồi hộp đánh trống ngực, mỗi cơn kéo dài 15 – 30 phút rồi tự hết. Gần đây, bệnh nhân liên tục xuất hiện cơn hồi hộp, khó thở với tần suất dày hơn và không tự hết nên đã đến khám, nhập viện tại khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị rung nhĩ kịch phát, tăng huyết áp động mạch phổi thứ phát, xơ vữa động mạch vành, tăng áp lực động mạch phổi.
Sau khi hội chẩn và đánh giá kỹ lưỡng tình trạng bệnh của bệnh nhân, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 14-7-2023 ê kip các bác sỹ Đơn vị Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện triệt đốt rung nhĩ cho cả 2 bệnh nhân bằng năng lượng sóng tần số radio sử dụng hệ thống lập bản đồ 3D giải phẫu, điện học buồng tim.
Hình ảnh 3D các buồng tim rõ nét xác định được chính xác các vị trí cần can thiệp.
Để thực hiện can thiệp, các bác sĩ mở đường vào mạch máu nhỏ ở đùi bệnh nhân, đưa dụng cụ chuyên biệt lên buồng tim. Dưới sự trợ giúp của hệ thống lập bản đồ giải phẫu điện học 3D, bác sỹ nhanh chóng dựng bản đồ điện học cũng như giải phẫu cấu trúc buồng tim, xác định được chính xác các vị trí cần can thiệp. Sau đó sử dụng năng lượng sóng có tần số radio đốt xung quanh và cô lập các tĩnh mạch phổi (nguồn gốc sinh ra cơn rung nhĩ) một cách nhanh chóng và chính xác.
Sau hơn 5 giờ thực hiện can thiệp, cả 2 bệnh nhân đã chuyển về nhịp xoang hoàn toàn, tần số khoảng 90 nhịp/phút, không còn các triệu chứng hồi hộp, trống ngực, khó thở, tại vị trí mở đường vào động mạch đùi không đau, không chảy máu.
Cả 2 bệnh nhân tiếp tục được theo dõi thêm 1 tuần sau can thiệp tại khoa Nội Tim mạch. Quá trình theo dõi cho thấy cả 2 bệnh nhân không tái phát cơn rung nhĩ, cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều so với trước. Ngày 21-7, tình trạng cả 2 bệnh nhân ổn định nên đã được xuất viện và sẽ được các bác sỹ tiếp tục theo dõi, tư vấn trong thời gian tiếp theo.
BSCKII. Trịnh Đình Hoàng – Phó trưởng khoa Tim mạch, thăm khám cho bệnh nhân trước khi ra viện
Ths.Bs. Lê Thế Anh – Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Rung nhĩ là rối loạn nhịp thường gặp, tăng dần tỉ lệ mắc ở người cao tuổi. Một số trường hợp rung nhĩ giai đoạn sớm không có triệu chứng rõ ràng, chỉ tình cờ được phát hiện khi thăm khám sức khỏe, khi người bệnh có dấu hiệu hồi hộp, trống ngực, tức ngực, khó thở, suy tim, đột quỵ… có thể bệnh đã tiến triển”.
Trước đây bệnh nhân rung nhĩ thường được điều trị bằng thuốc nhằm giúp kiểm soát nhịp tim hoặc thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ hình thành huyết khối. Trường hợp điều trị nội khoa không đạt hiệu quả, hoặc bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể được can thiệp bằng sốc điện. Tuy nhiên, phương pháp này không điều trị triệt để, tỷ lệ tái phát bệnh trong năm đầu rất cao. Việc dùng thuốc kéo dài có nhiều tác dụng phụ như: rốiloạn nhịp thất, rối loạn chức năng tuyến giáp, chức năng sinh dục, chức năng đông máu…
Phương pháp điều trị rung nhĩ bằng sóng tần số radio với hệ thống lập bản đồ điện học 3D dẫn đường giúp xác định chính xác vị trí cần can thiệp, điều trị rung nhĩ triệt để, duy trì nhịp tim ổn định lâu dài, tỷ lệ tái phát thấp. Đặc biệt, phương pháp này giảm tối thiểu thời gian sử dụng tia X, tránh ảnh hưởng cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Đây là thủ thuật ít xâm lấn, thời gian nằm viện ngắn, tỷ lệ thành công cao, đặc biệt với người trẻ tuổi bị rung nhĩ, tỷ lệ thành công lên tới 95%.
“Tuy nhiên, để triển khai được kỹ thuật này các bệnh viện phải đảm bảo hệ thống trang thiết bị rất hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, cần có các thủ thuật can thiệp khá phức tạp như chọc vách liên nhĩ, dựng bản đồ điện học 3D buồng tim…, do vậy kỹ thuật này mới chỉ được triển khai ở một số Trung tâm Tim mạch trên thế giới và số ít các Bệnh viện tuyến Trung ương. Hôm nay, chúng tôi rất tự hào, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là Bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên triển khai kỹ thuật lập bản đồ điện học 3D điều trị rung nhĩ, đây được xem là dấu mốc lịch sử trong tiến trình ứng dụng và phát triển các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo trong điều trị các bệnh lý tim mạch phức tạp”. Ths.Bs. Lê Thế Anh cho biết thêm.
Qua hai trường hợp trên, Th.Bs Lê Thế Anh khuyến cáo: “Rung nhĩ là một bệnh lý khá nguy hiểm và ít các phương pháp điều trị triệt để, các nghiên cứu cho thấy rung nhĩ là nguyên nhân tăng nguy cơ đột quỵ não 5-7% mỗi năm, bệnh nhân suy tim kèm theo rung nhĩ tăng nguy cơ tử vong lên đến 34-35%. Vì vậy, người dân cần thường xuyên kiểm tra khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để tầm soát phát hiện sớm và điều trị kịp thời những bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là các rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, giúp bảo vệ trái tim của chúng ta khỏe mạnh”.
Bài và ảnh: Phòng CTXH