Mái nhà chung của bệnh nhân tan máu bẩm sinh

Nếu ví bệnh viện là ngôi nhà thứ hai của bệnh nhân tan máu bẩm sinh, thì những y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chính là những người thân trong ngôi nhà ấy. Nhận thức được điều đó, bệnh viện và các y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế không chỉ nỗ lực điều trị, chăm sóc bệnh nhân tan máu bẩm sinh mà còn triển khai nhiều hoạt động nhằm động viên tinh thần, mang đến niềm vui cho những mảnh đời kém may mắn ấy.

Bệnh nhân nhi tan máu bẩm sinh đọc sách tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu.

Có mặt tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) vào một buổi chiều, tôi có dịp được hòa mình vào Câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật sáng tạo của những bệnh nhân nhi. Khoác trên mình chiếc áo bệnh nhân, thân hình nhỏ bé, nước da xanh tái song trong đôi mắt của các bé ánh lên niềm vui khi được thể hiện đam mê, sở thích của mình. Em Phạm Bình An, 8 tuổi, ở xã Mỹ Tân (Ngọc Lặc) đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu chia sẻ: “Em rất vui khi được cầm bút vẽ. Tháng nào điều trị đúng đợt CLB hoạt động, được tham gia vẽ cùng các bạn em rất vui. Em được các cô giáo dạy cách vẽ, được vẽ những gì mình yêu thích, được trò chuyện, giao lưu cùng các bạn”.

Có lẽ, đó không chỉ là niềm vui của bé Bình An mà là niềm vui chung của những bệnh nhân nhi mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh. CLB nghệ thuật sáng tạo được thành lập từ tháng 3-2023 nhằm xoa dịu nỗi đau cho những bệnh nhi, đặc biệt là những bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Bởi với những bệnh nhi tan máu bẩm sinh, hầu như tháng nào cũng phải điều trị tại viện. Thời gian ở viện chiếm khoảng 1/3 quỹ thời gian của các em, do đó, quá trình học tập, vui chơi, thể hiện bản thân bị hạn chế. Với mong muốn tạo sân chơi bổ ích cho các em nhỏ, Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) phối hợp với Trường Mầm non Quốc tế Sakura tổ chức dạy vẽ cho các bệnh nhi. Đồng thời, huy động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tặng quà, tặng bộ giá vẽ, dụng cụ vẽ cho CLB. Tham gia sinh hoạt CLB, các em vừa được các cô giáo dạy vẽ, hướng dẫn phối màu, vừa được trò chuyện, chia sẻ, thể hiện mong muốn của mình.

Không chỉ có hoạt động vẽ tranh, mà tại tầng 4 Trung tâm Huyết học – Truyền máu gần 2 năm qua đã hình thành tủ sách yêu thương với khoảng 1.000 đầu sách, thuộc nhiều thể loại như: khoa học, thiếu nhi, văn hóa,… Đây trở thành một không gian để các bệnh nhân tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu cũng như bệnh nhân tan máu bẩm sinh đọc sách, thư giãn. Nhìn những bệnh nhân ngồi đọc sách, trò chuyện cùng nhau hay những bệnh nhi vui vẻ khi tìm được quyển truyện tranh yêu thích mới thấy bệnh viện không chỉ là nơi điều trị gắn liền với thuốc men, dịch truyền, mà đây cũng là ngôi nhà thứ hai, ngôi nhà chung của những bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Nơi họ được duy trì sự sống, được giao lưu, chia sẻ, tâm tư, tình cảm.

Anh Cù Đức Dũng, Điều dưỡng trưởng tại Đơn nguyên lâm sàng, Trung tâm Huyết học – Truyền máu cho biết: “Trung tâm Huyết học – Truyền máu đã kết nối với Thư viện tỉnh hình thành tủ sách yêu thương từ cuối năm 2021. Sau đó, Trung tâm Huyết học -Truyền máu đã phối hợp cùng Phòng Công tác xã hội vận động, huy động nguồn sách, bàn, ghế để xây dựng không gian đọc sách, thư giãn cho bệnh nhân. Để tạo thuận lợi cho bệnh nhân có thể đọc sách khi đang truyền thuốc, Trung tâm Huyết học – Truyền máu đã thiết kế bàn đọc sách có giá treo dây truyền dịch. Tủ sách đã góp phần giúp bệnh nhân được thư giãn, nâng cao đời sống tinh thần cho người bệnh”.

Ngoài ra, để hỗ trợ bệnh nhân tan máu bẩm sinh, Trung tâm Huyết học – Truyền máu đã phối hợp cùng Phòng Công tác xã hội vận động các nhà hảo tâm, tặng quà, phát phiếu cơm miễn phí cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Nhân các ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, ngày Thalassemia Thế giới 8-5, Trung tâm Huyết học – Truyền máu cũng tổ chức các hoạt động giao lưu, liên hoan, tặng quà tại hội trường cho các bệnh nhân tham gia.

Theo thống kê của Trung tâm Huyết học – Truyền máu, mỗi tháng trung tâm tiếp nhận và điều trị khoảng 300 bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Bệnh nhân tan máu bẩm sinh thường phải điều trị thường xuyên, mỗi lần cách nhau 4 – 6 tuần và kéo dài đến hết cuộc đời. Họ thường là những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thiệt thòi trong hưởng thụ, học tập, lao động, vui chơi. Bởi, bệnh tan máu bẩm sinh thường gây ra tình trạng xanh xao, thiếu máu mệt mỏi, chóng mặt cho bệnh nhân. Nặng thì mang đến những biến chứng như, loãng xương, biến dạng xương sọ, mặt gãy trán dô, mũi tẹt, lách và gan to có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh không chỉ mang đến nỗi đau thể xác và tinh thần cho người bệnh. Nó còn làm héo mòn tinh thần, suy giảm kinh tế, sự tiếp cận văn hóa, giáo dục của gia đình người bệnh do thời gian điều trị bệnh kéo dài gây tốn kém, mệt mỏi.

Anh Cù Đức Dũng cho biết thêm: “Để người bệnh điều trị đúng lịch y, bác sĩ thường xuyên trò chuyện để họ hiểu được sự nguy hiểm khi bệnh biến chứng và thực hiện điều trị đúng phác đồ. Đồng thời, nắm bắt được những khó khăn của bệnh nhân để kịp thời kêu gọi hỗ trợ. Đặc biệt, khi bệnh nhân thiếu máu điều trị, nhiều y, bác sĩ đã tham gia hiến máu để bệnh nhân được điều trị đúng lịch, đảm bảo sức khỏe”.

Có thể thấy, sự quan tâm chăm sóc, huy động mọi nguồn lực triển khai các hoạt động để hỗ trợ những bệnh nhân tan máu bẩm sinh, đã góp phần động viên tinh thần, mang đến niềm vui cho những bệnh nhân tan máu bẩm sinh, giúp họ yên tâm điều trị bệnh.

Bài và ảnh: Thùy Linh BTH

Liên hệ nhanh