Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh và chi phí điều trị. Nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc lựa chọn kháng sinh trong nhiễm khuẩn bệnh viện, chiều ngày 03-8-2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp sử dụng kháng sinh trong nhiễm khuẩn Bệnh viện”.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo được tổ chức trực tiếp dưới sự chủ trì của BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện, các báo cáo viên: TS. Phạm Đăng Hải – Phó khoa HSTC Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bác sĩ Phan Thị Thanh Vân – Quản lý Y khoa Công ty GSK cùng đông đảo các bác sĩ, dược sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
BSCKII. Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện phát biểu khia mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, BSCKII Lê Văn Sỹ nhận định kháng thuốc kháng sinh tiếp tục là vấn đề khủng hoảng trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh lây truyền qua đường tình dục hay nhiễm khuẩn bệnh viện có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao, rất khó kiểm soát do tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.
“Có nhiều nguyên nhân gây kháng thuốc. Theo chọn lọc tự nhiên, vi khuẩn có thể biến đổi để có thể sinh tồn bằng các cơ chế đề kháng khác nhau. Tiếp đó là việc sử dụng quá mức kháng sinh trong bệnh viện, kê đơn kháng sinh không phù hợp hoặc tự ý sử dụng kháng sinh. Ngoài ra, sử dụng quá mức các chất tẩy rửa, diệt khuẩn cũng làm thay đổi mô hình về vi khuẩn, làm xuất hiện thêm nhiều vi khuẩn đa kháng. Do đó lựa chọn kháng sinh trong kỷ nguyên vi khuẩn đa kháng thuốc là vấn đề mang tính cấp thiết”, BSCKII Lê Văn Sỹ nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe Ths. BS. Lâm Tiến Tùng – Trưởng Khoa Cấp cứu – HSTC2, BVĐK tỉnh Thanh Hóa trình bày về các ca lâm sàng về nhiễm khuẩn bệnh viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; TS. Phạm Đăng Hải – Phó khoa HSTC Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trình bày báo cáo: “Sử dụng kháng sinh trong kỷ nguyên vi khuẩn đa kháng”; BS. Phan Thị Thanh Vân – Quản lý Y khoa Công ty GSK trình bày báo cáo: “Quản lý Hen và Bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính trong thực hành lâm sàng”.
Phạm Đăng Hải – Phó khoa HSTC Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trình bày báo cáo
Với bài báo cáo về “Sử dụng kháng sinh trong kỷ nguyên vi khuẩn đa kháng”, TS. Phạm Đăng Hải đã có những phân tích, chia sẻ xoay quanh chủ đề phân loại kháng sinh và cơ chế kháng kháng sinh của vi khuẩn và điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm.
Dựa trên kinh nghiệm thăm khám và điều trị, TS. Phạm Đăng Hải cho rằng việc lựa chọn kháng sinh cần dựa vào vị trí nhiễm khuẩn, phân tầng nguy cơ, dữ liệu vi sinh tại chỗ…và phài tuân thủ nguyên tắc 4D trong điều trị: chọn đúng kháng sinh theo phổ tác dụng và vị trí nhiễm khuẩn, phối hợp kháng sinh hợp lý, liều dùng/chế độ liều phù hợp (PK/PD); việc điều chỉnh kháng sinh phải tuân theo kết quả của kháng sinh đồ (nếu có); để tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh, giảm tác dụng phụ tiềm ẩn cần cân nhắc đến liệu pháp xuống thang khi đã có kết quả kháng sinh đồ và lâm sàng đáp ứng tốt.
Bên cạnh đó, TS. Phạm Đăng Hải cũng có những chia sẻ quan trọng về chủ đề “Cập nhật điều trị nhiễm gram âm đa kháng theo IDSA 2023”. Đây là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm nhất trong số các vi khuẩn, với tỉ lệ biến chứng và tỉ lệ tử vong cao, gây gánh nặng chi phí điều trị đối với người bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nhiễm khuẩn gram âm cần được ưu tiên hàng đầu trong việc điều trị, ngăn ngừa và phòng bệnh. Trong đó nhóm vi khuẩn đa kháng nguy hiểm nhất (tính đến năm 2017) vẫn là Acinetobacter baumannii, Pseudomonas aeruginosa, enterobacteriaceae,…
Qua thực tiễn điều trị, TS. Phạm Đăng Hải cũng dẫn chứng một số kinh nghiệm sử dụng kháng sinh với từng loại bệnh cụ thể như nhiễm trùng Hệ tiết niệu, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng liên quan thở máy…
Tại phần thảo luận, các đại biểu tham dự đã sôi nổi trao đổi những thắc mắc và bàn luận xung quanh các chủ đề về các tình huống cần phối hợp kháng sinh, thực hiện xuống thang kháng sinh như thế nào là hợp lý, các giải pháp kháng sinh hợp lý trong nhiễm khuẩn bệnh viện…
Những thông tin được cung cấp và chia sẻ tại Hội thảo rất hữu ích cho các bác sĩ trực tiếp tham gia công tác khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại Bệnh viện.
Bài và ảnh: Phòng CTXH