Tăng cường tư vấn, vận động hiến tạng ở người sau chết/chết não, tạo nguồn tạng ghép tại địa phương

Ngày 21-7, Đoàn công tác Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá về tổ chức các hoạt động tư vấn, vận động hiến tạng ở người sau chết/chết não và tạo nguồn tạng ghép tại địa phương. Đây là một trong những nội dung thuộc chương trình tập huấn của mạng lưới tư vấn hiến mô, tạng cơ thể người thuộc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Đoàn công tác Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thăm quan thực tế và hướng dẫn việc tổ chức hoạt động tư vấn hiến tạng tại khoa Cấp cứu – HSTC 2

Tham dự buổi làm việc, về phía Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia có: PGS.TS. Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan của Trung tâm. Về phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá các đồng chí trong Ban Giám đốc, Trưởng các phòng chức năng chuyên môn, Lãnh đạo các Khoa, Trung tâm thuộc các chuyên khoa có liên quan và thành viên Tổ tư vấn hiến tạng.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác đã thăm quan thực tế hoạt động tư vấn, vận động hiến tạng tại các khoa có bệnh nhân chết não tiềm năng như Trung tâm Cấp cứu, Hồi sức tích cực 1, Thần kinh – Đột quỵ, Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực …Bên cạnh đó, đoàn cũng đã triển khai và hướng dẫn cho đội ngũ nhân viên y tế làm việc tại các khoa nêu trên một số lưu ý về cơ chế phối hợp với nhóm tư vấn viên; quy trình sàng lọc, phát hiện bệnh nhân chết não tiềm năng chuẩn và triển khai tờ rơi cung cấp thông tin hiến tạng ở người sau khi chết/chết não…từ đó để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, tạo nguồn tạng ghép tại địa phương.

Đoàn công tác Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thăm quan thực tế và hướng dẫn việc tổ chức hoạt động tư vấn hiến tạng tại khoa PTTK-LN

Tại buổi làm việc, chia sẻ về những khó khăn trong công tác vận động hiến mô tạng tại Bệnh viện, BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết việc vận động hiến tặng mô, tạng còn gặp nhiều thách thức, khó khăn không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá mà hầu hết ở các cơ sở y tế trong cả nước. Cần có những giải pháp cụ thể để có thể “phá băng” được quan niệm “chết toàn thây”, chưa hình thành văn hóa hiến tạng tại bệnh viện vốn là lực cản của việc hiến tặng mô, tạng từ người chết não.

Bên cạnh đó, những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật về hiến tặng mô, tạng cần sớm được sửa đổi, bổ sung… Như Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực thi hành đã lâu, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không còn phù hợp thực tiễn, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Ngoài ra, những người tư vấn hiện nay chưa được đào tạo bài bản, đồng bộ, thống nhất về chuyên môn cũng như những kỹ năng mềm và tư vấn về tâm lý. Trong khi đó, các diễn biến của người bệnh rất nhanh và phức tạp, vì vậy nhiều trường hợp không đủ thời gian để thực hiện các bước theo quy định. Bên cạnh đó, các tư vấn viên cũng chưa có quy trình chuẩn về tiếp cận gia đình người bệnh, thiếu kỹ năng giải đáp các thắc mắc, hiểu lầm của người nhà người bệnh…

BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc về hoạt động tư vấn hiến tạng tại Bệnh viện

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, đồng chí cũng đề nghị Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đề xuất kiến nghị với Bộ Y tế sớm sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong đó định hướng tập trung sửa đổi các vấn đề như độ tuổi người hiến, quyền lợi đối với người hiến; tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng; xác định chết não; cơ chế tài chính trong hiến, ghép mô, tạng; các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân lực tham gia điều phối, tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng…

Trong công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng sẽ quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hội, tổ chức tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng. Từ đó cùng chung tay góp phần tăng cường nguồn mô, bộ phận cơ thể người từ người hiến bị chết não, mở ra cơ hội được cứu chữa, kéo dài sự sống cho hàng chục nghìn bệnh nhân bị mắc các bệnh hiểm nghèo cần ghép tạng.

Với vai trò là thành viên của mạng lưới Điều phối ghép tạng Quốc gia, thay mặt Bệnh viện, BSCKII Lê Văn Sỹ cũng cam kết với Đoàn công tác sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường vận động hiến tạng từ bệnh nhân chết não tại bệnh viện, thực hiện chẩn đoán, hồi sức chết não lấy đa tạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, tích cực tuyên truyền để thay đổi nhận thức của cộng đồng về hiến tạng sau khi chết là nghĩa cử cao đẹp, từ đó hình thành văn hoá hiến tạng tại Bệnh viện và tạo nguồn tạng ghép ngay tại địa phương.

Bài và ảnh: Phòng CTXH

Liên hệ nhanh