Đánh giá kết quả bước đầu ứng dụng kỹ thuật khối tế bào (Cell block) trong chẩn đoán bệnh ung thư tại khoa GPB-Tế bào BVĐK tỉnh Thanh Hóa

 

 

                                                                       BsCKI Hà Minh Thắng

Trưởng khoa Giải Phẫu Bệnh – Tế Bào

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Ngày nay có rất nhiều thiết bị hiện đại và các phương pháp mới giúp chẩn đoán tổn thương bệnh lý, tuy nhiên vai trò của Giải Phẫu Bệnh – Tế Bào là không thể thay thế. Trong đó, xét nghiệm tế bào học dịch cơ thể là một phương pháp chẩn đoán quan trọng hàng đầu với nhiều ưu điểm đơn giản, dễ thực hiện, có thể thao tác kỹ thuật ở tất cả các phòng thí nghiệm với kết quả nhanh và độ chính xác khá cao.


Chẩn đoán tế bào dịch qua phết lam (cell smear) có độ nhạy thấp do các tế bào thường bị chồng chéo lên nhau hoặc bị mất trong quá trình làm kỹ thuật.


Cell block là kỹ thuật có giá trị trong chẩn đoán tế bào dịch cơ thể. Với phiến đồ đơn thuần, xác định được khoảng 67% dịch ác tính; nếu kết hợp ly tâm, lọc và làm cell block thì xác định được khoảng 83%. Giá trị chẩn đoán đúng của cell block cao hơn so với cell smear bởi thu giữ được nhiều tế bào hơn thậm trí thu giữ được những mảnh cấu trúc mô, và áp dụng được những phương pháp nhuộm đặc biệt.


Cell block được áp dụng từ lâu trên thế giới. Ở Việt Nam, được tiến hành lần đầu tiên vào năm 2012 tại trung tâm Giải Phẫu Bệnh – Tế Bào Bệnh viện Bạch Mai.


Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh  Hóa, kỹ thuật cell block đã triển khai từ 11/2013 đến 9/2017 được 450 bệnh nhân. Tuy số liệu còn ít nhưng đã góp phần nói lên vai trò của cell block quan trọng trong chẩn đoán tế bào các dịch ác tính.


Xuất phát từ các lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá bước đầu áp dụng kỹ thuật khối tế bào” nhằm hai mục tiêu:


– Xác định độ chính xác, độ nhạy và độ đặc hiệu của kỹ thuật khối tế bào.

– Giúp các Bác sỹ lâm sàng thấy được vai trò và những ưu điểm vượt trội của kỹ thuật khối tế bào trong chẩn đoán dịch, đặc biệt là dịch ác tính.


II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU


1. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:

1.1  Tiêu chuẩn lựa chọn:

Những bệnh nhân có tràn dịch các khoang tự nhiên, dịch nước tiểu tại Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Thanh Hóa từ tháng 11/2013 đến 9/2017 với tiêu chuẩn:

– 100% dịch máu hoặc dịch màu hồng đều được lấy mẫu.

– Nếu lâm sàng nghi có khối u thì bất kể dịch gì cũng được lấy mẫu.


1.2 Tiêu chuẩn loại trừ:

Những bệnh nhân có dịch khoang cơ thể màu vàng và lâm sàng không nghi u.


1.3 Cỡ mẫu:

Mẫu nghiên cứu được chọn theo phương pháp lấy mẫu toàn bộ, chọn mẫu có chủ đích. Trên cơ sở tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ, chúng tôi đã lựa chọn được 450 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn dịch làm khối tế bào.


2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU


2.1 Thiết kế nghiên cứu: Tiến cứu theo phương pháp mô tả cắt ngang.

2.2 Cách lấy mẫu bệnh phẩm:

Những bệnh nhân có chỉ định được tiến hành lấy dịch tại các khoa lâm sàng. Cách thu mẫu dịch như sau:

– Tráng lọ bằng heparin trước khi sử dụng đựng dịch làm xét nghiệm (3UI/ml dịch)

– Lấy khoảng 50 – 250ml dịch cho vào lọ có thể tích 250ml (thường lấy vỏ chai dịch truyền), đậy nắp, dán nhãn (tên, tuổi, địa chỉ, nơi điều trị, chẩn đoán lâm sàng).

– Gửi ngay về khoa Giải Phẫu Bệnh – Tế Bào. Nếu không có điều kiện gửi ngay thì phải bảo quản bệnh phẩm ở ngăn dưới tủ lạnh (4⁰C) và không bảo quản quá 2 tuần.

– Tại khoa Giải Phẫu Bệnh – Tế Bào, lọ dịch được lưu giữ từ 8 – 10 giờ trong tủ lạnh 4⁰C để tế bào lắng xuống dưới. Sau đó gạt bỏ phần dịch phía trên, tiếp tục ly tâm lấy phần cặn phía dưới làm song song 2 phương pháp khối tế bào và phết lam.

– Phần dịch làm cell block: Được đúc nến, cắt tiêu bản, nhuộm HE và đọc kết quả.

– Các tiêu bản khó đều được hội chẩn với PGS – TS Tạ Văn Tờ (Bệnh viện K).


III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN  


1. ĐẶC ĐIỂM CHUNG VỀ NHÓM NGHIÊN CỨU

1.1 Đặc điểm về giới:

 

 

Nhận xét: Trong 450 bệnh nhân; có 95 mẫu chẩn đoán cell block ung thư; trong đó 40 bệnh nhân nam giới (42,1%), 55 bệnh nhân nữ giới (57,9%). Như vậy, tỷ lệ nữ giới có tràn dịch các màng do ung thư của chúng tôi ( chỉ 1 TH dịch nước tiểu ) cao hơn không đáng kể so với nam giới. Tỷ lệ này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thúy Hương, tỷ lệ tràn dịch do ung thư ở nữ giới 55% cao hơn 45% của nam giới.

 

1.2 Đặc điểm về màu sắc dịch:

Màu sắc dịch

n

%

Dịch vàng

20

21.0

Dịch máu

30

31.6

Dịch hồng

45

47.4

Tổng

95

100

 

Nhận xét: Trong 95 mẫu cell block ung thư; dịch màu hồng 47.4%, dịch máu 31.6%, dịch màu vàng 21.0%. Như vậy, tỷ lệ dịch hồng và dịch máu chiếm ưu thế 79%. Tỷ lệ này phù hợp với nhận xét của Ronan H.gram là khi thấy dịch màu hồng hoặc dịch máu cho phép hướng đến một nguyên nhân do bệnh ác tính.

 

1.3 Đặc điểm về số lượng dịch:

 

                              

 

Nhận xét: Trong 95 mẫu cell block ung thư; mẫu có lượng dịch lấy làm xét nghiệm từ 200 – 250ml chiếm tỷ lệ 42.1 %, lượng dịch từ 150-200ml và 100 – 150ml chiếm tỷ lệ tương đương nhau (26.3% và 21.1%).

Như vậy, hầu hết lượng dịch được lấy mẫu làm trong 95 cell block ung thư đều trên 100ml. Việc lấy số lượng dịch bao nhiêu để đủ có một chẩn đoán cell block tốt nhất hiện nay còn rất nhiều tranh cãi. Nghiên cứu của chúng tôi không tập trung phân tích lượng dịch bao nhiêu là tốt nhất để làm khối tế bào, nên việc lựa chọn số lượng dịch là lấy theo khuyến cáo của đa số tác giả. Tuy nhiên, trong quá trình làm kỹ thuật, chúng tôi nhận thấy, lượng dịch càng nhiều thì lượng cặn tế bào thu được càng nhiều, do vậy chúng tôi đúc được nhiều khối nến, có nhiều bệnh phẩm.


2. KẾT QUẢ CHẨN ĐOÁN TẾ BÀO HỌC KHỐI TẾ BÀO

Phân loại các typ mô bệnh học trên khối tế bào


Típ mô bệnh học

n

%

Ung thư biểu mô tuyến

90

94,7

Ung thư biểu mô chuyển tiếp

05

5.3

U trung biểu mô ác tính

0

0

Tổng

95

100

 

Nhận xét:

Trong 95 mẫu cell block ung thư có chủ yếu là ung thư biểu mô tuyến (94,7%), tiếp theo là ung thư biểu mô chuyển tiếp (5,3%), không có mẫu nào là U trung biểu mô.

 

Một vài hình ảnh cấu trúc tuyến rõ trên tiêu bản cell bock

 

3. SO SÁNH CHẨN ĐOÁN TẾ BÀO CELL BLOCK VỚI CELL SMEAR


3.1 Đối chiếu chẩn đoán tế bào học giữa cell snear và cell block:


Chẩn đoán

Cell Smear

Cell Block

n

%

n

%

Lành tính

345

76,7

320

71.1

Nghi ngờ ác tính

40

8.9

35

7.8

Ác tính

65

14,4

95

21.1

Tổng

450

100

450

100

 

Nhận xét:

Trong 450 mẫu được nghiên cứu làm song song cả 2 phương pháp cho thấy:

+ Chẩn đoán cell smear: ác tính 14.4%, nghi ngờ 8.9%, lành tính 76.7%;

+ Chẩn đoán cell block: ác tính 21.1%, nghi ngờ 7.8%, lành tính 21.1%

Như vậy nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mức độ cải thiện số mẫu chẩn đoán ác tính tăng lên rõ rệt bằng kỹ thuật khối tế bào. Kết quả cho thấy có thêm 30 mẫu chẩn đoán ác tính. Theo Derkkar và Bupp chỉ ra rằng, bằng việc kết hợp cell block và cell smear trong chẩn đoán tổn thương ác tính có độ nhạy cao gấp 2 lần so với cell smear thông thường. Nếu chỉ dùng cell block thì cải thiện được 38% chẩn đoán u cho những trường hợp âm tính hoặc tế bào không điển hình trên cell smear.

 

3.2 Xác định giá trị của phương pháp cell smear và cell block:


Chẩn đoán

Cell mear

Cell bolck

Ung thư

65

95

Không ung thư

50

20

Tổng

115

115

Độ nhạy (%)

56.5%

82.6%

Độ đặc hiệu(%)

87%

94.4%

 


Nhận xét: Trong 450 mẫu nghiên cứu cho làm song song cả 2 phương pháp; phương pháp cell block có độ nhạy là 82,6% cao hơn phương pháp cell smear (56,5%). Độ đặc hiệu của cell block (94,4%) cũng cao hơn so với cell smear (87%)

 

IV. KẾT LUẬN

Qua 95 mẫu dịch ác tính trong tổng số 450 mẫu nghiên cứu được làm song song cả hai kỹ thuật khối tế bào (cell block) và phiến đồ phết lam (cell smear) chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

– Tỷ lệ nam/nữ là 1:1

– Màu sắc dịch ác tính chủ yếu là dịch hồng và dịch máu (79%).

– Type ung thư: với tràn dịch các màng gặp ung thư biểu mô tuyến là chủ yếu, trong đó có 1 mẫu dịch nước tiểu có tổn thương ung thư biểu mô chuyển tiếp.

-Trong 2 phương pháp chẩn đoán tế bào dịch:

+ Phương pháp khối tế bào (cell bolock) có độ nhạy và độ chính xác cao hơn nhiều so với phương pháp phết lam (cell smear).

+ Độ đặc hiệu của 2 phương pháp đều rất cao; trong đó cell block có độ đặc hiệu cao hơn cell smear.

V. TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

TIẾNG VIỆT

  1. Giải phẫu bệnh học (2002). Bộ môn giải phẫu bệnh – Trường đại học y Hà Nội, Nhà xuất bản Y học Hà Nội
  2. Nguyễn Trường Sơn “Chẩn đoán tràn dịch ác tính bằng phương pháp tế bào học và cellblock” –, Tạp chí Y Học Thành Phố Hồ Chí Minh, số 2- tập 16, năm 2012.

 

TIẾNG ANH

  1. Bodele AK, Parate SN, Wadadekar AA, et al. (2003), “ Diagnostic utility of cell block preparation in reporting of fluid cytology ”. Journal of Cytology, 20 (3), pp. 133-135.
  2. Dekker A, Bupp PA (1978), “Cytology of serous effusions.  An investigation into the usefulness of cell blocks versus smears”, Am J Clin Pathol ,70 (6), pp. 860-885.

Liên hệ nhanh