Bị tai nạn giữa biển khơi, mất máu nhiều, lại thuộc nhóm máu hiếm, tất cả người thân, họ hàng không trùng nhóm máu, hy vọng sống mong manh, nhưng, từ những giọt máu lạ được hiến tặng, chàng trai mang trong mình nhóm máu A Rh(D) âm đã được hồi sinh. Đó là câu chuyện cổ tích về hành trình tìm lại sự sống của Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1996, ở Hải Thanh,Tĩnh Gia).
Anh Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ câu chuyện về hành trình hồi sinh sự sống của mình tại Hội nghị an toàn truyền máu tỉnh Thanh Hoá
Tại Hội nghị an toàn truyền máu tỉnh Thanh Hoá tổ chức vào ngày 27/4, nghe câu chuyện xúc động của Sơn, tò mò về chàng trai mang nhóm máu hiếm ấy, chúng tôi men theo con đường nhỏ dẫn vào khu làng chài gần biển tại thôn Thượng Hải, xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) để gặp Sơn. Dù tai nạn xảy ra với Sơn đã 7 năm rồi nhưng khi được hỏi, mọi người dân đều nhớ rất rõ và kể rành mạch về khoảng thời gian giành giật sự sống của em.
Gặp Sơn khi em đang tranh thủ những ngày không đi biển phụ giúp mẹ công việc nhà, ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Sơn đó là sự giản dị, gần gũi, mộc mạc. Dáng người nhỏ nhắn, nước da đen sạm, một bên tay phải bị cắt cụt sau lần tai nạn nhưng ánh mắt của em sáng lên niềm hy vọng vào cuộc sống, tương lai. Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề đi biển. Em là con trai cả trong gia đình có 3 anh chị em. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ thường xuyên đau ốm, Sơn đã phải nghỉ học khi mới 16 tuổi để cùng bố đi biển khai thác thủy sản. Cuộc sống lênh đênh trên biển khiến cho làn da của Sơn đen sạm. Tưởng chừng là chỗ dựa vững chắc cho gia đình, cho bố mẹ nhưng không may tai nạn bất ngờ đã ập đến với em. Đó là một buổi chiều hè tháng 6 năm 2018, khi Sơn đang trên tàu khai thác hải sản ở vùng biển Nghệ An, thì bất ngờ bị tai nạn và động cơ của tàu cứa dập nát 1 phần cánh tay phải. Máu chảy rất nhiều, thấm ướt cả quần áo khiến em bất tỉnh. Mọi người trên thuyền nhanh chóng đưa em vào bờ. Sau gần 4 giờ lênh đênh trên biển, Sơn được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, cơ thể mất rất nhiều máu. Sự sống với em lúc này như ngàn cân treo sợi tóc.
Thật không may mắn với em, sau khi xét nghiệm, bác sĩ thông báo Sơn thuộc nhóm máu A Rh(D) âm, đây là nhóm máu hiếm. Tại Việt Nam nhóm máu này rất ít gặp, có khoảng 0,04-0,07% dân số mang nhóm máu này. Tình trạng của Sơn lúc đó rất nguy cấp nếu không có người hiến máu ngay thì tính mạng của em khó giữ được. Tất cả người thân của Sơn ngay sau đó đã truyền nhau thông tin lên mạng xã hội, kêu gọi mọi người có nhóm máu hiếm đến giúp Sơn. Xã Hải Thanh nơi Sơn sinh sống, ngay khi biết Sơn gặp nạn, rất đông người dân đã đến Bệnh viện Đa khoa huyện Tĩnh Gia để đăng ký hiến máu gửi vào cho Sơn nhưng không một ai trùng nhóm máu. Cùng lúc đó, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã huy động cán bộ y tế, người dân ở Nghệ An đến xét nghiệm máu nhưng cũng không ai trùng nhóm máu với em. Lúc này cả gia đình Sơn rơi vào tuyệt vọng. Mẹ Sơn khóc ngất vì bất lực nhìn con thoi thóp trên giường bệnh.
Tưởng chừng hy vọng sống đã khép lại với chàng trai trẻ đang hôn mê sâu này, thì hơn 23h cùng ngày, nhờ sự kêu gọi của Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm, sự nỗ lực liên lạc của người nhà, có 2 người cùng nhóm máu A Rh(D) âm đến hiến máu cho Sơn. Đó là chị Hương (Nam Đàn, Nghệ An) và chị Trang (Nghi Lộc, Nghệ An) đã không quản đường xá xa xôi, đêm tối đến hiến máu cho Sơn. Sau gần nửa ngày từ khi bị nạn, Sơn mới được truyền 2 đơn vị máu.
“Từ khi Sơn bị tai nạn đến khi được truyền máu, cả gia đình tôi và bà con nhân dân trong xã đều trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Giữa ranh giới sự sống và cái chết, mọi người thực sự vỡ oà cảm xúc khi biết có 2 tình nguyện viên đến hiến máu cho Sơn, những giọt máu ấy vô cùng quý giá.”, mẹ của Sơn xúc động nhớ lại. Và chính 2 đơn vị máu này đã tạm đưa Sơn thoát khỏi cơn nguy kịch để có thể chuyển ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) thực hiện phẫu thuật.
Ngay trong đêm, Sơn được chuyển tuyến ra đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức an toàn. Nghĩ rằng ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ được nhanh chóng phẫu thuật phần cánh tay dập nát. Nhưng do số đơn vị máu hiếm có sẵn hạn chế nên bệnh viện cũng không đủ máu để tiến hành phẫu thuật. Thời gian cứ thế trôi qua trong sự chờ đợi, tìm kiếm của gia đình, còn những mạch máu, bộ phận trên cơ thể Sơn đang yếu dần đi. Huyết áp tụt và nhịp tim suy dần, sự sống của Sơn chỉ tính bằng giờ. Thông tin về Sơn tiếp tục được các tình nguyện viên đăng tải trên các hội nhóm hiến máu.
“Lúc bấy giờ, nhờ có sự kết nối, kêu gọi của BSCKII Nguyễn Huy Thạch – Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, có 3 thành viên trong CLB những người có nhóm máu hiếm tại Thanh Hoá đã không hề do dự, đón xe khách trong đêm ra Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức để hiến máu cho Sơn. Khi con người đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết mới thấy quý vô cùng tình người. Nhờ có những giọt máu hiếm này, con trai tôi tiếp tục được kéo dài sự sống và thắp lên hi vọng.” Mẹ Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên bệnh tình của Sơn có nhiều diễn biến xấu hơn, em liên tục sốt cao, co giật, cánh tay của em đã bị hoại tử, xương gót chân không thể tự hồi phục được, phải phẫu thuật cắt bỏ cả cánh tay phải và tháo gót chân. Sau 12 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, sức khoẻ của em dần ổn hơn và được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia để thực hiện các phẫu thuật ghép vạt da. Cứ thế, gần 2 tháng nằm viện Sơn trải qua 4 lần phẫu thuật. Mỗi lần phẫu thuật, cấy ghép da cho em gia đình lại tất tưởi tìm máu và chờ máu. Sơn chia sẻ: Có đủ máu để phẫu thuật thật khó khăn. Có lần đến lịch mổ nhưng do không có máu nên ca mổ của em phải lùi lại dẫn đến nhiều mất mát trên cơ thể và nguy cơ nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến tính mạng.
Suốt hành trình hồi sinh sự sống của mình, Sơn đã may mắn nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của thành viên các CLB máu hiếm trên cả nước, trong đó có 5 người ở các tỉnh khác và 6 người là thành viên CLB máu hiếm Thanh Hoá do BSCKII Nguyễn Huy Thạch kết nối và huy động. Những giọt máu bình thường đã quý, tại thời điểm ấy, những giọt máu ấy lại càng thêm quý giá. Và nhờ những giọt máu này, Sơn đã được hồi sinh.
Nguyễn Thanh Sơn (áo đen, đứng thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh cùng gia đình
Sơn cho biết, sau khi hồi phục trở lại, việc đầu tiên em làm là gia nhập Câu lạc bộ nhóm máu hiếm tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, khi sức khỏe ổn định Sơn lại tiếp tục ra khơi bám biển và quay trở về với cuộc sống bình thường. Chàng trai trẻ chia sẻ: Em đã được cứu sống nhờ những giọt máu hiếm của rất nhiều người, nếu có cơ hội, em muốn được trao tặng lại máu của mình cho những người kém may mắn khác. Hành trình chiến thắng tử thần giành lại sự sống của chàng trai Nguyễn Thanh Sơn đã thay đổi nhận thức của nhiều người dân về việc hiến máu tình nguyện. Người thân trong gia đình Sơn và nhiều người tại quê hương em đã luôn sẵn sàng hiến máu và cảm thấy tự hào khi được cho đi. Và những giọt máu hiếm trên cơ thể của Sơn sẽ tiếp tục hồi sinh cho nhiều người không may mắn khác.
Nguyễn Thanh Sơn (người mặc áo xanh đứng tư từ phải sang) chụp ảnh cùng các thành viên CLB nhóm máu hiếm tại Thanh Hoá tại Hội nghị an toàn truyền máu tỉnh Thanh Hoá năm 2024
Nhằm giúp cho người có nhóm máu hiếm Rh âm kết nối lại trong cùng một cộng đồng, từ năm 2015, BSCKII Nguyễn Huy Thạch – Giám đốc Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã thành lập CLB những người có nhóm máu hiếm tại Thanh Hoá. Ban đầu nhóm chỉ có 18 thành viên. Đến năm 2018, CLB chính thức ra mắt với 50 thành viên. Sau 7 năm hoạt động, đến nay CLB có 120 thành viên với nhiều độ tuổi khác nhau, từ người già đến trẻ con và cả phụ nữ mang thai. Đây là nơi gặp gỡ, chia sẻ của người nhóm máu hiếm trên địa bàn tỉnh, đồng thời là đầu mối nhanh chóng liên hệ với nguồn máu hiến tặng khi bệnh nhân cần truyền máu khẩn cấp. Bất kể đêm khuya hay phải vượt quãng đường hàng trăm cây số, những thành viên CLB luôn sẵn sàng chia sẻ giọt máu hiếm giúp người gặp nạn.
CLB nhóm máu hiếm Thanh Hoá tặng hoa cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Ban Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá
Có thể nói việc phát triển thành viên CLB Nhóm máu hiếm là cực kỳ cần thiết giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhóm máu hiếm cũng như khích lệ tinh thần hiến máu tình nguyện cứu người. Được ví là những người mang trong mình “biệt dược đỏ”, họ chính là “người hùng thầm lặng” hiến tặng những giọt máu nghĩa tình giúp cứu chữa rất nhiều tính mạng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, để hi vọng được thắp lên, sự sống tiếp tục được hồi sinh.
Bài và ảnh: Phòng CTXH