Quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Thanh luôn có sự đồng hành của ngành y tế với nhiều dấu ấn và những thành tựu đáng tự hào. Thành tựu ấy gắn với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đã và đang góp phần tích cực đưa y tế trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh.
Sử dụng kính vi phẫu trong phẫu thuật chi thể đứt rời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Nỗ lực vì sức khỏe người bệnh
Hiện nay, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, giúp cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân trở nên thuận lợi hơn. Mạng lưới KCB phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu.
Giai đoạn 2021-2023, ngành đã phê duyệt bổ sung 1.157 kỹ thuật vào KCB tại các tuyến. Trong đó có một số kỹ thuật cao như: điều trị các bệnh lý tĩnh mạch bằng năng lượng sóng có tần số Radio (RF), ECMO; PT cắt thanh quản toàn phần điều trị ung thư thanh quản T3T4; điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; xét nghiệm Xpert Xpress SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Phổi; xét nghiệm định lượng kháng thể kháng CARDIOLIPIN IgM và CARDIOLIPIN IgG trên máy LIAISON, sàng lọc kháng thể bất thường trên GELCARD tại Bệnh viện Nhi; chụp và nút mạch điều trị u gan số hóa xóa nền, chụp và nút mạch điều trị u xơ tử cung số hóa xóa nền, chụp cộng hưởng từ tầng trên ổ bụng có khảo sát mạch các tạng (bao gồm mạch: gan, tụy, lách và mạch khối u) tại Bệnh viện Ung bướu… Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên kỹ thuật cắt gan tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa đã thực hiện thành công trên cơ sở nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương đầu tư hệ thống xét nghiệm đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Tô Hà
Công tác chuyển giao kỹ thuật điều trị chuyên sâu cho tuyến dưới tiếp tục được triển khai, thông qua hướng dẫn từ các bệnh viện chuyên khoa cho các bệnh viện vệ tinh. Đồng thời, tăng cường triển khai hội chẩn, tư vấn, các khóa đào tạo tại bệnh viện đa khoa cho bác sĩ trạm y tế xã. Hiện, 4 bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao 17 kỹ thuật mới cho bệnh viện đa khoa 12 huyện; 13 bệnh viện tuyến tỉnh đã kết nối KCB từ xa với tuyến trên và hỗ trợ tuyến dưới; 100% bệnh viện các tuyến đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); 100% các bệnh viện đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…
Ngành cũng tiếp tục áp dụng công cụ quản lý, đo lường chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế ban hành và lựa chọn các vấn đề ưu tiên, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng KCB qua các năm. Kết quả đánh giá của Sở Y tế hằng năm, chất lượng bệnh viện trong tỉnh đều tăng qua các năm, điểm trung bình năm 2021 là 3,15/5 điểm, năm 2022 là 3,27/5 điểm, trong đó các tiêu chí hoạt động chuyên môn, hoạt động cải tiến chất lượng và hướng đến người bệnh, đều tăng đáng kể.
Các bệnh viện cũng thành lập thêm phòng quản lý chất lượng để nâng cao chất lượng bệnh viện các tuyến; thành lập các phòng/tổ công tác xã hội, tổ chăm sóc khách hàng để hỗ trợ hướng dẫn người dân đến KCB; thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, cải cách thủ tục hành chính rút ngắn thời gian chờ đợi và hỗ trợ thông tin cho người bệnh sau khi ra viện. Đến nay đã có 36/38 bệnh viện công lập thành lập phòng/tổ công tác xã hội với 242 cán bộ. Các cơ sở KCB tiếp tục đổi mới phong cách, nâng cao y đức và giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế; đẩy mạnh các hoạt động “chăm sóc khách hàng” nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh, người thân trong quá trình thực hiện KCB…
Nỗ lực để tạo đột phá
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định y tế là một trong những trụ cột tăng trưởng. Trong đó, mục tiêu hướng đến là xây dựng hệ thống dịch vụ y tế phục vụ tốt nhất cho người dân trong tỉnh và khu vực lân cận, trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Cho trẻ uống Vitamin A tại phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa).
Nửa nhiệm kỳ qua, ngành y tế đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực KCB và khẳng định là một trụ cột tăng trưởng của tỉnh. Theo đó, có 2/13 chỉ tiêu đạt mục tiêu của Chương trình nâng cao chất lượng y tế giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình) trước hạn (tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm đạt dưới 1%; duy trì tỷ lệ 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn). Có 11/13 chỉ tiêu đang thực hiện theo mục tiêu của Chương trình: số giường bệnh/vạn dân (không bao gồm giường bệnh trạm y tế xã) đạt 37,5 giường bệnh; số bác sĩ/vạn dân đạt 11,7 bác sĩ; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 85,7%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 98%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đạt 80%; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe (bằng sổ sức khỏe điện tử) đạt 74,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi đạt 13,5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,2%… Đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Lão khoa; mở rộng, hiện đại hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trở thành bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế; nâng cấp 4 bệnh viện (Mắt, Ung bướu, Nội tiết, Đa khoa khu vực Ngọc Lặc) thành bệnh viện hạng I. Kết quả, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc thành bệnh viện hạng I.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Với nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng cao, ngành y tế xác định cần phải có những bước đột phá, nhằm tạo cầu nối cho giai đoạn phát triển mới. Trong thời gian tới, ngành tập trung phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động y tế, phấn đấu các dịch vụ y tế tiệm cận với khu vực Đông Nam Á. Theo đó, ngành tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng công tác dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật để giảm biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống; đẩy mạnh việc ứng dụng phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa tuyến huyện; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; nghiên cứu triển khai ứng dụng các kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu, nâng cấp phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đạt tiêu chuẩn “Phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III” nhằm phát hiện sớm các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi…
Cùng với đó, ngành tiếp tục xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực y tế trình độ cao; chú trọng phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng; tăng cường nhân lực y tế cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và khu vực nông thôn một số chuyên khoa; phấn đấu tiến tới đạt cơ cấu hợp lý giữa bác sĩ và điều dưỡng, kỹ thuật viên… bảo đảm cân đối giữa đào tạo và sử dụng hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số. Đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ tài chính; nâng cao năng lực quản lý và thực hiện chính sách y tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình chuyển đổi số và Đề án 06…. Huy động các nguồn lực để đầu tư cho y tế, khuyến khích xã hội hóa y tế và đầu tư y tế tư nhân; tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao và trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển y tế chuyên sâu… Từ đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, mà còn có thể tạo ra nhiều điều kỳ diệu trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Bài và ảnh: Tô Hà BTH